Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Dùng điện, chất nổ để khai thác thủy sản có thể bị tù đến 3 năm

07:14 30/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, Tạp chí Nông thôn mới nhận được thông tin của bạn đọc ở nhiều địa phương phản ánh về tình trạng dùng kích điện đánh bắt cá trái phép, gây bức xúc trong dư luận. Và bạn đọc đề nghị Tạp chí Nông thôn mới giải đáp một số vấn đề liên quan đến việc xử lý đánh bắt cá bằng kích điện. Chúng tôi xin trích đăng một số câu hỏi của bạn đọc và giải đáp của luật sư Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật SBLAW).
Luật sư Nguyễn Thanh Hà.

Bạn đọc Nguyễn Văn Sáng (Sóc Trăng): Việc dùng kích điện, để đánh bắt cá là rất nguy hiểm, mang tính tận diệt. Đây có phải là vi phạm pháp luật không?

Hiện nay tại các vùng nông thôn, tình trạng dùng kích điện để khai thác thủy sản còn diễn ra khá phổ biến. Đơn cử, tại Ninh Bình, từ tháng 8/2021 đến nay lực lượng Công an tỉnh Ninh Bình đã phát hiện, bắt giữ 43 vụ, 43 đối tượng vi phạm các quy định về sử dụng kích điện khai thác thủy sản trái phép, xử phạt hành chính hơn 100 triệu đồng, thu giữ nhiều dụng cụ liên quan đến việc sử dụng kích điện để khai thác thủy sản…

Đánh bắt cá bằng điện là hành vi rất nguy hiểm, không chỉ có tính hủy diệt, tận diệt, gây ra nhiều hệ lụy tới môi trường mà còn tiềm ẩn những mối nguy hiểm rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của con người. 

Ngày 02/01/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1/1998/CT-TTg “Về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản”, trong đó nêu rõ: “Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước”.

Mặc dù vậy, hành vi sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản không những không chấm dứt mà còn có chiều hướng gia tăng. Kích điện sử dụng để đánh bắt thủy sản càng “tinh vi” hơn, và tính hủy diện đối với thuỷ sản càng cao hơn. Chính vì thế, Luật Thủy sản năm 2017 đã dành riêng 1 điều luật (Điều 7) để quy định về “Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản”. Trong đó, Khoản 7 Điều luật này quy định, nghiêm cấm: “Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản”. 

Rõ ràng việc dùng kích điện để đánh bắt thủy sản là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải được xử lý nghiêm minh để bảo vệ nguồn thủy sản tự nhiên sinh sôi phát triển và bảo vệ môi trường.

Bạn đọc Hà Văn Hùng (Nam Định): Dùng điện để đánh bắt cá bị xử lý thế nào?

Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Về xử phạt hành chính

Căn cứ Điều 28, Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thủy sản”, thì hành vi sử dụng điện để khai thác thủy sản bị xử phạt như sau:

“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

3. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản như sau:

a) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1,2, 3 và 4 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 3 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.”

Sử dụng điện để khai thác thủy sản sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Ảnh minh họa

Bạn đọc Đoàn Văn Vững (Vĩnh Phúc): Khi nào việc sử dụng điện, chất nổ để đánh bắt thủy sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 (Sửa đổi Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015) quy định về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản như sau:

Người nào vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

- Sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản, làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;…

Bạn đọc Phạm Văn Thía (Quảng Nam): Pháp luật quy định thế nào về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản của UBND? Cấp xã có quyền xử phạt người dùng kích điện để đánh bắt cá không?

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân được quy định tại Điều 46, Nghị định 42/2019/NĐ-CP. Cụ thể là:

-  Chủ tịch UBND cấp xã có quyền:

+ Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;

+ Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính.

- Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền:

+ Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp;

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, h và i khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính và các điểm a, b, c, d, đ, e, g, k, l và m khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền:

+ Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;

+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp;

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

Cảm ơn luật sư.

Lê Chiên (ghi)