Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Được Hội tiếp vốn, nông dân làm du lịch sinh thái hút khách

Bách Dương - 10:36 18/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Là hội viên nông dân sinh hoạt tại thôn Đông Sơn, xã Cự Nẫm (Bố Trạch, Quảng Bình), ông Ngô Xuân Dũng có hướng đi mới từ các dịch vụ du lịch cộng đồng. Hiện, cơ ngơi của ông đã đáp ứng được nhu cầu cho du khách khi lựa chọn Khu du lịch sinh thái và ẩm thực Đồi Dẻ làm điểm đến tham quan và nghỉ dưỡng .

Từ làm trang trại, trồng trọt chuyển sang làm du lịch sinh thái
Nằm cạnh đường mòn Hồ Chí Minh cách TP. Đồng Hới chừng 20km, Khu Du lịch sinh thái và ẩm thực Đồi Dẻ đã để lại ấn tượng cho du khách khi đến trải nghiệm từ phong cảnh đến ẩm thực và phong cách phục vụ. Nằm trong lợi thế của vùng đất Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi, có rừng, có biển, có sông và nhiều cảnh quan. Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng có hệ thống hang động kỳ vĩ được mệnh danh là "Vương quốc hang động" nơi tiềm ẩn nhiều điều mới lạ và hấp dẫn nên du khách các nơi về tham quan nghĩ dưỡng ngày càng đông. Nhận thấy tiềm năng nghĩ dưỡng, dừng chân khám phá của du khách ngày càng tăng, gia đình ông Dũng đã bàn bạc xây dựng và thực hiện việc chuyển đổi, cải tạo trang trại xây dựng mô hình Famstay.
Theo ông Dũng, đầu năm 2005 gia đình ông mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại trồng rừng, trồng cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, làm trang trại thấy đầu ra bấp bênh, giá cả không ổn định, bản thân ông luôn băn khoăn trăn trở làm sao để vươn lên làm giàu chính đáng trên chính “bờ xôi ruộng mật” của mình. 

Ông Ngô Xuân Dũng  - chủ nhân Khu du lịch sinh thái và ẩm thực Đồi Dẻ.
“Nhận thấy lợi thế ở quê có tiềm năng du lịch và được hỗ trợ của chính quyền các cấp về thủ tục cùng sự quan tâm, khuyến khích của lãnh đạo địa phương, của Hội Nông dân các cấp, gia đình tôi bắt xây dựng triển khai mô hình “Nông dân làm du lịch” trên diện tích trang trại của gia đình từ năm 2018 trên nền diện tích 11ha. Làm du lịch luôn phải tìm tòi, học hỏi suốt nhưng nó có cái hay là giúp con người văn minh hơn”, ông Dũng chia sẻ.
Khi thực hiện Dự án dịch vụ, du lịch tổng hợp, gia đình ông tiếp tục duy trì chăn nuôi lợn, gà, trồng hồ tiêu và các loại cây ăn quả tạo được việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản và giải quyết lao động cho con em ở địa phương. Đặc biệt là tạo ra nguồn thực phẩm tại chỗ sạch, chất lượng để phục vụ du khách.
Tính đến thời điểm này, mô hình du lịch của ông đã đầu tư lên đến 4 tỷ đồng, thời gian tới, gia đình ông tiếp tục làm hồ sơ chuyển đổi đất sang làm dịch vụ lưu trú Farmstay trên 3.000m2, chi phí khoảng 2 tỷ/5 căn. Hiện tại, khu du lịch của ông Dũng đã trồng thí điểm 800m nho Hà Lan, trồng thu hoạch quả và làm điểm check - in cho du khách và trồng các hàng hoa với đủ chủng loại tô thắm thêm vẻ đẹp Đồi Dẻ để níu chân khách du lịch mỗi dịp đến tham quan.
Trong quá trình làm du lịch, bản thân ông luôn đề cao việc học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để áp dụng vào sản xuất kinh doanh, tổ chức cho gia đình đi tham quan học tập các mô hình Famstay có hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, phải biết nắm bắt thị hiếu của khách du lịch, lắng nghe các phản hồi, góp ý của du khách để phục vụ tốt hơn. Ông còn cho biết: Làm du lịch đòi hỏi tài chính phải vững; có mối quan hệ tốt; luôn thay đổi trạng thái và tôn tạo mới trên khu du lịch nhằm thu hút, không để khách nhàm chán.
Hội ND đồng hành, hỗ trợ phát triển du lịch
Từ khi bắt tay vào phát triển kinh tế trang trại, vườn rừng gia đình ông gặp một số khó khăn về vốn và kỹ thuật. Đến năm 2020, gia đình đã được hỗ trợ vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để thuê đất, mua sắm thêm các trang thiết bị, mở rộng khuôn viên làm du lịch. Diện tích khu du lịch Đồi Dẻ khoảng 11ha, hiện tại đã hình thành nên các điểm phục vụ khách đến vui chơi như: ao hồ: 2,2ha; cao su 5ha; hồ tiêu 3ha; cây ăn quả 0,8ha; có 7 chòi nghỉ ngơi, dịch vụ ăn uống, có diện tích 500m2.

Khách du lịch thưởng thức ẩm thực, chụp ảnh kỷ niệm, check - in tại Khu du lịch Đồi Dẻ.

Để níu giữ bước chân du khách, là người làm du lịch, ông luôn tuân thủ các quy định của Nhà nước về đảm bảo vệ sinh an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ hướng đến mô hình du lịch thân thiện, an toàn và hiện đại.
Kể từ ngày khu du lịch sinh thái Đồi Dẻ đi vào hoạt động đã tạo được việc làm cho 12 lao động thường xuyên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và lao động thời vụ khoảng 20 người. Với mức lương dao động từ 6-7 triệu đồng/người/tháng phần nào giúp họ nâng cao thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình. Từ ngày hình thành nên khu du lịch ông đã trực tiếp giúp đỡ cho 4 hộ gia đình thoát nghèo.
 “Việc định hướng cho nông dân làm du lịch nông thôn một phần nhằm kích cầu cho các điểm du lịch cộng đồng phát triển, trong đó có du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu du khách, hướng đến phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới”, ông Trần Tiến Sỹ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình cho biết.
Dù còn một số hạng mục đang triển khai để hoàn thiện khu du lịch trở thành điểm hấp dẫn du khách đến nghỉ dưỡng, nhưng cơ sở của ông Dũng mỗi năm thu hút hơn 20.000 lượt khách đến tham quan, thu nhập bình quân hơn 2 tỷ/năm. Khu du lịch không thu vé tham quan mà chủ yếu phục vụ ăn uống.
Để thành công hơn ở loại hình kinh tế này, bản thân ông Dũng luôn cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia các lớp tập huấn, học tập kinh nghiệm thực tiễn, tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng về cách thức tổ chức sản xuất, làm dịch vụ du lịch, phương pháp tiếp cận thị trường... để học hỏi cách điều hành, quản lý trong hoạt động làm dịch vụ du lịch. Ông tâm sự: “Có được thành quả như ngày hôm nay, bản thân tôi đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của các cấp chính quyền, đặc biệt là Hội ND tỉnh Quảng Bình kịp thời hỗ trợ nguồn vốn vay, hướng dẫn và giới thiệu một số mô hình học tập nâng cao kiến thức làm du lịch. Đây là mô hình mới mẻ mà bản thân lần đầu tiên thử nghiệm nên có nhiều bỡ ngỡ nhưng sự đồng hành của các cấp Hội ND như tiếp thêm động lực để bản thân nỗ lực không ngừng”.