Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quy định mới về xử phạt trong lĩnh vực đất đai

Lê Chiên - 10:06 12/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 4 tháng 10 năm 2024. Chính phủ ban hành Nghị định số: 123/2024/NĐ-CP “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”. Đây là vấn đề liên quan đến tất cả những người sử dụng đất, đặc biệt là nông dân, chủ trang trại, các doanh nghiệp... Bởi vậy, người sử dụng đất cần nắm vững để tránh vi phạm và tổn thất do hành vi vi phạm gây ra.

Xung quanh vấn đề này, luật sư Vũ Tuân (Đoàn Luật sư tTP. Hà Nội) đã có những chia sẻ như sau:

Những năm qua, mặc dù pháp luật đã có nhiều quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên tình trạng vi phạm trong lĩnh vực đất đai vẫn xảy ra và có chiều hướng gia tăng. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số: 123/2024/NĐ-CP, Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (bao gồm: hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện), hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, đối tượng bị xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện dịch vụ về đất đai.

Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được quy định trong Nghị định trên gồm những hành vi nào, thưa luật sư?

Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được quy định từ Điều 8 đến Điều 29 chương II Nghị định trên, cụ thể hành vi vi phạm đó gồm:

- Sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thầm quyền cho phép.

- Sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép

- Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép

- Sử dụng các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép

- Sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép

- Lấn đất hoặc chiếm đất

- Hủy hoại đất

- Cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác

- Không đăng ký đất đai

- Chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp bằng quyền sử dụng đất mà không đủ điều kiện theo quy định

- Chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp đối với đất không thuộc trường hợp được chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp theo quy định

- Tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không có phương án sử dụng đất, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa vượt hạn mức mà không thành lập tổ chức kinh tế theo quy định

- Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất vi phạm tại khoản 8 Điều 45 và khoản 3 Điều 48 Luật Đất đai

- Bán tài sản gắn liền với đất, quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm mà không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 46 Luật Đất đai

- Chủ đầu tư đã được Nhà nước cho thuê đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm mà cho thuê lại đất dưới hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê

- Nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội không có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 127 Luật Đất đai

- Không sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục

- Không làm thủ tục chuyển sang thuê đất đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 255 Luật Đất đai

- Vi phạm quy định về quản lý mốc địa giới đơn vị hành chính

- Vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất

- Vi phạm quy định về cung cấp thông tin đất đai liên quan đến thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp đất đai

- Vi phạm điều kiện về hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực đất đai

Những hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị xử lý ra sao?

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ có chế tài xử lý tương ứng. Bên cạnh hình thức phạt tiền, phạt cảnh cáo còn bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Ví dụ:

+ Điểm a, khoản 3, Điều 10 Nghị định trên quy định:  Hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã thì sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với diện tích đất từ dưới 0,01ha.

 + Khoản 3, Điều 10, Nghị định trên quy định: Hành vi chuyển đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt tương ứng với quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.” (mức xử phạt lên tới 300 triệu đồng).

Bên cạnh việc xử phạt trên còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như:

- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (nếu xây nhà để ở thì phải dỡ bỏ công trình)

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Có hộ gia đình thuê đất khu chăn nuôi của doanh nghiệp chăn nuôi để chăn nuôi, nhưng sau đó lại xây nhà ở,  phòng nghỉ, các công trình khác để kinh doanh du lịch. Hành vi này bị xử lý thế nào?

Căn cứ khoản 2, Điều 9, Luật Đất đai 2024 thì đất khu chăn nuôi của doanh nghiệp đó thuộc nhóm đất nông nghiệp.

Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích. Vì thế hành vi xây nhà, công trình khác trên đất nông nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp tháo dỡ theo quy định, buộc khôi phục lại tình trạng đất ban đầu khi chuyển mục đích sử dụng đất trái phép

Luật Nhà ở 2023, Điều 136 quy định các trường hợp nhà phải phá dỡ, trong đó có "Nhà ở xây dựng trong khu vực cấm xây dựng hoặc xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được phê duyệt". (điểm d, khoản 1, Điều 136)

Việc thuê đất doanh nghiệp chăn nuôi để chăn nuôi, nhưng sau đó lại xây dựng nhà ở, phòng nghỉ và các công trình khác làm khu du lịch mà không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định số: 123/2024/NĐ-CP.

Căn cứ những quy định nêu trên thì hộ gia đình đó không những bị xử phạt hành chính mà còn phải thực hiện các biện pháp tháo dỡ các công trình xây dựng, buộc khôi phục lại tình trạng đất ban đầu.

*THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/QĐ/2014-TTG

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai
Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024.