Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sản xuất tinh dầu tràm hướng mở cho người nông dân

Bá Trí - 07:48 03/12/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tinh dầu tràm Huế - Tiền Phong, một sản phẩm mới chất lượng đạt tiêu chuẩn FSC vừa được Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong (Công ty Tiền Phong) ở TP. Huế sản xuất thành công. Sản phẩm này ra đời từ dự án khoa học công nghệ được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho đơn vị.

Đây là loại tinh dầu không chỉ mang lại lợi ích sức khoẻ, tôn vinh giá trị văn hóa và thiên nhiên của vùng đất Cố đô, mà còn mở ra hướng làm ăn mới cho người nông dân.

Thu hoạch nguyên liệu để nấu dần tràm.

Sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn FSC

Tinh dầu tràm Huế là mặt hàng truyền thống nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên Huế, được nhiều người ưa chuộng, nhất là trong xu hướng tìm về các thảo dược có nguồn gốc thiên nhiên như hiện nay. Có thể minh chứng điều này qua một vài con số: Cả tỉnh hiện có hơn 200 cơ sở sản xuất và kinh doanh dầu tràm, sản lượng tinh dầu khoảng 20.000 lít/năm. Con số này càng có ý nghĩa hơn khi nghề nấu dầu tràm là sinh kế của hàng ngàn người nông dân ở những vùng có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khắc nghiệt của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt các cơ sở sản xuất kinh doanh tinh dầu tràm Huế nảy sinh tình trạng tinh dầu kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái đang được một số cơ sở vì lợi nhuận chế biến, pha trộn hoặc sử dụng nguồn nguyên liệu không đạt chất lượng. Chính điều này đã khiến cho uy tín của tinh dầu tràm Huế nói chung bị ảnh hưởng rất lớn.

Ông Ngô Thành, Phó Giám đốc Công ty Tiền Phong cho biết, để đáp ứng các yêu cầu trên, từ tháng 2/2022 đến 1/2024, Công ty Tiền Phong được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao chủ trì Dự án (DA) khoa học công nghệ, trong đó xây dựng các quy trình nhân giống, quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tràm gió in vitro. Đây là một trong những hoạt động cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm tinh dầu tràm. Do vậy, cùng với việc phát triển vùng nguyên liệu tràm gió, xây dựng quy trình chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn FSC, Công ty Tiền Phong tiến hành dự án “Chuỗi hành trình sản phẩm tinh dầu tràm gió (Melaleuca cajuputi Powell) - từ nuôi cấy mô đến sản phẩm đạt tiêu chuẩn FSC” nhằm tạo ra hướng đi mới trong việc phát triển sản phẩm tinh dầu tràm nói riêng và các sản phẩm bản địa tại tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung ra thị trường thế giới. 

Tinh dầu tràm Huế - Tiền Phong được chiết xuất hoàn toàn từ lá cây tràm gió, một loài cây đặc trưng của vùng đồi núi miền Trung Việt Nam, được Công ty Tiền Phong nhân giống, trồng, chăm sóc theo quy trình của dự án (DA) khoa học công nghệ cấp tỉnh. Quy trình sản xuất tinh dầu tràm được công ty thực hiện bằng phương pháp chưng cất hơi nước truyền thống, đảm bảo giữ nguyên vẹn các dưỡng chất quý giá có trong cây tràm. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn FSC (FM/COC), chứng nhận là sản phẩm có trách nhiệm với cộng đồng và có nguồn gốc rõ ràng, bền vững. Điều này không chỉ thể hiện sự cam kết về bảo vệ môi trường mà còn giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm.

Tính mới và sáng tạo của Dự án tinh dầu tràm Huế - Tiền Phong là chuỗi quy trình sản phẩm tinh dầu tràm gió, từ nuôi cấy mô đến trồng vùng nguyên liệu, chế biến sản phẩm lần đầu tiên được ứng dụng có hiệu quả tại Công ty Tiền Phong. Dự án không chỉ dừng lại ở kết quả nghiên cứu mà đã được ứng dụng vào thực tiễn một cách rộng rãi, quy mô và hiệu quả cao. Đặc biệt, dự án đã sản xuất 100 ngàn cây mầm tràm gió in vitro ở vườn ươm, phục vụ trồng 10ha nguyên liệu; hơn 200 ngàn cây nuôi cấy mô phục vụ trồng 20ha vùng nguyên liệu của công ty để sản xuất và chế biến tinh dầu tràm. Sản phẩm tinh dầu tràm Huế - Tiền Phong là sản phẩm tinh dầu đầu tiên ở Việt Nam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn FSC. 

