Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chủ tịch Quốc hội: Chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí bảo đảm chất lượng

Minh Tú - 06:44 13/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng 12/11, thực hiện Nghị trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Kết thúc Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển; chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí bảo đảm chất lượng và các chỉ đạo quan trọng khác.

Việt Nam có đủ năng lực để quản lý và xử lý các vấn đề trên không gian mạng

Một trong những vấn đề các ĐBQH quan tâm đó là thực trạng, giải pháp cho vấn đề quảng cáo sai sự thật trên truyền thông đại chúng và cả mạng xã hội. Tham gia chất vấn, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cho biết, từ năm 2023 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) đã tập trung thanh tra, kiểm tra, xử phạt hoạt động quảng cáo vi phạm; kết quả Bộ đã xử phạt 23 tổ chức, cá nhân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ TTTT cho biết kết quả thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm trên so với thực trạng hiện nay đã tương xứng và đáp ứng yêu cầu răn đe đối với các hành vi sai phạm chưa? Giải pháp sắp tới của Bộ trưởng như nào để thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực này?

Yêu cầu làm rõ trách nhiệm về những tồn tại của hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) chất vấn: Báo cáo của Bộ TTTT xác định một trong những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế với hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là do trách nhiệm của một số bộ, ngành vì chưa bổ sung trách nhiệm quản lý nội dung quảng cáo lĩnh vực chuyên ngành trên không gian mạng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng thông tin cụ thể những bộ, ngành này là những bộ, ngành nào và trách nhiệm của Bộ trưởng, của Chính phủ để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên trong thời gian tới?

Đây là lần thứ 3, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tham gia trả lời chất vấn trước Quốc hội

Trả lời ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua có nhiều hoạt động vi phạm trong vấn đề quảng cáo. Bộ đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Nguồn lực cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, nhưng nếu tất cả các bộ ngành, các địa phương đều tham gia xử lý quảng cáo trong lĩnh vực của mình, thì hiệu quả sẽ nhân lên nhiều lần, giúp giảm đi các quảng cáo sai sự thật. Về phía Bộ TTTT, Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ tổ chức tập huấn cho cơ quan thanh tra, kiểm tra, bộ, ngành địa phương liên quan đến quảng cáo trên môi trường số. Bộ trưởng nhấn mạnh, giải pháp chính để hạn chế quảng cáo sai sự thật là cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân quản lý gì trong đời thực thì cũng quản lý cái đó trên không gian mạng. Bộ Y tế phải vào cuộc trong vấn đề quảng cáo sai sự thật đối với thuốc, thực phẩm chức năng. Bộ Công thương phải vào cuộc để kiểm soát quảng cáo, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng… Hiện nay, về mặt thể chế, thực thi, chúng ta hoàn toàn có thể yêu cầu các nền tảng số, các mạng xã hội, nền tảng quảng cáo xuyên biên giới thực thi pháp luật Việt Nam. Nếu họ không tuân thủ, chúng ta có đủ điều kiện, kỹ thuật, hạ tầng để ngăn chặn, khiến các nền tảng này ngừng hoạt động. Một may mắn lớn là ở nước ta, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông nằm trong tay các doanh nghiệp Việt Nam, nên chúng ta có đủ năng lực để quản lý và xử lý các vấn đề trên không gian mạng.

Ông Lương Quốc Đoàn -  Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ĐBQH tỉnh An Giang tại Quốc hội ngày 12/11/2024

Tin giả, tin xấu độc tràn lan trên mạng

Đăng ký tham gia tranh luận, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cho biết, cử tri và Nhân rất quan tâm đến nội dung trả lời của Bộ trưởng về các giải pháp khắc phục tình trạng tin xấu, tin độc hại, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo giả trên không gian mạng vì các sản phẩm quảng cáo này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Cử tri mong muốn Bộ trưởng nêu rõ hơn để cử tri được biết đâu là giải pháp cốt yếu để giải quyết dứt điểm tình trạng trên và cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ TTTT thời gian qua đã làm hết trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác này chưa? Chính phủ đang trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Theo Bộ trưởng, việc sửa đổi Luật Quảng cáo có khắc phục được tình trạng hạn chế nêu trên không?

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre): Tin giả, tin xấu độc tràn lan đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân

Tham gia tranh luận tại phiên họp Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho biết, những hình ảnh phản cảm trên internet không phải mới xuất hiện, mà tồn tại rất lâu. Trước đó, đại biểu đã từng chất vấn Bộ trưởng, mặc dù đã có nhiều giải pháp đề ra, đã xóa được những nội dung bôi xấu, xuyên tạc, nhưng vẫn còn nhiều hình ảnh xấu, nhạy cảm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng tiếp tục có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm tình trạng này, để không còn đại biểu chất vấn về nội dung này nữa.

Trả lời ĐBQH Phạm Văn Hòa sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng hiện nay có công cụ giám sát và chúng ta có quyền lực đối với các nền tảng xuyên biên giới để ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật. Nhưng định nghĩa thế nào là nhạy cảm cũng khó khăn, do vậy, các cơ quan liên quan, bộ, ngành phải định nghĩa trong ngành của mình như thế nào là nhạy cảm, vì mỗi ngành, mỗi nghề có mức độ nhạy cảm riêng, không chỉ riêng ngành Văn hóa. Sau khi định nghĩa được mới có công cụ rà soát, phát hiện và hạ xuống. Bộ TTTT sẽ phối hợp với các bộ, ngành tường minh hóa các định nghĩa này để làm cơ sở rà quét, làm cơ sở yêu cầu các nhà cung cấp mạng hạ thông tin xấu độc, phản cảm…
Tham gia phiên chất vấn trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã khẳng định, tin giả, tin sai sự thật gây hậu quả khôn lường, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, đang trở thành mối đe dọa lớn đối với tình hình kinh tế - xã hội, thậm chí đe dọa trực tiếp đến chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu. Các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến trên mạng xã hội hiện nay như: hành vi gây tạo dựng làm tán phát, đăng tải, chia sẻ, lưu trữ tin giả, tin sai sự thật; xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết; xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín của các tổ chức, cá nhân, gây những thông tin hoang mang, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của Nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân…

