Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cơ hội để cá tra Việt Nam gia tăng thị phần tại Malaysia

13:09 13/04/2022 GMT+7
Ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Malaysia đã tăng trưởng tích cực trở lại sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 . Tính đến giữa tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường này đạt 7,45 triệu USD, tăng 138% so với cùng kỳ năm trước.

Tận dụng lợi thế, thời điểm, cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra sang Malaysia sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay Malaysia là thị trường điểm đến của gần 40 doanh nghiệp cá tra Việt Nam với sản phẩm xuất khẩu khá đa dạng như: Cá tra phile đông lạnh, cá tra finger tẩm bột chiên sơ đông lạnh, cá tra formed tempura tẩm bột chiên sơ đông lạnh, cá tra nguyên con đông lạnh, cá tra cắt khúc/miếng đông lạnh, bong bóng cá tra sấy…

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Malaysia là một trong ba thị trường xuất khẩu cá tra tiềm năng nhất trong khối ASEAN (cùng Thái Lan và Singapore). Kể từ khi dịch xảy ra, hoạt động giao thương sang thị trường này gián đoạn và giảm sút trong nhiều tháng liên tiếp. Sự phục hồi kinh tế, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của nước này đang tăng, trong đó nhu cầu nhập các sản phẩm Halal (thức ăn và đồ uống “được phép” theo Luật hồi giáo) cũng tăng mạnh. Đây có thể là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường này.

Việt Nam đang dẫn đầu, chiếm gần 50% tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của Malaysia. Ảnh minh hoạ

Cho tới thời điểm này, Việt Nam và Trung Quốc vẫn là hai thị trường cung cấp hàng đầu sản phẩm cá thịt trắng của Malaysia. Trong đó, Việt Nam dẫn đầu, chiếm gần 50% tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của Malaysia. Đứng sau Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc cũng đang tích cực xuất khẩu sản phẩm cá Minh thái (pollock), cá tuyết cod, cá rô phi sang thị trường này.

Ngày 18.3.2022 vừa qua, Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia (MITI) đã thông cáo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ bắt đầu có hiệu lực đối với Malaysia. Dựa trên hệ thống thương mại đa phương tuân theo các quy tắc, RCEP sẽ tạo điều kiện cho Malaysia hội nhập sâu rộng hơn vào nền thương mại, đầu tư tự do toàn cầu nhờ xóa bỏ khoảng 90% thuế quan giữa các nước thành viên.

RCEP có hiệu lực, Malaysia mong muốn thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu, đầu tư sang Việt Nam, mặt khác cũng mong muốn phát triển giao thương với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thủy sản. Cho nên, nếu tận dụng lợi thế, thời điểm, cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra sang Malaysia sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Xuất khẩu cá tra tăng 88% trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp cá tra lên kế hoạch lợi nhuận tăng mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước 3 tháng đầu năm ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. 

Kết quả này chủ yếu nhờ cá tra vẫn đang trên đà hồi phục mạnh. Riêng tháng 3, xuất khẩu cá tra đạt 262 triệu USD, tăng 80% với các tín hiệu tích cực về nhu cầu ở các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, EU. Lũy kế 3 tháng, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, giá cá tra nguyên liệu cũng ghi nhận mức tăng mạnh trong các tháng đầu năm. Tính đến cuối tháng 3, giá cá tra thịt trắng tại Đồng Tháp đạt mức 30.000 – 32.000 đồng/kg, tăng gần 35% so với đầu năm. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giá cá xuống thấp và chỉ mới phục hồi từ cuối năm 2021, người nông dân bị lỗ nặng phải treo ao khiến nguồn cung thiếu hụt.

Nguồn VASEP.

Nhiều doanh nghiệp cá tra kỳ vọng thắng lớn năm 2022. Theo tài liệu họp đại hội cổ đông, Công ty Vĩnh Hoàn - là một trong những công ty chế biến và xuất khẩu cá tra, basa hàng đầu của Việt Nam - đặt kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, tăng 43,6% và lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, tăng 36,5% so với thực hiện năm 2021. Kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm của Công ty ghi nhận rất tích cực: Doanh số đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 2, doanh số đạt 1.075 tỷ đồng, tăng 137%.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Vĩnh Hoàn. 

Ban lãnh đạo Công ty Vĩnh Hoàn khá lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022, thời điểm mà nhu cầu thị trường ổn định khi nhiều nền kinh tế giảm bớt hoặc loại bỏ các hạn chế liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Tương tự, Công ty Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I– đơn vị thành viên Tập đoàn Sao Mai cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh 2022 tham vọng. Cụ thể, doanh thu thuần 8.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 900 tỷ đồng; lần lượt tăng 45,6% và gấp 6,3 lần thực hiện 2021. Kế hoạch này dựa trên việc giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh thời gian qua lên vùng trên 30.000 đồng/kg và nhu cầu thị trường, đặc biệt là Mỹ và Mỹ Latin tăng mạnh.

Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch I.D.I cho biết nhu cầu tiêu dùng phục hồi mạnh ở các thị trường chính đẩy doanh nghiệp vào tình huống sản xuất không kịp trả đơn hàng. Doanh nghiệp phải tính toán tăng công suất hoạt động để đáp ứng các đơn hàng tăng mạnh trong năm nay.

Vị này cũng thông tin, công ty đã ký đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II năm nay. Đồng thời, đơn vị cũng đã chuẩn bị kho hàng dự trữ 1.400 tỷ đồng cá tra giá rẻ (17.000 – 18.000 đồng/kg) cho đợt nhu cầu thị trường phục hồi này.

Bảo Minh (tổng hợp)