Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hà Nội ngăn chặn đốt rơm rạ, rác thải gây ô nhiễm

09:28 26/10/2020 GMT+7
TP.Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ… Chỉ thị nhấn mạnh: Từ ngày 1/1/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và rác thải khác không đúng quy định trên địa bàn

TP.Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ… Chỉ thị nhấn mạnh: Từ ngày 1/1/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và rác thải khác không đúng quy định trên địa bàn thành phố.

Tại cánh đồng của xã Kiến Hưng, người dân đốt những bó rơm cuối cùng khi vụ gặt đã qua 10 ngày. Ảnh Ngọc Thành

Quyết liệt giảm mức ô nhiễm không khí nội đô

Ngày 3/9/2020, tổ chức đo chất lượng không khí thế giới (Air Visual) áp dụng cách tính AQI của Mỹ xếp hạng Hà Nội đứng thứ 5 trong số 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Theo đó, Air Visual cảnh báo ô nhiễm không khí tại nhiều khu vực Hà Nội ở ngưỡng màu đỏ, với giá trị AQI là 179, tương đương mức xấu, có hại cho sức khỏe tất cả mọi người.

Trước thực trạng ô nhiễm không khí đang diễn biến phức tạp, ngày 18/9/2020 UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố.
Đã có nhiều văn bản pháp lý quy định cụ thể về xử lý các phụ phẩm cây trồng, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động trồng trọt; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phân loại, lưu giữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; nghiêm cấm “thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí”… Tuy nhiên, công tác quản lý, giám sát tại địa phương vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế do thiếu chế tài xử lý vi phạm đối với hoạt động đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng.

Chỉ thị 15 yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên giám sát, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương; xây dựng hệ thống giám sát cộng đồng và hệ thống thông tin nhằm phát hiện, tố cáo các hành vi đốt rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; hợp đồng chặt chẽ cũng như quy định rõ trách nhiệm các đơn vị nhận đặt hàng công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn; tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định hiện hành và triển khai các biện pháp khác nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Đến ngày 30/9/2020, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tổ chức tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác theo quy định; đồng thời đánh giá hiện trạng, giải pháp nhằm kiểm soát công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng trên địa bàn quản lý.
Đến ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Từ ngày 01/01/2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố.

Trên các cánh đồng huyện ngoại thành Hà Nội, người dân đốt rơm rạ tại ruộng gây nên cảnh khói trắng dày đặc. Ảnh Ngọc Thành

Vẫn còn tình trạng đốt rơm rạ

Hiện nay, các huyện ngoại thành Hà Nội đang bước vào vụ thu hoạch lúa mùa 2020, hiện tượng người dân đốt rơm rạ đã xuất hiện ở xã Hòa Bình (huyện Thường Tín); các xã Thanh Xuân, Phú Cường, Phú Ninh (huyện Sóc Sơn); các xã Phúc Lâm, Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức)…

Trao đổi về việc này, bà Đào Thị Quỳnh – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Quốc Oai cho biết, hạn chế lớn nhất là nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường. Bên cạnh đó, do thu nhập của một số hộ dân còn thấp nên chưa tự đầu tư kinh phí xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học…

Cũng về vấn đề này, đại diện phòng TNMT huyện Chương Mỹ cho rằng, do việc sử dụng rơm rạ chỉ làm thức ăn cho gia súc, giá thể trồng nấm… còn tồn đọng khối lượng lớn rơm rạ sau thu hoạch. Mặt khác, chế tài xử lý người đốt rơm rạ hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đánh giá, so với những năm trước, tình trạng đốt rơm rạ ở ngoại thành đã giảm. Cụ thể, trong vụ lúa Xuân 2020, tình trạng đốt rơm rạ ở huyện Quốc Oai giảm 15%, huyện Đan Phượng và Sóc Sơn cùng giảm 20%, riêng Đông Anh giảm 25%… Tuy nhiên, số liệu trên cũng cho thấy, tình trạng đốt rơm rạ vẫn còn tiếp diễn, do đó, các địa phương cần quyết liệt vào cuộc triển khai các giải pháp mạnh mẽ mới có thể kéo giảm tình trạng này.

Cần những giải pháp cấp bách

Thực hiện Chỉ thị 15, ông Nguyễn Minh Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ cho biết, huyện đã giao Phòng TNMT phối hợp các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường và sức khỏe. Huyện đã giao các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân và Hội Phụ nữ, đoàn Thanh niên tổ chức cho hội viên, đoàn viên ký cam kết không đốt rơm rạ; đăng ký xây dựng mô hình thu gom và xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ, làm nguyên liệu che phủ cho các vùng trồng cam, bưởi, giá thể trồng nấm…

Phó Trưởng phòng TNMT huyện Mê Linh – bà Phạm Thị Bích Liên thông tin, huyện phối hợp với Sở TNMT Hà Nội đến từng xã để tập huấn, hướng dẫn người dân các phương pháp ủ hoai mục, sử dụng chế phẩm sinh học làm nát rơm rạ ngay tại đồng ruộng.

Còn UBND huyện Sóc Sơn đã yêu cầu các xã, thị trấn ký cam kết không đốt rơm rạ tới từng hộ sản xuất nông nghiệp. Sau khi ký cam kết, nếu hộ dân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định với mức phạt 1-2 triệu đồng/lần vi phạm. Đặc biệt, Chủ tịch UBND xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn…

Thực hiện chỉ đạo của các cấp, các ngành, một số xã của huyện Gia Lâm như Yên Thường, Phù Đổng, Lệ Chi, Văn Đức… xử lý rơm rạ bằng cách cày lấp xuống ruộng, phủ rau vụ đông. Một số xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ như Hữu Văn, Mỹ Lương, Đồng Phú… đã phối hợp với doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa để thu gom rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi và trồng nấm.

Ông Mai Trọng Thái – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, từ năm 2020 thành phố không còn áp dụng chính sách hỗ trợ kinh phí cho các địa phương mua chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Tuy nhiên, xét trên thực tế, để hoàn thành mục tiêu Chỉ thị 15, Sở sẽ tham mưu, đề xuất UBND thành phố khởi động lại chương trình hỗ trợ kinh phí. Đồng thời mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật xử lý rơm rạ làm phân bón cho nông dân.

“Chỉ thị 150 nêu rõ, hiện nay hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch và chất thải rắn sinh hoạt trước khi vận chuyển đến các khu xử lý tập trung diễn ra phổ biến tại các địa phương, làm phát sinh các loạt khí thải như: CO2 (cacbonic), CO (Cacbon monoxit), CH4 (Mêtan), NH3 (Amoniac), SO2 (lưu huỳnh điôxit), bụi mịn PM2.5,… gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng môi trường không khí xung quanh, sức khỏe con người và hoạt động giao thông vận tải. Việc hỗ trợ, sử dụng chế tài xử phạt chỉ là một phần, quan trọng nhất là phải làm thay đổi nhận thức của bà con nông dân, có như vậy mới chấm dứt việc đốt rơm rạ…”.
Ông Mai Trọng Thái – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội.

Quang Minh