Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Điểm mới về chế độ chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

11:40 01/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2023, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 01 năm 2024.
Ông Vừ Sua Ly - người có uy tín ở bản Pha Khuông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cho các thành viên trong dòng họ. Ảnh: M.T

So với quy định cũ thì quy định lần này có điểm gì mới? Tiêu chí lựa chọn, chế độ chính sách người có uy tín có gì khác với trưới trước?... Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW đã có những trao đổi về vấn đề này:

Quyết định số  28/2023/QĐ-TTg có nhiều điểm mới, đó là: Sửa đổi tiêu chí về lựa chọn người có uy tín; sửa đổi đối tượng lựa chọn; điều kiện bình chọn người có uy tín; đặc biệt là bổ sung về chế độ chính sách đối với người có uy tín…

Vậy theo quy định mới thì người có uy tín phải có tiêu chí gì, thưa luật sư?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg (được sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 của Quyết 28/2023/QĐ-TTg)”  thì người có uy tín phải có tiêu chí sau:

- Là công dân Việt Nam, không phân biệt thành Phần dân tộc, cư trú hợp pháp tại Việt Nam;

- Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương;

- Là người tiêu biểu, có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc;

- Hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư;

- Có khả năng tuyên truyền, vận động, nắm bắt, xử lý thông tin và quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, cách ứng xử; được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

Vậy người có uy tín phải được lựa chọn từ đối tượng nào ?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định 28/2023/QĐ-TTg thì đôí tượng được lựa chọn phải “Là công dân Việt Nam, cư trú tại các thôn theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Quyết định này và đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg (được sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 của Quyết định này)”, cụ thể:

-        Khoản 2 Điều 1 của Quyết định 28/2023/QĐ-TTg quy định:

“3. Điều kiện, số lượng lựa chọn, công nhận người có uy tín

a) Mỗi thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoặc thôn của xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được lựa chọn, công nhận 01 (một) người có uy tín;

b) Trường hợp thôn thành lập mới do sáp nhập các thôn quy định tại điểm a khoản 3 Điều này kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định số lượng người có uy tín được lựa chọn, công nhận nhưng không quá tổng số lượng thôn được sáp nhập.”

- Các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg (được sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Quyết định 28/2023/QĐ-TTg) đã được nêu ở câu hỏi trên.

Người có uy tín được hưởng chế độ chính sách gì?

Như đã nói trên, chế độ chính sách đối với người có uy tín có rất nhiều điểm mới. Theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg thì người có uy tín được hưởng những chính sách sau:

1. Cung cấp thông tin

a) Định kỳ hoặc đột xuất người có uy tín được phổ biến, cung cấp thông tin mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự và kết quả thực hiện các Chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang thực hiện ở địa phương;

b) Người có uy tín được cấp (không thu tiền):
- Một ấn phẩm báo của Cơ quan ngôn luận thuộc cơ quan quản lý nhà nước hoạt động trong lĩnh vực dân tộc và công tác dân tộc (01 tờ/người/kỳ/tháng), bảo đảm điều kiện về tôn chỉ, mục đích hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, có năng lực và kinh nghiệm xuất bản, phát hành báo cho người có uy tín;
- Một ấn phẩm báo của địa phương (01 tờ/người/kỳ) hoặc hình thức cung cấp thông tin khác do địa phương lựa chọn.

c) Hằng năm, người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin theo hình thức phù hợp do địa phương quyết định về pháp luật, quốc phòng, an ninh; thông tin, kiến thức cơ bản về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; kiến thức, kỹ năng khai thác, sử dụng, xử lý thông tin trên Internet, mạng xã hội và các kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng”.

2. Hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần

Theo phân cấp quản lý thực hiện chính sách, người có uy tín được:

a)   Thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết hoặc Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) do địa phương lựa chọn. Mức chi tối đa trị giá 500 nghìn đồng/người/lần và không quá 02 (hai) lần/năm;

b)  Người có uy tín ốm đau đi điều trị bệnh, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được thăm hỏi, hỗ trợ không quá 01 lần/người/năm. Mức chi tối đa trị giá: 3 triệu đồng/người/năm khi điều trị bệnh tại các cơ sở tuyến Trung ương và tương đương; 1, 5 triệu đồng/người/năm khi điều trị tại các cơ sở tuyến tỉnh và tương đương; 800 nghìn đồng/người/năm khi điều trị tại cơ sở tuyến huyện và tương đương; 500 nghìn đồng/người/năm khi điều trị tại cơ sở tuyến xã và tương đương;

c)   Thăm hỏi, hỗ trợ hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn đột xuất do sự cố, thiên tai, hỏa hoạn được chính quyền cấp xã nơi cư trú xác nhận. Mức chi tối đa trị giá 2 triệu đồng/hộ gia đình/năm;”

d)  Thăm viếng, động viên khi người có uy tín, thân nhân trong gia đình (bố, mẹ, vợ, chồng, con) qua đời. Mức chi không quá 2 triệu đồng/trường hợp đối với cơ quan Trung ương; không quá 1 triệu đồng/trường hợp đối với cơ quan cấp tỉnh; không quá 500 nghìn đồng/trường hợp đối với cơ quan cấp huyện;

3. Biểu dương, khen thưởng, tôn vinh người có uy tín:
a) Người có uy tín có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc được biểu dương, khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn hiện hành về thi đua, khen thưởng;
b) Định kỳ 5 năm/lần tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng người có uy tín tiêu biểu đối với cấp Trung ương và cấp tỉnh;
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện lựa chọn, quyết định hình thức, thời gian tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh, khen thưởng người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn bảo đảm phù hợp với quy mô, số lượng người có uy tín và tình hình thực tiễn của địa phương.

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (thực hiện)

*THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