Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giải quyết “5 nhất” trong khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

18:45 27/06/2019 GMT+7
Ngày 27.6.2019 tại TP. Hoà Bình, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tỉnh uỷ Hoà Bình đã tổ chức Hội thảo “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Chủ trì Hội thảo có đồng chí Thào

Ngày 27.6.2019 tại TP. Hoà Bình, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tỉnh uỷ Hoà Bình đã tổ chức Hội thảo “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Chủ trì Hội thảo có đồng chí Thào Xuân Sùng –Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN); đồng chí Đỗ Văn Chiến – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá IX về công tác dân tộc; đồng chí Bùi Văn Tỉnh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình. Đến dự hội thảo có đồng chí Hà Ngọc Anh, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương; các đồng chí Phó Chủ tịch, Uỷ viên Ban Thường vụ, lãnh đạo các Ban thuộc Trung ương Hội NDVN; lãnh đạo HND của một số tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Hoà Bình.

Hội thảo là một trong những hoạt động Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khoá IX về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư khoá VII về một số công tác ở vùng dân tộc Mông.

Đồng chí Thào Xuân Sùng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN phát biểu tại Hội thảo.

Phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số đời sống còn lạc hậu, khó khăn, tỷ lệ đói nghèo chiếm trên 50% tổng số hộ nghèo cả nước

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Thào Xuân Sùng khẳng định: Nước ta một quốc gia đa dân tộc, gồm dân tộc Kinh là đa số và 53 dân tộc thiểu số, luôn giữ vững tinh thần yêu nước, đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…  Vùng dân tộc và miền núi nước ta đã có những thay đổi tích cực từ khi có Đảng lãnh đạo và nhất là sau hơn 30 năm đổi mới, tuy nhiên vẫn còn có những khó khăn không nhỏ. Hội thảo lần này nhằm đánh giá tình hình, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện của Hội trong thời gian qua; phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề xuất giải pháp thiết thực hiệu quả để phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi trong thời gian tới.

Cũng trên quan điểm đó, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó trưởng Ban chỉ đạo đánh giá cao Hội NDVN đã tổ chức Hội thảo và chỉ ra “5 Nhất” trong khó khăn về công tác dân tộc hiện nay. “Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho thấy, hiện nay vùng dân tộc thiểu số và miền núi là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế – xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất”- Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Để đánh giá đúng đắn kết quả đạt được, chỉ rõ hạn chế bất cập, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm qua đó đề ra chủ trương giải quyết những khó khăn của “5 Nhất” nói trên, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị các đại biểu tham gia Hội thảo tập trung làm rõ thêm 3 nội dung: Quá trình triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương có thực chất không? đã tương xứng chưa? Những bức xúc nhất của đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi hiện nay là gì? Đề xuất các giải pháp trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội nhằm thu hẹp khoảng cách giữa miền núi, miền xuôi; giao nhiệm vụ cho Hội NDVN trong Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương như thế nào?. Bộ trưởng rất mong được nghe các ý kiến từ thực tiễn của các đại biểu để tiếp thu, bổ sung vào báo cáo trình Bộ Chính trị, Quốc hội.

Bộ trưởng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình – Bùi Văn Tỉnh đánh giá: Đây là dịp để Trung ương và các tỉnh, thành phố đại diện cụm thi đua cả nước đánh giá kết quả đã đạt được trong những năm qua; xác định nội dung trọng tâm trong công tác chỉ đạo, phối hợp, tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi những năm tiếp theo. Đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm trong tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ chung và của từng địa phương. Hội thảo cũng là cơ hội để tỉnh Hòa Bình trao đổi, học tập được nhiều điều bổ ích.

Theo báo cáo tại Hội thảo, hiện đời sống của đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn: Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vùng dân tộc cao nhất cả nước; miền núi Tây Bắc năm 2012 là 28,55%; Đông Bắc là 17,39%; Tây Nguyên là 15,58%; các xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo là 45,0%; cá biệt có những xã, thôn, nhóm dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ nghèo trên 90,0%. Kết quả giảm nghèo thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao; phần lớn các dân tộc thiểu số vẫn trong tình trạng lạc hậu, có mức sống thấp, tỷ lệ đói nghèo chiếm trên 50% tổng số hộ nghèo cả nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe tham luận của đại biểu các Bộ ngành và các tỉnh có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số định cư như: Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Đăk Lăk, An Giang.

Tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc

Việc thực hiện Nghị quyết 24 đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả việc triển khai, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác Dân tộc đến năm 2020. Hàng năm, Hội Nông dân cả nước đều có kế hoạch kiểm tra công tác Hội định kỳ toàn diện, gắn với việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện Nghị quyết, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tham gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc, miền núi.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Ban Chỉ đạọ đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao, sức cạnh tranh yếu, nguồn nhân lực chưa được bồi dưỡng phát triển xứng với tiềm năng, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt. Vai trò tham mưu, đề xuất của một số cơ sở Hội với cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc còn chưa kịp thời; một số nơi cán bộ Hội chưa thực sự sâu sát cơ sở nắm bắt tình hình sản xuất, tâm tư nguyện vọng của hội viên, nông dân.

Nguyên nhân chủ yếu do đồng bào các dân tộc thiểu số nhiều thành phần dân tộc và văn hóa khác nhau sinh sống chủ yếu ở khu vực có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa hình phức tạp, trình độ nhận thức, dân trí của đồng bào còn nhiều hạn chế, tập quán sinh hoạt còn nhiều hủ tục lạc hậu; chuyển biến về nhận thức, tư duy trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của một bộ phận đồng bào chưa mạnh dạn; còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng tổng kết: “Qua Hội thảo, để Hội ND phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt và giai cấp nông dân phát huy vai trò chủ thể (là gốc, là chủ, làm chủ) thực sự trong phát triển kinh tế xã hội ở vùng dân tộc và miền núi, Đảng đoàn và Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN sẽ nghiên cứu tiếp thu một cách nghiêm túc những đề xuất kiến nghị của các đại biểu tại Hội thảo. Trong thời gian tới, Hội NDVN sẽ tập trung giải quyết thành công những vấn đề còn tồn tại và tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc’.

Chu Hồng Châu