Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (2019 –  2022):Tăng cường hơn nữa sự tham gia của người dân tộc thiểu số và người bản địa

14:39 24/06/2019 GMT+7
Ngày 24.6.2019 tại Hà Nội, Ban Hợp tác Quốc tế  (Trung ương Hội NDVN) đã tổ chức Hội thảo Lập kế hoạch hoạt động Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại (FFF)  giai đoạn II (2019 – 2022). Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Ban Hợp tác Quốc tế, đại

Ngày 24.6.2019 tại Hà Nội, Ban Hợp tác Quốc tế  (Trung ương Hội NDVN) đã tổ chức Hội thảo Lập kế hoạch hoạt động Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại (FFF)  giai đoạn II (2019 – 2022).

Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Ban Hợp tác Quốc tế, đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam, đại diện Bộ NN&PTNT, các thúc đẩy viên Chương trình FFF trung ương và các thúc đẩy viên cùng đại biểu các địa phương tham gia Chương trình.

Ông Mai Bắc Mỹ, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Trưởng Ban phụ trách, Ban Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội NDVN, Giám đốc Chương trình FFF giai đoạn II phát biểu khai mạc Hội Thảo.

Giúp người sản xuất rừng và trang trại phát triển sinh kế và tự ra quyết định

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Mai Bắc Mỹ, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội NDVN, Giám đốc Chương trình FFF giai đoạn II nêu bật những kết quả tích cực mà Chương trình đã thực hiện thành công trong giai đoạn I (2015-2017). “Chương trình FFF giai đoạn I do Tổ chức FAO tài trợ đã góp phần nâng cao năng lực cho các tổ chức, nông dân làm rừng và trang trại (các Tổ Hợp tác, Hợp tác xã (THT, HTX)), cán bộ Hội các cấp về phát triển tổ chức, cách thức sản xuất kinh doanh rừng và trang trại theo chuỗi giá trị; các thành viên THT, HTX hiểu được lợi ích của việc liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, có thêm thông tin, kiến thức về thị trường; cùng nhau góp vốn đầu tư chế biến, gia tăng giá trị sản phẩm, tìm được các đối tác thu mua sản phẩm với giá tốt hơn, nâng cao được kiến thức, kỹ thuật sản xuất, hiểu về quản lý, phát triển rừng bền vững”.

Trong giai đoạn I, với mục tiêu “Hỗ trợ các tổ chức trồng rừng và trang trại phát triển sinh kế và tự ra quyết định trên diện tích rừng và trang trại của họ”, Chương trình đã đạt được những thành công như: Quản lý, hỗ trợ các đơn vị thực hiện 14 dự án nhỏ tại 4 tỉnh Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên và Phú Thọ thông qua việc thành lập và đưa vào hoạt động 14 THT, HTX (gỗ, lâm sản ngoài gỗ, trồng chè, bưởi, chăn nuôi gà…). Năm 2015 từ 7 THT đã phát triển và thành lập được 11 THT và 3 HTX vào năm 2017 và có 5/14 đơn vị này tham gia vào chuỗi thị trường.

Chương trình FFF giai đoạn I cũng đã giúp người sản xuất rừng và trang trại cải thiện nhìn nhận thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng nhau đầu tư, chế biến gia tăng giá trị. Các THT, HTX tăng thu nhập, phát triển kinh tế và cán bộ Hội Nông dân được nâng cao năng lực giúp tư vấn, cung cấp dịch vụ tốt hơn. Ngoài ra,  Chương trình đã giúp người sản xuất rừng và trang trại tăng tính đoàn kết trong cộng đồng, gắn kết THT, HTX với chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành, cùng nhau sử dụng nguồn vốn xã hội hiệu quả.

Để thực hiện Chương trình, các THT, HTX đã xây dựng kế hoạch sản xuất, quản lý rừng gắn bảo vệ môi trường, áp dụng những mô hình sản xuất hiện đại góp phần giảm biến đổi khí hậu. Qua đó giúp các THT, HTX phát triển sinh kế, rừng được quản lý bền vững.

