Thầy giáo "quân hàm xanh" đem con chữ đẩy lùi nạn tảo hôn ở miền biên viễn
Tối đến, lớp học xóa mù chữ của Đại úy - "thầy giáo mang quân hàm xanh" Lò Văn Thoại (Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) lại sáng đèn, vang vọng tiếng đọc bài của học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau từ 14-60 tuổi.
Hơn 2 năm nay, cũng chính nhờ lớp xóa mù chữ của thầy Thoại, mà cuộc sống của người dân tại xã Mường Và (huyện Sốp Cộp, Sơn La) có nhiều đổi khác.
Chia sẻ về quá trình mở lớp dạy xóa mù chữ, thầy Lò Văn Thoại cho biết, đầu năm 2022 thực hiện Quyết định điều động của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La, thầy Thoại được về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, đơn vị quản lý hai xã Nậm Lạnh và xã Mường Và, đây cũng là hai xã có vị trí địa lý khắc nghiệt, đường xá đi lại rất khó khăn, trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển, đặc biệt là các bản giáp biên giới.
“Từ tình hình trên bản thân là nhân viên đội Vận động quần chúng với mong muốn được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong một lần công tác vào năm 2022 tại xã Mường Và tôi cùng đồng đội đến bản Pá Khoang cách trung tâm xã khoảng 20km. Ban đầu chúng tôi cũng chỉ nghĩ chắc đi khoảng 40 - 50 phút thì lên tới bản, nhưng rồi lội qua suối, vượt qua đèo hơn hai tiếng đồng hồ mới lên tới nơi, đó là trời nắng còn nếu trời mưa có thể nói nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Ở với Pá Khoang 2 ngày chúng tôi mới nhận thấy nơi đây còn rất nhiều khó khăn đặc biệt đường xá đi lại, về kinh tế, văn hóa, xã hội… Tình trạng tái mù chữ và mù chữ, tảo hôn, kết hôn cận huyết… khiến tôi luôn trăn trở, day dứt làm thế nào giúp được bà con nơi đây biết đọc chữ, biết viết tên của mình, biết đọc báo, biết phương pháp làm kinh tế hộ gia đình, biết áp dụng tiến bộ khoa học vào lao động sản xuất, ổn định cuộc sống”, thầy Thoại chia sẻ.
Cũng từ những suy nghĩ đó, thầy Thoại cho rằng, để bà con thay đổi cuộc sống, trước tiên cần phải biết chữ. Nghĩ vậy thầy Thoại mạnh dạn đề xuất, rà soát, lập danh sách các trường hợp tái mù chữ và mù chữ trong bản, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Sốp Cộp để mở lớp xóa mù chữ tại bản Pá Khoang.
Thầy cũng phải học làm thầy
Kể về những ngày đầu thành lập lớp, thầy Thoại vẫn không thể nào quên những khó khăn đã trải qua. Trong đó khó nhất là việc vận động học viên đến lớp. Nhiều ngày liền, thầy Thoại phải kiên trì đến từng nhà, vận động từng người đi học. Đến khi học viên đã đến lớp học vẫn có tình trạng bỏ giữa chừng, khi ấy, thầy giáo Thoại lại phải băng rừng, lội suối đến từng nhà làm công tác tư tưởng, để người dân có quyết tâm theo đuổi con chữ.
Lớp học xóa mù chữ của thầy Thoại có nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó có không ít học viên là lao động chính trong nhà, ban ngày phải đi làm nương, nên lớp học phải tổ chức vào buổi tối.
Sau hơn 2 năm tuyên truyền, vận động, từ chỗ lớp có 7-8 học viên, đến nay lớp đã có 24 học viên tham gia ở độ tuổi từ 14-60 tuổi.
Buổi tối đứng lớp làm thầy giáo, thế nhưng nhiệm vụ của thầy Lò Văn Thoại vẫn là một Bộ đội biên phòng, vốn không được đào tạo bài bản về sư phạm. Thầy Thoại kể, những ngày đầu mở lớp xóa mù chữ, bản thân thầy cũng phải tự học, tự đọc để có thêm kỹ năng sư phạm.
“Những buổi đầu tiên lên lớp bản thân tôi cũng gặp không ít khó khăn vì học viên lâu rồi không cầm bút và ở nhiều lứa tuổi khác nhau, đôi khi phải cầm tay học viên viết những nét chữ ê, a...đặc biệt là học ghép chữ, ghép vần...
Nhưng với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, tôi đã tìm đọc, nghiên cứu các tài liệu, phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp”, thầy Thoại kể.
