Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ

Minh Tú - 16:15 30/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Bắt đầu từ ngày 22/10/2024, tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất lắp đặt trong 9 trường hợp cụ thể. Sản lượng điện dôi dư, có thể được bán cho Nhà nước theo khung giá quy định… Có thể nói, Nghị định số 135/2024/NĐ-CP là một nỗ lực của Chính phủ trong việc khuyến khích toàn dân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Hành lang pháp lý cho điện mặt trời phát triển

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt về việc xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, không lùi thời gian, không lùi thời điểm, không lùi mục tiêu. Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ra đời từ thực tiễn cuộc sống, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng mong muốn của người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm áp lực đầu tư phát triển nguồn điện cho Nhà nước.

Điểm nổi bật đầu tiên của Nghị định 135 là về đối tượng điều chỉnh. Nghị định này quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, Nghị định có phạm vi áp dụng mở rộng cho tất cả các đối tượng là nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng trên phạm vi cả nước. Có thể nói, Nghị định ra đời sẽ tác động đến toàn thể nhân dân, cơ quan, tổ chức và tạo thành tiền đề cho việc toàn dân tham gia khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Mục tiêu chính của Nghị định là góp phần giảm áp lực đầu tư phát triển nguồn điện cho nhà nước, đồng thời góp phần đảm bảo  hạ tầng, năng lượng – một trong những yếu tố mang tính trụ cột, dẫn dắt, đột phá đối với sự phá triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.

Sản lượng điện dôi dư được bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt.

Điểm nhấn tiếp theo của Nghị định 135, đó là một biện pháp “gỡ nút thắt”, giải bài toán về mua, bán điện giữa nhà nước và các tổ chức, cá nhân. Đây là một vấn đề được dư luận hết sức chú ý, bởi lẽ Nghị định này đã phần nào trả lời được những câu hỏi  như sản lượng điện dư có được bán lại cho Nhà nước hay không, nếu được bán thì bằng bao nhiêu sản lượng và giá bán thế nào... đã và đang được bàn luận nhiều năm qua. Nghị định 135 quy định về việc mua bán điện trực tiếp giữa các tổ chức, cá nhân được thực hiện theo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn một cách cụ thể và chi tiết.

9 chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định 9 chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ như sau:

1. Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất lắp đặt trong các trường hợp sau:

a) Không đấu nối với hệ thống điện quốc gia;

b) Lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia;

c) Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 100kW.

2. Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt từ 1.000kW trở lên và bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, thực hiện thủ tục về quy hoạch điện lực và đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.

3. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.

4. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được rút gọn các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật chuyên ngành hiện hành.

5. Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật.

6. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ của hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ; công sở và công trình được xác định là tài sản công được xác định là thiết bị công nghệ gắn vào công trình xây dựng.

7. Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch và điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ có công suất dưới 100kW nếu không dùng hết được bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế như sau:

a) Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế;

b) Giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố nhằm bảo đảm khuyến khích phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.

c) Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ lắp đặt trên mái công trình xây dựng là công sở hoặc công trình được xác định là tài sản công không thực hiện mua bán sản lượng điện dư.

8. Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn hoặc không phải điều chỉnh giấy phép kinh doanh.

9. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tự quyết định lắp đặt hệ thống lưu trữ điện (BESS) để bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện./.

Sửa đổi Luật điện lực để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung qua 4 lần, sau gần 20 năm triển khai thi hành, dù đã qua 4 lần sửa đổi, đến giai đoạn hiện nay đã bộc lộ một số tồn tại chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Việc sửa đổi Luật Điện lực đã trở thành một yêu cầu cấp thiết nhất là trong bối cảnh kinh tế, vị thế của Việt Nam đang trên một tầm cao mới.