Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Dạy nhà nông làm du lịch nông nghiệp

15:44 30/01/2020 GMT+7
Vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp, quanh năm gắn bó với ruộng đồng song giờ đây nhiều người nông dân tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ đã mạnh dạn thử sức với một công việc khá mới mẻ, đó là làm du lịch. Cuộc sống khá lên nhờ làm du lịch Trước

Vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp, quanh năm gắn bó với ruộng đồng song giờ đây nhiều người nông dân tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ đã mạnh dạn thử sức với một công việc khá mới mẻ, đó là làm du lịch.

Thực tế, du lịch nông nghiệp ĐBSCL vẫn là “mỏ vàng” chờ khai phá. Ảnh: T.L

Cuộc sống khá lên nhờ làm du lịch

Trước đây, ít ai nghĩ những vùng quê vắng vẻ, toàn kênh rạch của Cần Thơ lại trở thành điểm đến du lịch. Vậy mà ngày nay đến ấp Nhơn Lộc, huyện Phong Điền cảnh khách Tây tát mương, dỡ chà mùng, vãi chài… bắt cá theo kiểu Nam Bộ không còn xa lạ nữa.

Anh John – du khách Australia cho biết: “Tôi rất bất ngờ. Tôi không nghĩ rằng khi đến Việt Nam mình lại có cơ hội trải nghiệm những điều tuyệt vời thế này. Người dân ở đây rất nhiệt tình và thân thiện. Họ đón tiếp và trò chuyện với gia đình tôi như những người bạn thực sự, điều đó khiến tôi cảm thấy mình là một vị khách rất đặc biệt”.

Điều thú vị hơn cả là người hướng dẫn, trực tiếp tham gia trải nghiệm cùng du khách không ai khác chính là những người nông dân. Giống như nhiều hộ nông dân khác tại ấp Nhơn Lộc, gia đình ông Trần Văn Liền trước đây chủ yếu sống bằng nghề nông. Năm 2013, khi ở Phong Điền bắt đầu khai thác mô hình du lịch làng quê, vợ chồng ông đã mạnh dạn đăng ký tham gia làm du lịch.

Ông Liền chia sẻ: “Đây vốn là đất vườn nhà từ bao đời ông bà để lại. Mới đầu khi chuyển sang làm du lịch cũng nghĩ là không thể nào làm được. Có sự hướng dẫn của Hội Nông dân huyện, một người nông dân như tôi cũng có thể giúp khách tham gia các trò chơi, hái quả, nấu ăn, dẫn khách đi tham quan. Mọi người đều có thêm thu nhập nên ai cũng tâm huyết với công việc này. Người dân ở đây cũng muốn là du lịch được mở rộng để bền vững thêm”.

Du lịch sinh thái vườn là mô hình tái hiện những nét đẹp đặc trưng của sông nước miền Tây. Trong khu vườn rộng lớn ở Vàm Xáng, dưới những hàng cây xanh mát, du khách được tham gia nhiều trò chơi dân gian độc đáo của người Tây Nam Bộ và được thưởng thức những món ăn ngon đặc trưng của vùng đất này.

Vườn trái cây này được chủ nhân chăm sóc kỹ lưỡng, chăm chút những lối đi nhỏ đến những nhịp cầu. Điểm khác biệt là kiến trúc vườn nhà được gìn giữ khá nguyên vẹn nét kiến trúc xưa của Nam bộ.

 

Được dạy nghề, những người ND chân lấm tay bùn ở Cần Thơ đã biết kiếm tiền từ du lịch. Ảnh: T.L

Ông Liền cho biết, vườn cây ăn trái của ông mỗi năm đón tiếp khoảng 20.000 lượt khách đến tham quan trải nghiệm. Phần đông du khách đến đây là người nước ngoài, khách từ ngoài Bắc vào, sau mới đến lượng khách từ TP.Hồ Chí Minh tìm về thôn dã. Hiện mô hình của ông đang giải quyết công ăn việc làm cho 20 lao động ngay tại địa phương với mức lương từ 5 – 6 triệu đồng/tháng.

Gần đó, khu vườn rộng 1,2ha được ông Lâm Thế Cương ở ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh đã trồng và duy trì vườn ca cao hơn 50 năm. Trong khu vườn, ông cất những căn nhà nhỏ để khách đến tham quan có thể nghỉ qua đêm. Theo ông Cương, mỗi năm ông đón khoảng 600 khách, chủ yếu là khách quốc tế. Hiện ông đã hợp tác với khoảng 50 hãng lữ hành để đưa khách tới tham quan.

Ngoài 2 nhà vườn trên, tại Phong Điền còn nhiều điểm tham quan hấp dẫn khác như Làng du lịch Mỹ Khánh, Vườn sinh thái lò bánh hỏi mặt võng Út Dzách, Thiền viện trúc lâm Phương Nam…

Hỗ trợ nông dân làm du lịch

Theo ông Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân Cần Thơ: Những năm gần đây, theo tinh thần chỉ đạo của UBND TP. Cần Thơ, Hội Nông dân đã chú trọng khuyến khích, tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề cho hội viên làm du lịch miệt vườn.

Sự phát triển của mô hình du lịch tại Phong Điền đã góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê và đời sống người dân nơi đây. Nông dân có thêm nguồn thu nhập ổn định cuộc sống. Từ chỗ ban đầu chỉ có vài người, hiện nay, ấp huyện Phong Điền đã có vài chục hộ tham gia làm du lịch, đều là những người nông dân ở địa phương.

Sau nhiều năm làm du lịch, các nhà vườn tại Phong Điền đã chú trọng hơn đến chất lượng trái cây phục vụ du khách. Hầu hết các vườn trái đặc sản đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ treo bẫy ruồi, bao trái để bảo đảm an toàn.

Đến các điểm tham quan tại Phong Điền ngoài thưởng thức trái cây, du khách còn được thưởng thức nhiều món ngon như gà hấp lá chúc, cá lóc nướng trui, gỏi tép đinh lăng, cháo lươn ngó môn, lẩu mắm cá hủn hỉn…

Hiện nay, sau khi xác định du lịch là một hướng đột phá trong phát triển kinh tế, huyện Phong Điền đưa ra khẩu hiệu “Nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch” và được các nhà vườn hưởng ứng rất nhiệt tình.

“Sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng du lịch sinh thái như: Tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, mở lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho bà con. Đặc biệt, Hội Nông dân sẽ ưu tiên hỗ trợ vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân cho những hội viên nông dân muốn đầu tư làm du lịch nông nghiệp ”, ông Phước nói.

Mô hình người nông dân tham gia làm du lịch tại Phong Điền không chỉ góp phần khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh du lịch của huyện Phong Điền mà đây sẽ là cơ sở để phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại nhiều địa phương khác trong tỉnh.

“Sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng du lịch sinh thái như: Tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, mở lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho bà con. Đặc biệt, Hội Nông dân sẽ ưu tiên hỗ trợ vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân cho những hội viên nông dân muốn đầu tư làm du lịch nông nghiệp ”
Ông Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Cần Thơ.

Nhật Minh