Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đồng Nai: Khôi phục giống lợn quý 

Hoàng Tuấn - 07:20 01/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi,vn) - Giống lợn đen bản địa của tỉnh Đồng Nai phân bố rải rác tại một số huyện miền núi của tỉnh và được nuôi chủ yếu trong cộng đồng người dân tộc Choro, Mạ và người Stiêng, nhưng ngày càng bị lai tạp với một số giống lợn khác làm cho số lượng lợn thuần ngày càng ít đi. Trước nguy cơ bị tuyệt chủng, giống lợn này đang được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án khai thác nguồn gen, khôi phục giống lợn quý.
Hộ anh Cổ Thanh Dũng, một trong những hộ được chọn tham gia dự án.

Chung tay bảo tồn, phát triển giống lợn đen

Theo ông Trần Long Bình - Chuyên viên của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, hiện giống lợn này phân bố rải rác tại một số huyện miền núi của tỉnh Đồng Nai và được nuôi chủ yếu trong cộng đồng người dân tộc là Choro, Mạ và người Stiêng. Tuy nhiên, giống lợn này ngày càng bị lai tạp với một số giống lợn khác làm cho số lượng lợn thuần ngày càng ít đi. Nếu không có các biện pháp cấp bách, lợn bản địa của tỉnh Đồng Nai sẽ có nguy cơ bị tuyệt chủng và mất hẳn nguồn gen quý hiếm.

Để bảo tồn, phát triển giống lợn đen, năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã thực hiện dự án khai thác nguồn gen giống lợn đen thuộc chương trình khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn của tỉnh.

Ông Bình cho biết thêm, hiện tại, Trung tâm đang triển khai xây dựng 4 mô hình chọn lọc, nhân giống và nuôi dưỡng lợn sinh sản, 8 mô hình chăn nuôi kết hợp, mỗi mô hình được hỗ trợ con giống ban đầu gồm 5 lợn nái và 1 lợn đực đã được Trung tâm điều tra, chọn lọc đàn giống hậu bị từ quần thể lợn đen tại các địa phương để phân phối cho các hộ tham gia mô hình. Ngoài ra, nông dân còn được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ các dịch vụ thú y, khuyến nông…

Theo anh Cổ Thanh Dũng, lợn này rất phàm ăn, từ rau củ quả đến cỏ cây chúng đều ăn được nên giảm đáng kể chi phí thức ăn cho chúng.

Là một trong những hộ được chọn tham gia dự án, anh Cổ Thanh Dũng ở ấp Bình Thạch, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu cho biết, gia đình anh có truyền thống chăn nuôi lợn từ rất lâu đời, chủ yếu nuôi lợn trắng thương phẩm. Tuy nhiên, những năm gần đây, do dịch bệnh diễn biến phức tạp từ lở mồm long móng, tai xanh tới dịch tả châu Phi, chưa kể thức ăn chăn nuôi ngày một tăng khiến việc chăn nuôi ngày càng gặp khó khăn. Gia đình anh đã chuyển đổi sang nuôi lợn rừng lai theo phương thức chăn nuôi truyền thống.

Nhờ có kinh nghiệm trong chăn nuôi cả về công nghiệp và truyền thống, nên ngay sau khi được tuyển chọn tham gia dự án, từ 5 lợn nái và một lợn đực giống ban đầu, đến nay tổng đàn lợn của gia đình anh đã đạt hơn 50 con. “Trong đợt Tết Nhâm Dần vừa qua, giá lợn trắng chỉ ở mức 60.000 đồng/kg nhưng lợn đen của gia đình tôi được nhiều người tới tận chuồng tìm mua với giá 150.000 đồng/kg”. Anh Dũng vui mừng nói.

Theo anh Dũng, qua quá trình chăn nuôi cho thấy, lợn đen bản địa có sức đề kháng rất tốt, hầu như không bị bệnh gì đáng kể, chất lượng thịt thơm ngon. Đặc biệt, lợn này rất phàm ăn, từ rau củ quả đến cỏ cây chúng đều ăn được. Để giảm chi phí sản xuất và hơn hết đem tới nguồn thịt lợn an toàn, chất lượng tới người tiêu dùng, ngoài 2 ngàn m2 trồng cỏ voi, anh trồng thêm chuối, đồng thời tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương như bã bia, bã đậu trộn với bột cám gạo, bắp để làm thức ăn cho chúng.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Đạt, ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú là một trong những hộ đầu tiên tham gia dự án cho biết, so với giống lợn trắng và các loại lợn đen khác hiện có trên thị trường thì ngoài chất lượng thịt thơm ngon, lợn đen bản địa Đồng Nai có khung hình cân đối; vai, đùi nở; nhiều nạc, được khách hàng rất ưa chuộng.

“Đặc biệt, lợn này sinh sản cũng rất nhanh, thời gian mang thai của chúng là 3 tháng 3 tuần 3 ngày, mỗi lứa đẻ từ 8 đến 12 con, sau 1 tuần tuổi lợn con có thể tách mẹ và nuôi thêm khoảng 5 tháng lúc này lợn đạt khoảng trên 10kg trở lên, giai đoạn mới có thể lựa chọn con giống, những con không đạt làm giống sẽ tiếp nuôi làm lợn thương phẩm. Lợn đen bản địa của Đồng Nai có thể nuôi lớn đến hơn 70kg, nhưng để chọn con lợn có chất lượng thịt thơm ngon, đảm bảo chất dinh dưỡng thì tối thiểu phải đạt trọng lượng từ 30 trở lên”, ông Đạt chia sẻ.

Đưa giống lợn đen bản địa vào chương trình OCOP

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, giống lợn đen Đồng Nai được xếp vào "giống lợn mini" của Việt Nam. Cùng với việc xây dựng các cơ sở nuôi dưỡng, đàn hạt nhân, đàn sinh sản, đàn thương phẩm, dự án sẽ ứng dụng những tiến bộ khoa học để bảo tồn, phát triển, chọn lọc, nhân giống theo phương pháp tiên tiến, phát triển chăn nuôi giống lợn bản địa theo hướng chăn nuôi đặc sản, chăn nuôi bằng thức ăn sẵn có tại địa phương, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Lợn đen bản địa Đồng Nai có nhiều ưu điểm như ăn tạp, sức đề kháng tốt, nhân đàn nhanh, chất lượng thịt thơm ngon

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới, ông Nguyễn Chí Hiền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai cho biết: Trong quá trình thực hiện dự án, đã có các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia liên kết sản xuất con giống, nuôi lợn thịt thương phẩm để khai thác lợi thế về giống lợn đặc sản này. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai sẽ tham gia nuôi thuần chủng lợn đen trên diện tích hơn 300 ha đất lâm nghiệp, tạo nguồn thu cho Trung tâm và cung ứng con giống cho các hộ chăn nuôi trong khu vực, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai đang kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia liên kết sản xuất con giống, nuôi lợn thịt thương phẩm để đưa giống lợn đen bản địa vào “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm khai thác lợi thế của giống lợn đặc sản này.