Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những lưu ý về xử lý khi người lao động vi phạm kỷ luật lao động

Quỳnh Chi - 16:25 09/12/2024 GMT+7
Để giúp người lao động có kiến thức hiểu biết về một số luật trong lao động khi làm việc tại các Công ty. Chuyên gia lĩnh vực lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội sẽ giải đáp một số câu hỏi của các bạn đọc gửi về Tạp chí Nông thôn mới như sau:
Người lao động muốn nghỉ phép phải có sự đồng ý của Công ty

 Bạn Trần Phương Mai làm việc cho Công ty A hỏi: Tôi làm việc cho Công ty A theo Hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Công việc của tôi là kế toán. Ngày 02/7/2021 tôi làm đơn xin nghỉ phép (từ 03/7/2021 đến hết ngày 13/7/2021) gửi Giám đốc Công ty. Do không có ý kiến của Trưởng phòng kế toán nên Giám đốc Công ty tôi không ký đơn cho tôi nghỉ phép. Ngày 14/7/2021, khi tôi đi làm thì nhận được Văn bản của Trưởng phòng nhân sự về việc tôi có hành vi tự ý nghỉ việc không có lý do chính đáng 10 ngày. Nội quy lao động của Công ty không quy định về trình tự, thủ tục nghỉ phép của người lao động. Hỏi công ty có quyền kỷ luật sa thải tôi không?

Chuyên gia lĩnh vực lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội trả lời câu hỏi của bạn Trần Phương Mai như sau:

Tại Khoản 4 Điều 113  Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần”.

Do đó, nếu người lao động xin nghỉ phép dài ngày ngoài những ngày nghỉ quy định nhưng không được chấp thuận mà vẫn nghỉ thì có thể được tính là tự ý nghỉ việc.

Khi người lao động tự ý nghỉ việc mà không viết đơn xin nghỉ thì người sử dụng lao động có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải theo Khoản 4 Điều 125  Bộ luật Lao động năm 2019. Tuy nhiên, chỉ được sa thải khi người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng. Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Đối chiếu với quy định nêu trên, trong trường hợp chị Trần Phương Mai có viết đơn xin nghỉ nhưng Giám đốc Công ty chị không ký đơn cho chị Mai nghỉ phép mà chị Mai vẫn nghỉ là tự ý nghỉ không xin phép. Nếu chị Mai không có lý do chính đáng như nêu ở trên, thì Công ty chị có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.

Bạn Lê Phương Linh có hỏi: Công ty X tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi dã ngoại. Trên chuyến xe ô tô đến nơi dã ngoại thì chị A bị một nam nhân viên cùng công ty là anh B quấy rối tình dục. Hôm sau, chị A đã có đơn tố cáo gửi đến lãnh đạo Công ty X, đề nghị xử lý anh B nhưng lãnh đạo Công ty cho rằng hành vi của anh B xảy ra ngoài nơi làm việc của Công ty nên không xử lý kỷ luật mà chỉ nhắc nhở, yêu cầu anh B rút kinh nghiệm. Xin hỏi việc lãnh đạo Công ty X trả lời như trên có phù hợp với quy định của pháp luật không?

Về nội dung câu hỏi nêu trên, Chuyên gia lĩnh vực lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội trả lời như sau:

Tại Khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động”.

Tại Khoản 3 Điều 84 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động quy định: “Nơi làm việc quy định tại Khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định”.

Như vậy, Công ty X thuê xe tổ chức cho cán bộ, công nhân viên đi dã ngoại, và anh B đã có hành vi quấy rối tình dục đối với chị A trên xe ô tô này, địa điểm mà anh B thực hiện hành vi quấy rối tình dục ở đây được coi là địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn theo quy tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ nói trên, và địa điểm này được coi là nơi làm việc.

Do đó, có căn cứ để xem xét và xử lý kỷ luật lao động đối với anh B theo quy định của pháp luật. Lãnh đạo Công ty X trả lời như vậy là không đúng quy định của pháp luật./.

Chế độ của nhân viên tiếp cận cộng đồng trong dự phòng lây nhiễm HIV
Ngày 28 tháng 10 năm 2024 Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2024/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều của luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)”. Trong đó quy định việc phòng lây nhiễm HIV và những điểm mới về tiêu chuẩn, chế độ của nhân viên tiếp cận cộng đồng... Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 12 năm 2024.