Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Xây dựng Nông thôn mới an toàn trước thiên tai ở Hà Tĩnh (Bài 2): Đổi thay vùng “rốn lũ”

Đức Cảnh - 10:55 26/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Khó khăn về điều kiện tự nhiên đã có lúc khiến không ít người dân xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh tính chuyện rời đi nhằm thoát khỏi ám ảnh mỗi khi mùa mưa lũ đến. Vậy nhưng, từ khi xây dựng nông thôn mới những suy nghĩ đó đang dần thay đổi, Điền Mỹ giờ đây đã an toàn hơn nhờ hệ thống hạ tầng được nâng cấp, diện mạo nông thôn đang từng ngày “thay da đổi thịt”.

Ngày mới ở Điền Mỹ

Chúng tôi trở lại Điền Mỹ (tên xã được sáp nhập từ 2 xã Phương Điền, Phương Mỹ) vào ngày cuối tháng 10, đúng lúc cao điểm mùa mưa, những cơn giông nặng hạt vẫn không ngừng trút xuống. Trên con đường bùn đất quen thuộc ngày nào dẫn vào trung tâm hành chính xã giờ đây đã thay bằng những lớp bê tông kiên cố, rộng rãi. Hai bên đường được tô đẹp thêm bởi hàng cây xanh, đường điện thắp sáng, khu dân cư với những ngôi nhà cao tầng khang trang.

Đường vào trung tâm hành chính xã Điền Mỹ đã khoác lên mình diện mạo mới (Ảnh: Đc)

Cách đây gần 14 năm, trụ sở UBND xã chứng kiến nước lũ từ thượng nguồn đổ về trong đêm khiến mọi ngả đường chia cắt, người dân nháo nhác kéo đến lánh nạn. Bởi lẽ, là ngôi nhà cao nhất vào thời điểm đó tại địa phương, có thể đảm bảo không bị nhấn chìm để người dân tạm trú trước khi lực lượng ứng cứu tiếp cận.

Tại nơi làm việc nhiều năm nay, ông Trần Tiến Chương - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Điền Mỹ, giải thích: “Nhiều ý kiến cho cho rằng nên dịch chuyển trụ sở đến nơi cao hơn để tránh ngập lũ. Dù vậy, chúng tôi vẫn thống nhất giữ lại, bởi đây vừa là trung tâm hành chính của một xã có diện tích 63,80km2, người dân được thuận tiện đi lại trong giao dịch nhưng cũng đồng thời là nơi để xử lý tình huống khẩn cấp khi xảy ra mưa lớn”.

Điền Mỹ có địa hình thấp trũng, bị chia cắt nhiều sông suối nên được xem là vùng “rốn lũ” khi mùa mưa đến. Khó khăn về điều kiện tự nhiên đã có lúc không ít người dân nơi đây tính chuyện rời quê, tìm miền đất hứa nhằm thoát khỏi ám ảnh mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Trường học ở Điền Mỹ được quy hoạch đầu tư bài bản, điểm trường đảm bảo an toàn cho việc học tập cũng như ứng cứu người dân khi mưa lũ xảy ra (Ảnh: ĐC)

Nhận thấy sự khó khăn của địa phương, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 834 ngày 22/4/2022; Quyết định số 912 ngày 19/4/2023; UBND huyện Hương Khê ban hành Quyết định số 972 ngày 27/3/2023 về việc giao và điều chỉnh chấp thuận đỡ đầu, tài trợ xây dựng NTM tại xã Điền Mỹ.

Từ đó, Điền Mỹ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về tinh thần, vật chất của các cơ quan, sở, ngành cấp tỉnh và các phòng, ngành cấp huyện. Cùng sự nỗ lực vượt khó của cán bộ và Nhân dân, xã Điền Mỹ đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc. Chỉ tính trong hai năm 2022 và 2023, xã Điền Mỹ đã xây dựng 25,6km đường giao thông, xây dựng 24,5km đường điện thắp sáng làng quê, 19,54km hàng rào xanh, xây mới 6 công trình của trường học, các nhà văn hóa xã, thôn đều được xây mới, nâng cấp, chỉnh trang đạt chuẩn.

Cùng đó, vận động làm mới và nâng cấp 74 nhà ở, xây dựng 229 nhà vệ sinh tự hoại, di dời, nâng cấp 394 chuồng trại chăn nuôi, lắp đặt 273 máy lọc nước sinh hoạt... Tổng kinh phí huy động xây dựng NTM trong 2 năm qua đạt 188 tỷ đồng.

Người dân nơi đây sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Khi đời sống được nâng lên, những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều sẽ có thêm phương án lưu trú khi xảy ra bão lũ khẩn cấp (Ảnh: ĐC)

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo xã Điền Mỹ vui mừng cho biết, địa phương vừa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 3/2024, cùng với Hà Linh là hai xã cuối cùng của Hà Tĩnh cán đích. Mặc dù về đích sau cùng nhưng với vùng đất quanh năm chỉ biết chống chọi thiên tai thì đây là nguồn động viên tích cực hơn cả sự nỗ lực, giúp hồi sinh sức sống của vùng quê tưởng chừng như phải “đầu hàng” trước số phận.