Kiềm tra về sự phát triển của cây tràm.

Hướng mở cho người nông dân

Ông Ngô Thành cho rằng, chứng chỉ FSC cho sản phẩm tinh dầu tràm gió trên nền tảng chứng chỉ FSC của rừng trồng, mở ra mối liên kết bền vững giữa quản lý rừng trồng và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ không chỉ trên diện tích đất rừng của Công ty Tiền Phong quản lý, mà còn của tỉnh Thừa Thiên - Huế và cả nước. 

Sản phẩm của dự án, ngoài 100 ngàn cây giống tràm gió in vitro có chất lượng theo đặt hàng của tỉnh, để góp phần mở rộng diện tích vùng nguyên dược liệu cây tràm gió trên địa bàn, nó còn được ứng dụng sản xuất với số lượng lớn cây giống đáp ứng nhu cầu thị trường trong, ngoài tỉnh và trồng phát triển vùng nguyên liệu của công ty với 20ha. Đây là cơ sở để sản xuất và cung ứng nguồn giống tràm gió chất lượng tốt với giá thành hợp lý cho người nông dân và các doanh nghiệp kinh doanh dược liệu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Theo một đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế, việc xây dựng thành công các mô hình trồng tràm gió in vitro sẽ góp phần phát triển ngành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho người nông dân tại địa phương, thúc đẩy quá trình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng và thu hoạch sản phẩm. Qua đó, hoạt động của dự án cũng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, từng bước xây dựng các sản phẩm đặc trưng về dược liệu trên địa bàn. 

Ông Ngô Thành thông tin thêm: Việc nhân giống bằng nuôi cấy mô làm trẻ hoá cây giống, nâng cao năng suất vùng trồng nguyên liệu, đồng thời, sản xuất, chế biến chưng cất tinh dầu tràm theo tiêu chuẩn FSC mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất kinh doanh. Với chất lượng tinh dầu đảm bảo tiêu chuẩn FSC, người nông dân tham gia sản xuất vùng nguyên liệu sẽ có doanh thu bình quân mỗi héc-ta ước đạt trên 60 triệu đồng/năm. Đặc biệt, vùng trồng tận dụng hết các quỹ đất nghèo kiệt, đất chua phèn, đất dưới các công trình không thể trồng, canh tác các loài cây khác để đưa vào trồng cây tràm gió sản xuất tinh dầu.

Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc tràm gió đang được Công ty Tiền Phong tiếp tục ứng dụng để trồng và phát triển vùng nguyên liệu. Sản phẩm tinh dầu tràm gió từ nuôi cấy mô đến trồng, quản lý theo chuỗi hành trình được tổ chức FSC chứng nhận - lần đầu tiên nghiên cứu ứng dụng và đưa vào sản xuất có hiệu quả tại công ty là mô hình để các đơn vị, địa phương, người nông dân chuyển giao ứng dụng sản xuất có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự án này sẽ góp phần giúp hình thành phương thức canh tác dược liệu theo công nghệ tiên tiến, quy mô, từ đó sẽ nhân rộng ra cho bà con nông dân các vùng khác; đồng thời, tạo dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn, thông qua việc sử dụng nhà lưới và ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất giống có chất lượng. Kết quả của dự án cũng sẽ góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật và nông dân có trình độ, góp phần xây dựng ngành sản xuất dược liệu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang thâm canh tiên tiến, hiệu quả và bền vững; thúc đẩy quá trình đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp, hình thành thị trường mới trong mua bán, kinh doanh sản phẩm dược liệu; giải quyết thêm việc làm cho người nông dân địa phương, góp phần quan trọng vào việc sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. 
 

Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương 
Quốc hội quyết nghị thành lập thành phố Huế là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11km2 và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên-Huế.