Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nâng cao năng lực cho người trồng sầu riêng để đẩy mạnh cơ hội xuất khẩu

Hương Giang - 07:25 02/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - “Nếu như chúng ta chỉ quan tâm đến chất lượng trái sầu riêng mà không quan tâm đến người sản xuất sầu riêng thì chắc chúng ta sẽ không có được trái sầu riêng đáp ứng yêu cầu”, đó là ý kiến của ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật (SPS) Việt Nam nêu ra tại Toạ đàm "Đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng: Cơ hội nào cho nông dân, doanh nghiệp" được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Giám sát chặt chẽ nguồn gốc giống, kiểm soát việc cắt sầu riêng non

Sầu riêng đang ngày càng khẳng định vị thế khi được Trung Quốc và nhiều quốc gia ưa chuộng. Theo số liệu mới nhất của ngành Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt 1,32 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Sầu riêng hiện chiếm 65% tỷ trọng trong nhóm quả xuất khẩu.

Trong số 10 thị trường hàng đầu nhập khẩu sầu riêng Việt Nam nửa đầu năm, Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch 1,22 tỷ USD, chiếm 92,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng 46%. Thị trường Thái Lan đứng thứ hai, với 47 triệu USD, tăng 90,5% so với nửa đầu năm 2023. Ngoài 2 thị trường lớn này, Nhật Bản và Campuchia cũng tăng cường mua sầu riêng Việt. Nhật Bản chi 2,6 triệu USD, Campuchia chi 1,6 triệu USD, tăng lần lượt gấp 2 và 23 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá sầu riêng xuất khẩu cũng tăng mạnh 6 tháng qua, dao động 4,3-4,5 USD (110.000-115.000 đồng)/1kg, tùy thị trường. Hiện giống sầu riêng Monthong được ưa chuộng nhờ chất lượng cao, hạt lép, mùi thơm ngon và không bị nhão. Thời gian bảo quản của loại này cũng dài hơn so với giống Ri 6 và các giống khác.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, việc cắt sầu riêng non cho sản lượng cao hơn 10% so với sầu riêng chín, tuy nhiên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sầu riêng xuất khẩu.

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, nếu Việt Nam chưa xuất khẩu được sầu riêng đông lạnh thì kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD/năm sẽ rất khó đạt được. Tuy nhiên, ông Nguyên cho biết, hiện nay nhiều nhà vườn chạy theo số lượng hơn là chất lượng. Các nhà vườn móc nối với người gõ sầu riêng để bán sầu riêng non. Việc cắt sầu riêng non cho sản lượng cao hơn 10% so với sầu riêng chín, tuy nhiên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, làm ảnh hưởng đến cả một ngành hàng, hình ảnh nông sản Việt, bởi vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng, quá trình thu hái và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu. Khi sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc, EU thì bắt buộc phải kiểm tra dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật, khi nào đạt tiêu chuẩn mới thu hái để xuất khẩu. 

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Hiệp hội  Rau quả Việt Nam đã khuyến cáo các hội viên tuân thủ các biện pháp, quy định của cơ quan quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, dư lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Theo ông Nguyên chia sẻ, Hiệp hội không có phương tiện để kiểm tra, bởi vậy chỉ khuyến cáo các hội viên, đăng thông tin của cơ quan chức năng để thông báo cho các hội viên biết, từ đó tuân thủ các biện pháp, quy định của cơ quan quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, dư lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Nguyễn Thế Tùng – Chủ trang trại sầu riêng Queenfarm (Bình Phước) cho hay, đầu tiên bà con cần phải quan tâm đến nguồn gốc giống và chúng ta cần giám sát, ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể cho người làm giống sầu riêng. "Tôi đánh giá việc nguồn gốc giống rất là quan trọng. Tôi cũng biết rằng, hiện nay có giống sầu riêng của Malaysia yêu cầu về kỹ thuật cao nên Việt Nam trồng được loại giống này cũng cần phải đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Sau đó mới đến người trồng cần tuân thủ trên mã số vùng trồng, tuân thủ những quy định Cục Bảo vệ thực vật đưa ra. Tất cả những điều đó mang lại lợi ích cho người trồng, đảm bảo chất lượng, giảm được đủ rủi ro. Trong việc mua bán, đối với các thương lái, cần tuân thủ quy định, tuân thủ các tiêu chuẩn ISO. Làm sao cần phải đồng bộ, truy xuất minh bạch rõ nguồn gốc". 

Diện tích sầu riêng được cấp mã vùng trồng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng

Tham dự tọa đàm, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, từ khi Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, các ban, ngành liên quan phía Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo điều kiện để cấp cho hơn 700 mã số vùng trồng, gần 200 cơ sở đóng gói.

Tuy nhiên, diện tích vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số chỉ đạt 25.000ha trên tổng số 150.000ha trên toàn quốc. Như vậy có thể thấy diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng của ngành sầu riêng. Nhưng việc sản xuất, xuất khẩu sầu riêng còn nhỏ lẻ, rời rạc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các vùng trồng. 

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT cho rằng đã đến lúc cần tập trung nâng cao chất lượng sầu riêng hơn là phát triển diện tích trồng ồ ạt. 

Theo ông Hiếu, đã đến lúc cần tập trung vào chất lượng sầu riêng, nâng cao nhận thức của người dân, trong đó, quản lý hiệu quả chất lượng mã số được cấp ra. Địa phương cũng phải nghĩ tới câu chuyện giám sát các vùng trồng. Việc này xuất phát từ doanh nghiệp và địa phương, cần sự phối hợp của  các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương.

