Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, Quảng Nam gỡ khó cho nông dân

07:33 14/07/2022 GMT+7
Thời gian gần đây, nhiều loại vật tư nông nghiệp tăng cao khiến chi phí sản xuất của nông dân, chủ vườn, hợp tác xã tăng lên đáng kể...

Khu vườn sinh thái rộng hơn 11.000m2 của ông Phan Quang Tám, ở xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trồng các loại cây ổi, mít, bưởi, cam, mãng cầu… Ngoài dùng phân hữu cơ bón cho cây trồng, ông Tám phải bón thêm phân vô cơ, bình quân mỗi năm khoảng 2 tấn NPK để phục vụ cho vườn cây. Đầu năm, một bao phân bón NPK Việt - Hàn loại 50kg có giá 510 ngàn đồng, nay tăng lên 750 ngàn đồng.

Ông Tám cho biết, trong khi giá các loại vật tư nông nghiệp tăng cao thì thị trường tiêu thụ trái cây rất chậm và giá bán thấp, nông dân làm ra không có lãi, thậm chí chịu lỗ.

“Hiện tại giá các loại vật tư nông nghiệp lên cao, người làm nông nghiệp như tôi rõ ràng thua lỗ. Trước đây, tôi dùng phân NPK, Kali, Urê nhưng nay tôi không dùng nữa, mỗi ngày giá mỗi tăng nên tôi thay đổi sản xuất theo hữu cơ là chính. Tôi thay đổi chương trình, chuyển qua nghiên cứu về dùng các loại phân bón hữu cơ. Cây ăn trái hoặc trồng lúa dùng toàn bộ phân hoá học thì không có lãi, giá quá cao, nói chung tăng 200%, nông dân không chịu được” - ông Tám chia sẻ.

Ông Phan Quang Tám cho biết, nhiều loại vật tư nông nghiệp tăng cao, khiến chi phí sản xuất của các chủ vườn gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã tác Nông nghiệp 1 Điện Phước, thị xã Điện Bàn cho biết, giá các loại vật tư nông nghiệp tăng đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã. Vụ mùa năm nay, Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Điện Phước sản xuất 300 ha lúa và cây bắp, đậu, cần khoảng 600kg phân bón NPK/ha.

Giá các loại vật tư phân bón tăng cao, trong khi sản lượng lúa, bắp sụt giảm do nắng nóng, khô hạn, nếu có bán được cũng chỉ đủ trả tiền công hoặc hoà vốn.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hợp tác xã phải xoay xở bằng nhiều cách để duy trì sản xuất, kinh doanh. “Hiện nay giá vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tăng gấp đôi so với trước, làm cho đời sống người nông dân gặp khó khăn. Việc tiêu thụ lương thực, nông sản làm ra không có lãi thậm chí lỗ. Trước đây, hợp tác xã chỉ đầu tư 2 tỷ đồng mua về được 200 tấn phân bón đủ cung ứng cho bà con nông dân, hiện nay phải đầu tư 4 tỷ đồng mới đáp ứng nhu cầu của bà con. Bà con canh tác mà năng suất ổn định mới hoà vốn còn lại đa số thua lỗ hết”.

Vụ hè thu năm nay, nông dân tỉnh Quảng Nam sản xuất hơn 40.000 ha lúa và hoa màu các loại. Trước tình trạng giá các loại vật tư nông nghiệp tăng cao, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam tập trung tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân áp dụng các tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm phân hoá học, tăng sử dụng phân hữu cơ. Đồng thời, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, như lá cây, rơm rạ, rác hữu cơ… tạo ra nguồn phân hữu cơ tại chỗ phục vụ sản xuất, đảm bảo năng suất cây trồng và bảo vệ môi trường. 

Giá vật tự nông nghiệp tăng cao, tỉnh Quảng Nam gỡ khó cho nông dân.

Ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam còn hỗ trợ một phần về cây giống, thiết bị máy móc, liên kết với các đơn vị giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.  Đồng thời, hướng dẫn người dân chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang canh tác các loại cây có giá trị kinh tế cao để bù đắp lại chi phí vật tư.

Ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, thay đổi phương thức canh tác theo hướng hữu cơ sẽ giúp nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao như hiện nay.

“Ngành Nông nghiệp Quảng Nam đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu trên chân đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị liên quan khuyến cáo bà con nông dân sử dụng phân bón một cách hợp lý, tiết kiệm để giảm chi phí đầu vào.

Ngành Nông nghiệp cũng tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao giảm chi phí đầu vào, nâng doanh thu cho bà con cũng như áp dụng các biện pháp kỹ thuật có liên quan 3 giảm, 3 tăng, áp dụng cơ giới hoá vào đồng ruộng như máy cấy, máy gặt, công nghệ sau thu hoạch" - ông Vũ cho biết.

Theo VOV