Bên cạnh đó, Chương trình FFF giai đoạn I cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Một bộ phận không nhỏ thành viên THT, HTX, nông dân (thậm chí cả cán bộ ở cơ sở ) chưa hiểu đầy đủ lợi ích làm việc nhóm, chứng chỉ rừng cũng như quản lý rừng bền vững; Các THT, HTX tham gia FFF đang ở giai đoạn đầu phát triển nên thiếu, yếu kỹ năng quản lý, vận hành tổ chức; Thiếu vốn, cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiếu mô hình THT, HTX điển hình. Năng lực vận động cơ sở, tư vấn, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ thiếu và yếu. Thiếu kinh phí để thực thi các chính sách ở Trung ương và địa phương (vốn, đào tạo, công nghệ, hỗ trợ CSHT…), diễn đàn đa ngành ở các cấp còn hạn chế. Nhiều nơi chịu ảnh hưởng không nhỏ của biến đổi khí hậu…

Tăng cường sự tham gia của thanh niên, người dân tộc thiểu số

Trong giai đoạn II (2019-2022), Chương trình FFF đặt ra mục tiêu “Các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại (THT, HTX) trong đó có phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trở thành các tác nhân thay đổi chủ yếu đối với cảnh quan chống chịu biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương”.

Địa bàn hoạt động của Chương trình FFF giai đoạn II được thực hiện chủ yếu trên 4 tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Bắc Kạn, Yên Bái. Đối tượng tham gia Chương trình lần này là các tổ chức người sản xuất rừng và trang trại (THT, HTX, nhóm nông dân sản xuất nhỏ sống dựa vào rừng), khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số. Qua đó nhằm đạt được những kết quả quan trọng như: Các cơ chế, chính sách liên quan tới các THT, HTX được thúc đẩy thuận lợi hơn thông qua các diễn đàn liên ngành, đa ngành;  Khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các THT, HTX được tăng lên thông qua chuỗi giá trị gắn bình đẳng giới và cung cấp cung cấp dịch vụ cho các thành viên.; Giảm thiểu, thích ứng, chống chịu đối với biến đổi khí hậu được cải thiện thông qua việc tham gia trực tiếp của các THT, HTX và lồng ghép với các biện pháp sinh kế tổng hợp; Tiếp cận các dịch vụ văn hóa và xã hội được cải thiện và bình đẳng.

Đại biểu tham dự Hội thảo đóng góp ý kiến cho Chương trình.

Theo Tổ chức FAO, các tổ chức sản xuất rừng và trang trại tại Việt Nam đang là tác nhân quan trọng trong chuỗi cung ứng của ngành gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Thu nhập từ rừng và trang trại sẽ tạo động lực tái tạo rừng và quản lý rừng bền vững.

“Quan điểm của Chương trình FFF là Các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại (FFPOs) là tác nhân chính làm thay đổi cảnh quan và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương (Việt Nam có hơn 1,4 triệu hộ/ 2, 8 triệu ha rừng trồng), các Hộ FFPOs cần được kiện toàn lại thành các Tổ chức FFPOs. Thông qua cuộc Hội thảo này sẽ giúp các thành viên tham gia hiểu rõ hơn về Chương trình FFF giai đoạn II, đồng thời giúp Ban Quản lý Chương trình FFF trung ương và các tỉnh có được chi tiết kế hoạch các hoạt động trong năm 2019. Thông qua đó thống nhất được cách thức triển khai, cơ chế phối hợp thực hiện giữa Ban Quản lý Chương trình FFF trung ương với Ban Quản lý các tỉnh và các bên liên quan”- ông Mai Bắc Mỹ, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó trưởng Ban phụ trách, Ban Hợp tác Quốc tế, Trung ương Hội NDVN, Giám đốc Chương trình FFF giai đoạn II nhấn mạnh.

Chu Hồng Châu