"Tôi cho rằng nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ bền vững hơn so với việc phát triển diện tích vùng trồng sầu riêng ồ ạt nhưng chưa đạt chất lượng. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc này cũng cần sự phối hợp của doanh nghiệp và địa phương", ông Hiếu nhấn mạnh.

Về việc đàm phán xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc, theo ông Hiếu, đầu tiên sản phẩm này giúp cho Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm sầu riêng, tiếp đến là công nghệ chế biến, bảo quản. Triển vọng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh là rất lớn. Sản phẩm chế biến đông lạnh sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm sầu riêng khác. Các nhà vườn sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu sang nước ngoài. 

"Bộ NN&PTNT cũng đã sớm đưa vào đàm phán nội dung này với phía Trung Quốc. Chúng ta đã đưa vào trong dự thảo, điều khoản khá phù hợp, khả thi. Trong đó tính đến các yếu tố áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong công nghệ chế biến. Chúng tôi đã gửi cho phía bên Trung Quốc xem xét các nội dung này. Tôi kỳ vọng các điều khoản này sẽ sớm được thông qua trong năm 2024, lúc đó xuất khẩu sản phẩm sầu riêng có nhiều cơ hội tăng lên", ông Hiếu thông tin.

Cần nâng cao năng lực cho người trồng sầu riêng

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho rằng, cần quan tâm đến đào tạo, nâng cao năng lực cho địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng sầu riêng cùng các bên liên quan. “Chúng ta phải bỏ tư duy ăn xổi, bên trong mỗi chuỗi sản xuất cần giảm lợi ích đi một chút thì mới phát triển bền vững được”, ông Nam nhấn mạnh.

Hiện nay, Văn phòng SPS Việt Nam đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ NN&PTNT để hoàn thiện dự thảo kế hoạch của Bộ triển khai Quyết định số 534/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do". Trong đó có nhiều nội dung liên quan như: Nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật (SPS); Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, cập nhật các quy định SPS, các quy định pháp luật có liên quan; Nâng cao kiến thức chuyên môn và năng lực thực thi SPS cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, kiểm dịch và các đối tượng liên quan; Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, đặc biệt là các văn bản ngành Nông nghiệp nhằm hoàn thiện, cũng như kiến nghị sửa đổi, bổ sung (nếu có); Tăng cường năng lực phân tích và đánh giá rủi ro đối với các mối nguy mất an toàn thực phẩm, sinh vật gây hại và dịch bệnh; Xây dựng các mô hình khoa học ứng dụng công nghệ để kiểm soát sinh vật gây hại; xây dựng các mô hình nông nghiệp an toàn, nông nghiệp xanh, canh tác giảm thiểu phát thải khí nhà kính…

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, việc tập huấn, nâng cao kỹ thuật cho bà con trồng sầu riêng là rất cần thiết.

“Trái sầu siêng sẽ là một trong những sản phẩm nông sản được quan tâm trong kế hoạch triển khai Đề án. Công tác đào tạo, tập huấn để chuyên nghiệp trong sản xuất trái sầu riêng vô cùng quan trọng. Như ý kiến của các chuyên gia, nếu mình sản xuất sầu riêng đông lạnh mà không có công nghệ thì không ổn, sẽ không đạt được kết quả đó. Hiện nay, rất nhiều giải pháp công nghệ được đưa ra để bảo quản không chỉ sầu riêng mà còn nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm khác.

Đối với mặt hàng sầu riêng, đúng là chúng ta phải quan tâm đến nguồn gốc, giống, vùng trồng, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm. Tôi lấy ví dụ rất thực tiễn, người nhà tôi trong Gia Lai vô tư chặt cà phê để trồng sầu riêng trong khi chưa nắm rõ kỹ thuật, công nghệ chỉ vì thấy nhà hàng xóm trồng được mình cũng trồng. Tôi cho rằng đây chưa phải là cách làm hay, bởi họ cần phải am hiểu về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm, nguồn gốc vùng trồng. Do vậy, việc tập huấn, nâng cao kỹ thuật cho bà con trồng sầu riêng là rất cần thiết. Muốn vậy, phải chuẩn hóa cho bà con ngay từ đầu vào và trong cả quá trình sản xuất, xuất khẩu. Phải có cơ chế giám sát, đồng quản lý cho cả chuỗi sản xuất từ người thu mua, thương lái đến người trồng sầu riêng” - ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết.

Theo ông Ngô Xuân Nam, khi xuất khẩu sang Trung Quốc, quả sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc.

Ông Ngô Xuân Nam chia sẻ thêm, khi xuất khẩu sang Trung Quốc, quả sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc; không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm, đặc biệt là ruồi đục quả và các loài rệp sáp (6 loài); thu hái đúng độ chín, đảm bảo chất lượng; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để đảm bảo truy xuất nguồn gốc; các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được giám sát theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói. 

"Doanh nghiệp, người dân và các cơ quan cần đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà chúng ta là thành viên, trong đó tập trung kiểm soát an toàn thực phẩm và các đối tương kiểm dịch, tuân thủ yêu cầu quản lý mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói và các yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch", ông Nam nói.

Dự kiến xuất khẩu sầu riêng năm 2024 có thể đạt hơn 3 tỷ USD
Ngày 30/7, tại TP. HCM, Cơ quan văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TP. HCM đã có buổi gặp gỡ các Hiệp hội ngành hàng và báo chí để thông tin về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển ngành Nông nghiệp, nông thôn 6 tháng đầu năm, nhiêm vụ 6 tháng cuối năm 2024.