Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đời “du mục” trên đỉnh đèo Chư Sê

21:13 30/05/2020 GMT+7
Từ nhiều năm qua, quanh đỉnh đèo Chư Sê giáp ranh giữa 2 huyện Chư Sê, Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) được gọi thân mật là “xóm du mục, “xóm cao bồi” hay “xóm bò”… Không được thổ nhưỡng ưu đãi đất đỏ bazan đặc trưng, dọc từ các làng Tào Ròn, Tào Kuk, xã

Từ nhiều năm qua, quanh đỉnh đèo Chư Sê giáp ranh giữa 2 huyện Chư Sê, Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) được gọi thân mật là “xóm du mục, “xóm cao bồi” hay “xóm bò”… Không được thổ nhưỡng ưu đãi đất đỏ bazan đặc trưng, dọc từ các làng Tào Ròn, Tào Kuk, xã Dun đến hết địa bàn xã H’bông, diện tích đất rộng nhưng bề mặt chi chít đá núi khiến cây trồng khó phát triển mạnh ngoài… cỏ dại. Song, đây cũng là nguồn thức ăn dồi dào để phát triển chăn nuôi bò tập trung.

Nhiều đứa trẻ đồng bào DTTS theo nghề chăn dắt bò trên đỉnh đèo Chư Sê.

Buồn vui đời “du mục”

Dân xung quanh không gọi những người chăn bò trên đỉnh đèo Chư Sê là người làm thuê cho chủ mà đặt biệt danh vui tai là xóm cao bồi, xóm du mục… vì mỗi ngày đối với họ đều gắn với cuộc sống của đàn bò.

Ông Lê Hoài Trung – một người đã hơn 50 tuổi có thâm niên trong nghề “du mục” tại đây nhận nuôi đàn bò gần 40 con của một chủ trang trại bò huyện Chư Sê cười vui: “Hơn 10 năm trước, tôi từ huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định lên đây làm việc phụ hồ, kiếm chút tiền trang trại cuộc sống gia đình khó khăn. Nhưng công việc làm thuê bữa có, bữa không, thu nhập không đều. Nhưng khi sau khi bàn giao tường rào cho ông Hùng ở xã H’bông, huyện Chư Sê, ông Hùng tin tưởng nên nhận tôi chăn đàn bò giúp ông ấy ngay đỉnh đèo Chư Sê với mức lương khá cao. Thậm chí nếu chăn tốt, thì sẽ được ăn chia theo thỏa thuận”.

Cũng theo anh Trung, với mức lương thỏa thuận 5 triệu đồng/tháng ban đầu, chỉ sau hơn một năm, đàn bò lớn mạnh và sinh sản tốt, chủ trang trại tin tưởng nên thống nhất giao cả đàn bò cho anh chăn với hình thức ăn chia theo tỷ lệ 60% cho chủ và 40% cho người chăn. Với hình thức bàn giao này, người chăn nuôi chủ động tất cả từ ăn uống, sinh hoạt và quản lý đàn bò, khi bò sinh sản được phân chia theo tỷ lệ đã thống nhất.

Nhận thấy đây là công việc mang lại nguồn thu nhập ổn định, anh Lê Hoài Trung đã về quê đưa cả gia đình lên đây định cư và phân chia công việc.

“Nhiều người cứ tưởng chăn bò là dễ nhưng thực sự không hề dễ chút nào. Chăn ngoài đồng cỏ rộng cả ngày, đàn bò lại đông nên phải quản lý thật chặt chứ để lạc mất bò là lỗ “chổng vó” đấy! Vì vậy, mỗi đàn bò từ 20 con trở lên phải có 2-3 người cùng chăn thì mới quản nổi” – anh Trung vừa mở cổng trại, lùa bò đi ăn, cho chúng tôi biết.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, người chịu trách nhiệm trang trại bò lên đến 67 con ngay tại đỉnh đèo Chư Sê: Chăn bò cũng vui vì vừa làm việc cũng như vừa đi chơi vậy, được đi tìm những đồng cỏ mới, luân chuyển, đổi khu vực để cỏ kịp mọc lên xanh tươi… nhưng nghề này cũng lắm nhọc nhằn. Ngoài việc chấp nhận nắng mưa, bất chợt của thời tiết, điều quan trọng nhất là tinh thần làm việc và giữ được uy tín với chủ trang trại. Để được các ông “chủ chọn mặt gửi vàng”, người quản lý trang trại phải biết quán xuyến đàn bò hàng chục con đồng thời không để chúng đi lạc, ăn hoa màu của dân “nhất là nương rẫy của bà con đồng bào dân tộc tại địa phương vì bò sẽ bị chặt chân, người chăn thuê phải bỏ tiền ra đền bù cho chủ…