Đem con chữ thắp sáng miền biên viễn
Với những nỗ lực không ngừng, ban ngày trong vai trò của chiến sĩ bộ đội biên phòng, buổi tối lại lên lớp dạy xóa mù chữ, thầy Lò Văn Thoại đã đem lại những thay đổi đáng kể cho người dân Mường Và. Nếu như trước đây, các học viên không biết chữ, số, đặc biệt việc sử dụng điện thoại rất khó khăn, không biết lưu tên người thân như thế nào, mỗi khi có việc trong gia đình phải đi bộ hàng cây số để nhờ người thân đến giúp. Sau khi tham gia lớp học của thầy Thoại, hiện nay các học viên đã có thể tự đọc, viết, lưu tên người thân trên điện thoại và ngày càng thích đến lớp hơn. Người dân Mường Và cũng đã nhận thức được việc học chữ không chỉ giúp đọc hiểu sách, vở mà còn giúp ích rất nhiều trong cuộc sống thường ngày, chăm sóc sức khỏe cho con cái, biết chăn nuôi làm kinh tế và tự tin hơn khi giao tiếp...
Không chỉ dạy chữ, trong các buổi học, hay chương trình ngoại khóa, thầy Thoại còn thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền việc chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, an ninh - quốc phòng, để nhân dân biết được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử xấu thường lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đặc biệt quan tâm đến nạn tảo hôn, thầy Lò Văn Thoại luôn chú trọng việc vận động, tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức.
“Trước đây ở bản gần như nhà nào cũng tảo hôn, trai gái chỉ 13 tuổi là lập gia đình, sinh con đẻ cái. Nhà nào cũng có từ 4-5 con, mỗi con chỉ cách nhau 1-2 năm. Tảo hôn, kết hôn cận huyết không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, giống nòi mà còn kéo lùi sự phát triển về kinh tế, xã hội, khiến cuộc sống của bà con mãi khổ. Từ khi được đi học, tiếp xúc với khiến thức, người dân đã dần thay đổi nhận thức, đến nay tỷ lệ tảo hôn đã giảm xuống đáng kể, chỉ còn khoảng 1-2%. Người dân quan tâm hơn đến chăm sóc sức khỏe con cái, học tập, làm ăn kinh tế”, thầy Thoại phấn khởi chia sẻ.
Ngoài thời gian lên lớp, thầy giáo Thoại vẫn hướng dẫn người dân cách làm nương rẫy đem lại hiệu quả cao, cách nuôi trồng để phát triển kinh tế.
Trong số những học viên đã dạy, thầy Lò Văn Thoại đặc biệt ấn tượng với chị Giàng Thị Pạ Dê. Chị Dê vốn không biết chữ, cũng không muốn đi học, chồng lại đang trong thời gian cải tạo vì buôn bán ma túy, mỗi lần đi thăm chồng, chị phải nhờ người biết chữ đưa đi vì không biết ký nhận, không biết số phòng.
Sau khi được thầy Thoại kiên trì vận động, nhận thức được lợi ích của việc học chữ, từ đó chị Giàng Thị Pạ Dê đã quyết tâm đến lớp. Sau 9 tháng học, chị Dê đọc thông, viết thạo, không ngừng vươn lên trong các hoạt động, phong trào tại địa phương. Hiện chị Giàng Thị Pạ Dê đang làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ bản Nậm Lạn, xã Mường Lạn. Chị cũng tích cực vận động người dân chưa biết chữ đến lớp học của thầy Lò Văn Thoại.
“Từ khi biết chữ, tôi vận dụng được nhiều kiến thức vào phát triển kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi cũng như biết cách bán hàng qua mạng xã hội, mang lại nguồn thu nhập tốt hơn, cải thiện đời sống kinh tế gia đình”, chị Giàng Thị Pạ Dê nói.
Đến với Mường Và có lẽ không ai không biết đến Đại úy Lò Văn Thoại. Người dân nơi đây vẫn gọi chiến sĩ biên phòng ấy với cái tên thầy thân thương “thầy Thoại”, hay “thầy giáo Thoại”.
Công tác ở nơi còn nhiều khó khăn, nhưng với thầy Thoại, chứng kiến sự thay đổi từng ngày của người dân, cũng như nhận được những tình cảm yêu mến từ học trò chính là động lực lớn nhất để thầy Thoại tiếp tục bám bản, cõng con chữ lên non cùng người dân phát triển kinh tế xã hội.
Với những cống hiến hết mình, Đại úy - “thầy giáo quân hàm xanh” Lò Văn Thoại đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Phòng GD-ĐT, UBND huyện tặng; giấy khen của Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, Hội Khuyến học tỉnh Sơn La. Năm 2023 Đại úy Lò Văn Thoại là Chiến sĩ tiên tiến/BCH BĐBP tỉnh Sơn La. Năm 2024, thầy giáo Thoại cũng là một trong những tấm gương thầy cô giáo tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Bộ GD-ĐT, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức.