Vững vàng hơn nhờ hệ thống hạ tầng được nâng cấp

Mùa mưa bão ở miền Trung thường bắt đầu từ giữa tháng 8 và kết thúc vào nửa đầu tháng 11 hàng năm. Chỉ tính riêng trong năm 2013, người dân xã Điền Mỹ thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã phải gánh chịu ba trận lũ lớn, mỗi đợt kéo dài gần một tháng. Và gần như năm nào cũng xảy ra, gây thiệt hại tài sản cho người dân cũng như khó khăn trong sinh hoạt, phát triển kinh tế.

Nông dân vùng "rốn lũ" Hương Khê chia sẻ niềm vui được mùa (Ảnh: ĐQ)

Vậy nhưng, thông tin khá bất ngờ, theo báo cáo của chính quyền địa phương, khoảng 10 năm trở lại đây, thiệt hại về người do thiên tai đã không còn xảy ra, những thiệt hại về tài sản do thiên tai cũng ngày một giảm dần theo năm. Có điều này là do từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới và nhận được sự hỗ trợ, Điền Mỹ đã triển khai nâng cấp nhiều cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn tốt hơn cho người dân.

Ông Trần Tiến Chương - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Điền Mỹ cho biết: “Như trước đây chỉ một vài tiếng đồng hồ xảy ra mưa lớn đã làm các khu dân cư bị cô lập, thời gian chạy lũ vì thế rất ngắn, nhưng nay đã được đầu tư hệ thống cầu bắc qua sông kiên cố, đảm bảo kết nối nên, người dân yên tâm hơn, bình tĩnh hơn mỗi khi lũ lớn xảy ra”.

Ngôi nhà phao tránh lũ - một sáng kiến hiệu quả của người dân Điền Mỹ. 

Mặc khác, theo thống kê của địa phương, cùng với nguồn kinh phí từ Nhà nước hỗ trợ, người dân đã đầu tư xây dựng gần 100 nhà tránh lũ, cao từ 5m trở lên để cất giữ tài sản, an tâm trước mùa mưa. Bên cạnh đó, những sáng kiến làm nhà phao của các hộ dân ven sông đã thực sự phát huy hiệu quả (chủ yếu cho gia súc, gia cầm tránh trú khi nước lũ dâng lên).

“Với những tiện ích, công năng sử dụng, nhà phao, nhà tránh lũ đã góp phần giúp người dân có phương án tại chổ để phòng lũ an toàn. Trước đây, không ít người dân nghĩ đến chuyện rời đi vì phải thường xuyên sống trong cảnh bất an thì nay đã được đảm bảo bằng phương án tại chỗ” - ông Nguyễn Văn Hoàng một người dân thôn Trung Tiết, xã Điền Mỹ chia sẻ.

Màu xanh của sức sống mới nơi vùng rốn lũ (Ảnh: ĐQ)

Ngoài ra, với kinh nghiệm lâu năm khi đối mặt những thách thức về điều kiện tự nhiên, người dân Điền Mỹ xác định phải tìm cách "sống chung với lũ". Trong đó, trẻ em ở xã Điền Mỹ khi lên 6 tuổi thường được người nhà đưa ra sông hướng dẫn tập bơ. Mỗi gia đình đều phải có một chiếc thuyền hoặc bè sẵn sàng chủ động di dời đến những vùng an toàn nếu lũ lụt bất ngờ kéo đến. Tư duy, nhận thức người dân thay đổi, họ đã chủ động sản xuất mùa vụ, trồng cây ngắn ngày và thu hoạch sớm trước ngày 15/8 hàng năm để né khoảng thời gian hay xảy ra mưa lũ hàng năm.  

Lãnh đạo UBND xã Điền Mỹ cho biết thêm, do thường chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra, người dân đúc rút được nhiều kinh nghiệm, dần ý thức được nguy hiểm của bão lũ nên đã chủ động phòng chống, giảm thấp nhất thiệt hại, góp phần giữ vững tinh thần xây dựng nông thôn mới “Có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”./.

Xây dựng Nông thôn mới an toàn trước thiên tai ở Hà Tĩnh (Bài 1): Điều kỳ diệu sau “đại hồng thuỷ”
(Tapchinongthonmoi.vn) – Được biết đến là điểm sáng của toàn quốc về xây dựng nông thôn mới, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đối mặt với thách thức mất trắng khi trận lũ lịch sử vào tháng 9/2020 ập đến, nhấn chìm toàn bộ diện tích. Vậy nhưng, với sự chủ động phương án “sống chung với lũ”, vùng đất thuần nông này vững vàng bảo vệ thành quả, vươn mình mạnh mẽ trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu chỉ sau một năm cơn “đại hồng thuỷ” đi qua.