Bỏ quên đời học sinh trên lưng bò

Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã H’bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai – nơi “xóm du mục” đứng chân, hiện có tất cả 12 thôn, trong đó có tới 11 thôn, làng chủ yếu là nơi đồng bào Bahnar, J’rai sinh sống, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo hiện nay của toàn xã đang ở mức 58%, khoảng 2.000 hộ (gần 9.000 nhân khẩu) do điều kiện đất đai chủ yếu là đất đá, rất khó để trồng trọt, phát triển sản xuất nông nghiệp.
Có lẽ chính cuộc sống nghèo nàn, hiu quạnh nơi đỉnh đèo bắt đầu có chút ánh sáng vào khoảng năm 2004, do diện tích đất trống còn nhiều, những cánh đồng cỏ rộng hàng trăm héc-ta… nhiều người có vốn trong tỉnh nhận thấy tiềm năng chăn thả gia súc lớn nên đã tiến hành đầu tư vào những trang trại trang trại nuôi bò quy mô dọc theo hàng chục km hai bên QL25 từ UBND xã H’bông đến đỉnh đèo Chư Sê. Và cũng kể từ đó, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số dần làm quen với nghề “chăn bò thuê”.

Mười mấy năm qua, nghề chăn bò thuê mang đến một số thay đổi khiến cuộc sống bà con – nhất là bà con đồng bào DTTS cũng như người dân khốn khó khắp nơi tụ họp về đây: Không còn cảnh đói ăn, thiếu mặc, những hộ thiếu đất sản xuất cũng có việc làm thường xuyên vì lượng bò được các ông chủ trang trại đưa về nuôi ngày càng nhiều.

Anh Trung, người quản lý trang trại bò hơn 40 con được chủ thỏa thuận ăn chia theo tỷ lệ 6/4 khi bò sinh sản.

Một số doanh nghiệp cần lao động chăm sóc đàn bò lên đến hàng nghìn con của mình chẳng hạn như Doanh nghiệp Đức Huy (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) hiện đang đầu tư hàng chục trang trại do đàn bò hơn 3.000 con nên rất cần số lượng người chăn dắt.

Có lẽ vì vậy, ngay đến những đứa trẻ từ 13 – 15 tuổi dân tộc J’rai, Bahnar khu vực này cũng được các quản lý trang trại, chủ bò thuê công với mức lương tháng từ 3-4 triệu đồng/tháng. Đây là khoản lương được xem là quá lớn đối với cuộc sống người dân đồng bào DTTS nghèo ở xã H’bông và có lẽ vì vậy, nhiều gia đình sẵn sàng đưa con em mình vào làm thuê cho các chủ trang trại trước nguồn lợi trước mắt.

Không chút ngại ngần khi chúng tôi hỏi vì sao không đi học, cô bé Rơ châm Lin, đồng bào dân tộc J’rai cười lớn: “Cháu học để làm gì khi đi chăn bò như thế này vẫn có tiền lương hàng tháng, có tiền mua áo, quần đẹp hay bất cứ thứ gì mà mình thích. Đi học vừa khổ, khó hiểu lại không có tiền giúp mẹ!”

Thời gian gần đây, người dân trong khu vực cũng nỗ lực loại bỏ đá trên bề mặt, phát triển trồng trọt vì vậy, nhiều đồng cỏ bị thu hẹp dần. Việc kiểm soát đàn bò hàng chục, hàng trăm con ngày càng trở nên khó khăn nên người quản lý đàn bò phải thường xuyên theo sát để bò không phá hoại hoa màu. Khi không thể kham nổi, họ kéo đàn em nhỏ từ 5 – 11 tuổi phụ quản lý.

Trước những khó khăn cuộc sống, nhiều gia đình đồng bào DTTS nơi “xóm bò” có tâm lý hài lòng với việc con cái họ “biết chăn bò” để được chủ trang trại trả tiền công và nhặt phân bán lấy tiền phụ giúp gia đình. Một đứa trẻ đi chăn bò thuê được chủ lo ăn, đau ốm lặt vặt được lo thuốc men và còn trả công 3 – 4 triệu đồng/tháng. Đứa nào biết tích góp, không lấy tiền hàng tháng thì cuối năm được dẫn bò về nuôi, trừ vào tiền lương.

Cứ thế và cứ thế, nhiều đứa trẻ đồng bào DTTS khu vực xung quanh đỉnh đèo Chư Sê nối đuôi nhau trở thành “cao bồi” bất đắc dĩ, không màng đến học hành và vì thế tình yêu đối với cái chữ cũng xa vời vợi…

Nghiệp chăn bò trên đỉnh đèo Chư Sê mang lại nụ cười trên gương mặt sau mỗi tháng nhận lương từ ông chủ nhưng cũng chứa đựng tương lai đen xám đối với những đứa trẻ đồng bào DTTS nghèo khó…

Những đứa trẻ từ 13 – 15 tuổi dân tộc J’rai, Bahnar khu vực này cũng được các quản lý trang trại, chủ bò thuê công với mức lương tháng từ 3-4 triệu đồng/tháng. Đây là khoản lương được xem là quá lớn đối với cuộc sống người dân đồng bào DTTS nghèo ở xã H’bông và có lẽ vì vậy, nhiều gia đình sẵn sàng đưa con em mình vào làm thuê cho các chủ trang trại trước nguồn lợi trước mắt.

Thanh Luận