Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Điểm mới về điều kiện tàu cá khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam

Lê Chiên (ghi) - 07:18 31/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 04 tháng 4 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP, sưả đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Trong Nghị định này có một số quy định rất quan trọng liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản mà ngư dân cần phải nắm vững để tránh vi phạm và rủi ro trong quá trình khai thác đánh bắt thủy sản.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mai (Giảng viên Học viện Tư pháp) sẽ cung cấp thông tin cụ thể về vấn đề này.

Ảnh minh họa.

Điều kiện tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam

Đã có một số trường hợp tàu cá của ta khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài, bị nước ngoài bắt giữ tịch thu tàu… không những thế còn ảnh hưởng đến  việc gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Theo quy định mới thì  tàu cá khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam cần có điều kiện gì, thưa Tiến sĩ?

Điều kiện tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam được quy định tại Điều 46, Luật Thủy sản 2017, hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và được sửa, đổi bổ sung tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP. Ở đây tôi chỉ nói về những điểm sửa đổi, bổ sung mới tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP.

Theo quy định tại khoản 23, Điều 1, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 46 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP thì tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam phải có điều kiện sau:

- Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tự động truyền thông tin, dữ liệu qua hệ thống thông tin vệ tinh, không thuộc danh sách tàu cá vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp;

- Tàu cá phải trang bị, lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc, hàng hải trên tàu bao gồm: Máy thu phát vô tuyến điện thoại sóng cực ngắn (VHF) có bộ phận gọi chọn số và thu trực canh (DSC) trên kênh 70 hoặc 16; máy thu phát vô tuyến điện (MF/HF); máy thu tự động thông báo hàng hải và thời tiết (NAVTEX), phao chỉ báo vị trí khẩn cấp (EPIRB).

- Có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) theo quy định trong trường hợp tàu cá đi khai thác tại vùng biển thuộc quyền của quản lý của tổ chức nghề cá khu vực hoặc tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác có yêu cầu;

- Có giám sát viên theo quy định của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực hoặc quốc gia ven biển;

- Thuyền viên và người làm việc trên tàu cá phải có Giấy chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng quản lý nghề cá tại vùng biển quốc tế do Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp đối với trường hợp cấp giấy phép đi khai thác tại vùng biển do Tổ chức quản lý nghề cá khu vực quản lý.

Thiết bị giám sát hành trình phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định

Được biết, ngoài điểm mới trên, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP còn có những quy định mới về hệ thống giám sát tàu cá. Tiến sĩ cho biết cụ thể điểm mới đó là gì?

Đúng như thế! Khoản 20, Điều 1,Nghị định số 37/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 44  của Nghị định số 26/2019/NDD-CP “Quy định về quản lý hệ thống giám sát tàu cá”. Trong sửa đổi, bổ sung này có phần liên quan đến kỹ thuật, có phần liên quan đến việc quản lý hệ thống giám sát tàu cá của các cơ quan chức năng. Ở đây tôi chỉ nêu những phần liên quan đến ngư dân, đó là:

- Thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá phải đáp ứng các yêu cầu theo Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này.

- Chủ tàu khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá phải khai báo thông tin lắp đặt và kích hoạt dịch vụ thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo Mẫu số 01.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này; được cung cấp thông tin giám sát hành trình của tàu cá mình từ trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá thuộc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá thuộc đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi có yêu cầu.

- Thuyền trưởng hoặc chủ tàu phải bảo đảm thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng. Trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá mất tín hiệu kết nối, thuyền trưởng hoặc chủ tàu phải sử dụng các thiết bị ghi lại vị trí tàu cá và báo cáo cơ quan quản lý tại cảng khi tàu cập cảng, sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác báo cáo vị trí tàu cá về cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nơi đăng ký tàu cá (qua bộ phận trực, vận hành hệ thống giám sát tàu cá) 06 giờ/lần và phải đưa tàu về cảng để sửa chữa trong 10 ngày kể từ khi thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng; Thuyền trưởng, chủ tàu cá phải chấp hành nghiêm cảnh báo của thiết bị giám sát hành trình tàu cá, không được đưa tàu vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển.

- Dữ liệu giám sát hành trình tàu cá được sử dụng làm căn cứ pháp lý để quản lý hoạt động của tàu cá, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý các tranh chấp nghề cá trên biển, xác nhận, chứng nhận thủy sản từ khai thác; thực hiện chi trả chính sách trong lĩnh vực thủy sản.

- Khi lắp đặt, tháo gỡ, thay thế thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, chủ tàu phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản địa phương theo Mẫu số 01.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này để kiểm tra, xác nhận theo quy định và yêu cầu đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình cập nhật vào cơ sở dữ liệu. Trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, trước khi tháo thiết bị phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh để lập Biên bản kiểm tra tình trạng thiết bị trước khi tháo gỡ, thay thế.

- Thiết bị giám sát hành trình khi lắp đặt trên tàu cá phải được kẹp chì theo mẫu đã được Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo; mỗi kẹp chì sử dụng cho mỗi thiết bị phải có mã số độc lập, mã số kẹp chì của đơn vị cung cấp phải bao gồm các thông tin (tên viết tắt đơn vị cung cấp, số thứ tự kẹp chì).

Như đã nêu trên, thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định. Cụ thể, quy định đó thế nào?

Đó là đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP. Cụ thể là, thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá phải được kết nối, đồng bộ dữ liệu với Trung tâm dữ liệu của đơn vị cung cấp thiết bị và dịch vụ giám sát tàu cá. Tối thiểu có kết nối truyền dữ liệu thông qua vệ tinh; thiết bị có thể tích hợp thêm tính năng truyền dữ liệu qua thông tin di động GSM, hệ thống thông tin sóng mặt đất sử dụng các băng tần MF, HF, VHF; truyền dữ liệu tối thiểu 12 vị trí/ngày với tần suất 02 giờ/lần các thông tin: Vị trí tàu (kinh độ, vĩ độ) theo thời gian thực, thời gian (phút/giờ/ngày/tháng/năm - giờ Việt Nam); tốc độ tàu; mã nhận dạng thiết bị; trạng thái của thiết bị; có khả năng cảnh báo sớm tối thiểu 01 hải lý trước vùng cấm khai thác, vượt qua ranh giới cho phép trên biển bằng âm thanh hoặc đèn. Thiết bị dừng cảnh báo khi tàu quay lại ranh giới và ra khỏi vùng cấm khai thác. Sai số tọa độ vị trí tàu cá nhận từ hệ thống định vị toàn cầu GPS hiển thị trên thiết bị giám sát hành trình tàu cá không quá 500m, độ tin cậy 99%. Mỗi thiết bị phải có một mã nhận dạng độc lập. Phải đảm bảo hoạt động bình thường trong môi trường hoạt động trên biển theo tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam …

Để biết thông tin chi tiết, các bạn tham chiếu phụ lục trên.

Cảm ơn Tiến sĩ!