Theo VOV
-
Sơn La: Khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng -
Doanh nghiệp Việt cần bắt tay cùng làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam -
Nghệ An: Khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi -
Làng rau Trà Quế là đại diện của Việt Nam có mặt trong Làng Du lịch tốt nhất" 2024
- Đẩy mạnh truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm
- Tạo tín chỉ carbon nhưng vẫn đảm bảo năng suất lúa
- Bão số 7 tiếp tục giảm cấp và sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào đêm 11/11
- Thành lập Ban chỉ đạo về tinh gọn bộ máy của Chính phủ
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, coi đây là 'đột phá của đột phá'
- Ứng phó bão Yinxing: Tập trung hỗ trợ người dân đang mệt mỏi sau 3 đợt thiên tai
-
Đoàn công tác Trung ương Hội NDVN làm việc với Hội Nông dân tỉnh Tiền GiangNgày 19/11, tại tỉnh Tiền Giang, Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) do ông Phan Như Nguyện, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực BCH Trung ương Hội NDVN, Trưởng Ban Chỉ đạo Cụm thi đua số 5 làm Trưởng đoàn đến làm việc với Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang.
-
Cà Mau: Sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau thu hút ký kết được nhiều hợp đồng trong và ngoài nướcTính riêng, trong khuôn khổ hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản tỉnh Cà Mau năm 2024 đã có 209 lượt giao thương trực tiếp giữa 42 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản, chủ thể OCOP tỉnh Cà Mau với 5 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp nhập khẩu đến từ Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc… thể hiện nhiều sự quan tâm đến sản phẩm của tỉnh Cà Mau.
-
Thầy giáo "quân hàm xanh" đem con chữ đẩy lùi nạn tảo hôn ở miền biên viễnTrước đây ở xã Mường Và (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La), hầu hết trai, gái chỉ 13-14 tuổi đã kết hôn, sinh con đẻ cái. Tảo hôn khiến cuộc sống của người dân mãi chìm trong bệnh tật, nghèo đói. Nhưng nhờ có lớp xóa mù chữ của Đại úy Lò Văn Thoại, người dân được thay đổi nhận thức, đến nay tỷ lệ tảo hôn chỉ còn khoảng 1-2%, đời sống kinh tế xã hội dần ổn định, phát triển hơn.
-
Sơn La: Khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa HángSáng 19/11, tại Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập (mốc giới 255), huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã diễn ra lễ công bố khai trương cặp Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, tỉnh Sơn La, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Pa Háng, tỉnh Huaphanh, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
-
Từ ngày 20/11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 thông qua nhiều dự án luật quan trọngTrong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
-
Thủ tướng chia sẻ 3 đề xuất thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại G20Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình cùng phấn đấu thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050, đóng góp cho sự phát triển của một thế giới xanh, sạch, đẹp, bền vững.
-
Tổng Bí thư Tô Lâm: Triển khai công việc theo tinh thần 'vừa chạy vừa xếp hàng'Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý.
-
Bến Tre: Hội Nông dân tỉnh tập huấn chương trình khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp cho hội viênThực hiện Chương trình số 10 của Tỉnh ủy về “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, chiều ngày 29/11/2024, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn 2024 – 2025 cho hội viên nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
-
Doanh nghiệp Việt cần bắt tay cùng làm đường sắt tốc độ cao Bắc - NamNgoài việc học hỏi, làm chủ công nghệ thi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cũng trăn trở đến việc nguồn nhân lực lao động.
-
Trà Vinh: Trồng chanh xuất khẩu, nông dân thu nhập 600 - 700 triệu đồng/ha/nămNgày 18/11, tại tỉnh Trà Vinh, ông Phan Như Nguyện, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Cụm thi đua số 5 đã có chuyến kiểm tra thực tế và thăm mô hình sản xuất tại huyện Càng Long và huyện Châu Thành.
-
1 Người tham gia BHYT được thanh toán tiền nếu bệnh viện bị thiếu thuốc, thiết bị y tế -
2 Bài 4: Giải pháp đột phá trong dạy nghề, tạo việc làm ở miền Tây xứ Nghệ -
3 Bài 3: Du lịch cộng đồng - Làn gió mới từ “Miền đất cổ huyền thoại” -
4 Kinh nghiệm từ mô hình phát triển cây hồng Gia Thanh -
5 Xây dựng Nông thôn mới an toàn trước thiên tai ở Hà Tĩnh (Bài 1): Điều kỳ diệu sau “đại hồng thuỷ”