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang: Mức xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe

Một số đối tượng lợi dụng chức năng phát trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội để phát ngôn, tuyên truyền những nội dung mà chứa tin giả, tin sai sự thật, tác động tiêu cực tới tâm trạng xã hội và tình hình an ninh trật tự. Hệ lụy của tin giả cũng ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, đặc biệt đối với thị trường chứng khoán, tài chính bất động sản; có những thông tin gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe (từ 5 đến 10 triệu đồng); thiếu những quy định mang tính định lượng cụ thể để xác định xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Ví dụ, việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đến mức độ nào thì được coi là nghiêm trọng, trong khi đó chỉ cần thực hiện hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Do vậy, trong kiến nghị xử lý theo hướng không cần xem xét đến hậu quả xảy ra đối với những hành vi này để xử lý đủ sức răn đe. Theo Bộ trưởng Bộ Công an thì đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tin giả, tin sai sự thật cũng phải đồng thời tuyên truyền định hướng dư luận ý thức cảnh giác của người dân, nhất là những người sử dụng mạng xã hội để tạo ra được sức đề kháng đối với tin giả, tin sai sự thật, nhất là những thông tin xuyên tạc, kích động để đấu tranh vạch trần thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên không gian mạng, mạng xã hội.

Về lâu dài, vẫn phải thực hiện kinh tế báo chí

Phát biểu tranh luận tại Phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội) cho biết, trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng có nhận định, nhiều cơ quan báo chí hiện nay đã đảm bảo tự chủ một phần chi thường xuyên, tuy nhiên kinh tế báo chí vẫn là thách thức với sự phát triển. Do đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, cơ chế đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn NSNN đối với cơ quan báo chí hiện nay đã và đang triển khai như thế nào, có gặp khó khăn gì không? Và có bao nhiêu cơ quan báo chí thực hiện được nội dung này? 

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội) băn khoăn về vấn đề kinh tế báo chí

Chia sẻ sự đồng tình với ý kiến các ĐBQH về hoạt động báo chí hiện nay, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sau gần 5 năm thực hiện quy hoạch báo chí, hiện hoạt động báo chí vẫn còn nhiều bất cập về nguồn nhân lực và tài chính, ứng dụng công nghệ số… Để báo chí phát triển bền vững, đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục?

Liên quan đến giải pháp khắc phục tình trạng cơ quan báo chí có dấu hiệu trục lợi, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng Bộ TTTT nêu nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng một số cơ quan báo chí chú trọng khai thác mặt trái của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu trục lợi? Qua đó, đảm bảo hoạt động báo chí bám sát tôn chỉ, mục đích để tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trả lời ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện có 05 Bộ, ngành phê duyệt định mức và 3 cơ quan báo chí áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, cơ chế đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách nhà nước. Bộ trưởng cũng cho rằng, về lâu dài, vẫn phải thực hiện kinh tế báo chí. Cơ quan chủ quản phải đủ năng lực, đủ nguồn lực để hỗ trợ một phần cơ quan báo chí, khi đó mới thành lập cơ quan báo chí. Về vấn đề tài chính, Bộ trưởng khẳng định hiện nay nguồn lực của nhà nước sẽ tập trung vào 6 cơ quan báo chí chủ lực. Đối với những cơ quan báo chí khác, các cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm đầu tư nguồn lực để đảm bảo cho cơ quan báo chí của mình có đủ năng lực cạnh tranh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, mỗi năm có 14-15 phóng viên, cộng tác viên bị bắt và 80% trong số người bị bắt này thuộc các tạp chí nhỏ, tạp chí thuộc các tổ chức Hội xã hội nghề nghiệp, những nơi mà cơ quan chủ quản, Tổng Biên tập có sự buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí và phóng viên của mình. Trong khi đó, cả nước hiện nay có 21 nghìn người làm báo có thẻ Nhà báo trong tổng số gần 45 nghìn người làm báo thì tỷ lệ trên là rất nhỏ. Để xử lý vấn đề tạp chí không bị báo hóa và hoạt động đúng tôn chỉ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, đầu tiên Bộ TTTT công bố tiêu chí để nhận dạng “thế nào là báo hóa tạp chí” và đăng công khai trên các trang tin và mạng xã hội để toàn xã hội giám sát, sẽ dựa trên các tiêu chí này để thanh tra, kiểm tra, qua đó, đánh giá các cơ quan báo chí có vi phạm hay không? Đồng thời công khai tôn chỉ, mục đích của hơn 800 cơ quan báo chí trên các Cổng thông tin để bất kỳ tổ chức, địa phương có thể tra cứu chức năng hoạt động, tôn chỉ, mục đích, “nếu không đúng thì có quyền từ chối, còn nếu bị ép thì có đường dây nóng để báo cáo”. Bộ TTTT sẽ thanh tra, kiểm tra, giám sát nhiều hơn các tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với 36 ĐBQH chất vấn, 09 đại biểu tranh luận. Để công tác của Bộ TTTT đạt nhiều kết quả hơn nữa trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển; chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí bảo đảm chất lượng; sớm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động
Sáng 11/11, theo Nghị trình làm việc, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên trong 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Ngân hàng, Y tế, Thông tin và Truyền thông. Đây là nội dung thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân qua sóng phát thanh và truyền hình trực tiếp trên cả nước.