Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quy định của pháp luật hiện hành về cho thuê lại lao động mà doanh nghiệp cho thuê lại cần biết

Quỳnh Chi - 07:12 16/12/2024 GMT+7
Nhằm nâng cao kiến thức về Luật Lao động giúp người lao động yên tâm làm việc, chuyên gia lĩnh vực Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội sẽ giải đáp một số vấn đề về Luật Lao động như sau.
Công nhân nhà máy may. Ảnhminh hoạ

Bạn Nguyễn Duy Phương, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội hỏi: Xin hỏi quy định của pháp luật hiện hành về cho thuê lại lao động mà doanh nghiệp cho thuê lại cần biết?

Về câu hỏi của bạn Nguyễn Duy Phương, Chuyên gia lĩnh vực Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội trả lời như sau:

Nội dung liên quan đến cho thuê lại lao động bạn Nguyễn Duy Phương hỏi được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động (sau đây gọi tắt là Nghị định số 145/2020/NĐ-CP), cụ thể:

Cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, có tuyển dụng, giao kết hợp đồng lao động với người lao động, sau đó chuyển người lao động sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp đã giao kết hợp đồng lao động.

Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.

Nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động được quy định tại Điều 53 Bộ luật Lao động năm 2019 gồm các nội dung:

Thứ nhất, thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.

Thứ hai, bên cho thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê  lại trong trường hợp sau đây: Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định; Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân; Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

Thứ ba, bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau: Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động; không có thoả thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động; Thay thế người lao động  bị thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.

Thứ tư, bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động

Pháp luật cũng quy định doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải ký quỹ và được cung cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

Công nhân Dược An Thiên. Ảnh minh hoạ

 Về hợp đồng cho thuê lại lao động được quy định tại Điều 55 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:

"1. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản và được làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản

2. Hợp đồng cho thuê lại lao động gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Địa điểm làm việc, vị trí làm việc cần sử dụng lao động thuê lại, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với người lao động thuê lại; 

b) Thời hạn thuê lại lao động; thời gian bắt đầu làm việc của người lao động thuê lại; 

c) Thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; 

d) Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 

đ) Nghĩa vụ của mỗi bên đối với người lao động

3. Hợp đồng cho thuê lại lao động không có những thoả thuận về quyền, lợi ích của người lao động thấp hơn so với hợp đồng mà doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã ký với người lao động."

 Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê được pháp luật quy định như sau:

Ngoài các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 6 của Bộ Luật Lao động năm 2019, doanh nghiệp cho thuê lại lao động có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

Thứ nhất, bảo đảm đưa người lao động có trình độ phù hợp với những yêu cầu của bên thuê lại lao động và nội dung của hợp đồng đã ký với người lao động.

Thứ hai, thông báo cho người lao động biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động

Thứ ba, thông báo cho bên thuê lại lao động biết sơ yếu lý lịch của người lao động, yêu cầu của người lao động. 

Thứ tư, bảo đảm trả lương cho người lao động thuê lại không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại hợp đồng có cùng trình độ, lại cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau.

Thứ năm, lập hồ sơ ghi rõ số lao động đã cho thuê, bên thuê lại lao động và định kỳ báo cáo cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 

Thứ sáu, xử lý luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động khi bên thuê lại lao động trả lại người lao động do vi phạm kỷ luật lao động".

Những lưu ý về xử lý khi người lao động vi phạm kỷ luật lao động
Để giúp người lao động có kiến thức hiểu biết về một số luật trong lao động khi làm việc tại các Công ty. Chuyên gia lĩnh vực lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội sẽ giải đáp một số câu hỏi của các bạn đọc gửi về Tạp chí Nông thôn mới như sau: