Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP

Duy Hiếu (ghi) - 07:06 12/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Qua 5 năm triển khai, chương trình OCOP đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị… Tuy nhiên, sự phát triển của Chương trình này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Trước đó, ngày 07 tháng 5 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg “Phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020” (gọi tắt là chương trình OCOP). Tiếp đó ngày 01 tháng 8 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg “Phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025”. 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà.

Một trong những nguyên nhân khiến cho chương trình OCOP vẫn còn hạn chế đó là sự hiểu biết của người dân về chương trình này chưa sâu rộng. Nhiều chính sách liên quan hỗ trợ người sản xuất, tiêu dùng vẫn chưa đến được với người dân. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn, Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW) đã có những trao đổi xung quanh vấn đề này:


Bạn đọc Nguyễn Văn Lai (Cà Mau): Được biết, Nhà nước có Chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm. Đề nghị cho biết những mặt hàng nào nằm trong Chương trình này?
Tiết 2, điểm b, Khoản 3, Điều 1, Quyết định số 919/QĐ-TTg nêu rõ:
Sản phẩm: Gồm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa.
Sản phẩm được phân theo 6 nhóm, gồm:
Nhóm thực phẩm, gồm: Nông, thủy sản tươi sống; nông, thủy sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác.
 Nhóm đồ uống, gồm: Đồ uống có cồn; đồ uống không cồn.
Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, gồm: Sản phẩm chức năng, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, tinh dầu và dược liệu khác.
Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, gồm: Các sản phẩm từ gỗ, sợi tự nhiên, kim loại, gốm sứ, dệt may, thêu ren... làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng.
Nhóm sinh vật cảnh, gồm: Hoa, cây cảnh, động vật cảnh.
Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.


Bạn đọc Trần Đình Quảng (Bình Định): Đề nghị cho biết ai được tham gia thực hiện Chương trình OCOP?
Chủ thể thực hiện Chương trình OCOP được quy định tại Tiết 1, Điểm b, Khoản 3, Điều 1, Quyết định số 919/QĐ-TTg.
Các tổ chức, cá nhân đăng ký sản phẩm tham gia vào Chương trình OCOP được gọi là các chủ thể OCOP, bao gồm:
 Các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, chủ thể, bao gồm: Các đối tượng trên và các hội/hiệp hội, Trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương.


 Bạn đọc Hoàng Văn Nam (Quảng Ninh): Để đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP thì phải có tiêu chí nào?
Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được căn cứ vào bộ tiêu chí được ban hành theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 1, Quyết định trên thì Bộ tiêu chí của sản phẩm gồm:
Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (40 điểm), gồm: Tổ chức sản xuất; phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng.
Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm), gồm: Tiếp thị; câu chuyện về sản phẩm.
Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (35 điểm), gồm: Chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.
(Tiêu chí từng nhóm, phân nhóm sản phẩm tại Phụ lục III).
Đối với việc phân hạng sản phẩm, thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 1, Quyết định trên. Việc phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 05 hạng:
Hạng 5 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm, là sản phẩm đặc trưng, tiêu chuẩn chất lượng cao và hội tụ điều kiện để xuất khẩu.
Hạng 4 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến dưới 90 điểm, là sản phẩm đặc trưng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiếp cận thị trường tốt, có tiềm năng nâng cấp lên hạng 5 sao.
Hạng 3 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến dưới 70 điểm, là sản phẩm có đặc thù, được quản lý và thương mại ổn định, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao.
Hạng 2 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến dưới 50 điểm, sản phẩm được sản xuất, bước đầu hình thành chất lượng cụ thể, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao.
Hạng 1 sao: Tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm sơ khai, chưa được hình thành trong thương mại, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.


Bạn đọc Nguyễn Văn Đại (Tuyên Quang): Đề nghị cho biết, Nhà nước có chính sách ưu dãi hỗ trợ thế nào cho việc phát triển sản phẩm OCOP?
Có nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển chương trình OCOP, trước tiên là những chính sách được quy định tại Quyết định số 919/QĐ-TTg. Tại Quyết định này Nhà nước đã quy định nhiều nhóm hỗ trợ như:  Nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Chương trình; Tăng cường chuyển đổi số; Nguồn vốn và cơ cấu huy động vốn… Đáng chú ý, trong quy định về nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP có quy định về vốn tín dụng (bao gồm: Vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, vốn vay từ các tổ chức tín dụng khác, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã...).

Các sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng. Ảnh minh họa

Trong việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ trong Quyết định số 919/QĐ-TTg quy định:  Rà soát, ban hành nội dung, mức hỗ trợ Chương trình OCOP theo từng hạng sao; ưu tiên hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm, hướng dẫn, xây dựng hồ sơ sản phẩm; phát triển vùng nguyên liệu địa phương; xây dựng chuỗi giá trị; hỗ trợ cơ sở hạ tầng sản xuất, máy móc, thiết bị chế biến quy mô nhỏ và vừa phù hợp với điều kiện của địa phương; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; đào tạo nghề cho lao động và nâng cao năng lực cộng đồng; sở hữu trí tuệ; bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc; xây dựng câu chuyện sản phẩm; hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại; thương mại điện tử, thực tế ảo; khen thưởng sản phẩm OCOP; hỗ trợ tiếp cận các nguồn tín dụng; tổ chức đánh giá, phân hạng và giám sát sản phẩm OCOP…
Ngoài các chính sách hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình, còn có các chính sách khác các bạn nghiên cứu để tận dụng những hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước như: Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/7/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 55/2015/ NĐ-CP ngày 9/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông...