Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hà Tĩnh: Xúc động từ những lá đơn xin thoát nghèo

15:54 04/11/2019 GMT+7
Hành động tuy nhỏ nhưng lại chứa đựng những ý nghĩa lớn lao, mang lại những giá trị nhân văn sâu sắc từ các cụ già ở Hà Tĩnh. Những lá đơn xin thoát nghèo đầu tiên đã “mạnh dạn” được gửi lên chính quyền Hà Tĩnh, để nhường lại những suất nghèo đó cho

Hành động tuy nhỏ nhưng lại chứa đựng những ý nghĩa lớn lao, mang lại những giá trị nhân văn sâu sắc từ các cụ già ở Hà Tĩnh. Những lá đơn xin thoát nghèo đầu tiên đã “mạnh dạn” được gửi lên chính quyền Hà Tĩnh, để nhường lại những suất nghèo đó cho những người có hoàn cảnh éo le, khó khăn hơn.

Vợ chồng cụ Lương vui mừng khi việc xin ra khỏi hộ nghèo được nhiều người ủng hộ. Ảnh: P.T

Hơn 15 năm nằm trong danh sách hộ nghèo, mới đây cụ Nguyễn Văn Lương và vợ là cụ Dương Thị Huệ (90 tuổi), trú thôn Liên Hương, xã Thạch Đài (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.

“Ông bà chúng tôi làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo năm 2020 để nhường lại cho hộ khác mặc dầu vợ chồng chúng tôi tuổi đã già, sức khoẻ yếu, bệnh tật liên miên…” là những dòng mở đầu của lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của cụ Nguyễn Văn Lương và cụ Dương Thị Huệ. Nhờ thuộc diện hộ nghèo mà vợ chồng cụ có thẻ bảo hiểm để đỡ chi phí khi mua thuốc men. Nhưng đến nay, khi con cái đã khôn lớn, tự lo được cho gia đình và giúp đỡ bố mẹ thì 2 cụ đã mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường lại những suất này cho người khác, cũng để làm gương cho con cháu.

Đơn xin ra khỏi hộ nghèo của cụ Lương. Ảnh: B.T

“Chứng kiến được nhiều hoàn cảnh gia đình còn khó khăn gấp bội gia đình mình, những đứa trẻ không đủ tiền đi học, những người già neo đơn không nơi nương tựa đã thôi thúc vợ chồng tôi viết đơn này. Chúng tôi đã rất vui vẻ và nhẹ nhõm khi biết mình có thể giúp được ít nhất một vài hoàn cảnh lạc lõng, bơ vơ một phần nào đó để trang trải cho cuộc sống”. Đó là chia sẻ của cụ Nguyễn Văn Lương và cụ Dương Thị Huệ khi tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Nghĩ là làm, cuối tháng 10  vừa qua, hai cụ già 90 tuổi đã trình đơn lên UBND xã Thạch Đài với mong muốn thoát hộ nghèo dù hiểu rằng nếu được chấp thuận, hai cụ sẽ chẳng còn quyền lợi nào nữa từ chính sách này.

Ông Dương Văn Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đài bày tỏ: “Qua nắm bắt tâm tư nguyện vọng, chúng tôi rất ngưỡng mộ tinh thần muốn thoát nghèo của hai cụ và gia đình vì vậy sắp tới chúng tôi sẽ xem xét, giải quyết đơn thư của hai cụ một cách sớm nhất. Việc xin thoát nghèo của hai cụ già 90 tuổi là một tấm gương trong việc nêu cao tinh thần “tuổi cao- gương sáng“, góp phần tuyên truyền, cổ vũ, động viên người dân tìm giải pháp để thoát nghèo, thay vì trông chờ, ỷ lại,”níu” gia đình vào hộ nghèo như trước”.

Cụ Phạm Thị Quỳnh chăm sóc vườn rau. Ảnh: H.T

Ở tuổi 80, nhưng cụ Phạm Thị Quỳnh ở thôn Đồng Lạc ( Đức Lạc, Đức Thọ)  vẫn quyết định viết đơn xin rút khỏi hộ nghèo. Cụ là một trong những người đầu tiên của xã Đức Lạc tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Là hộ thuộc diện nghèo của xã Đức Lạc từ năm 2014 đến nay, hoàn cảnh gia đình cụ Phạm Thị Quỳnh đặc biệt khó khăn, con trai duy nhất đã  mất, 2 con gái lấy chồng xa, cụ sống một mình trong căn nhà nhỏ. Với số tiền trợ cấp hàng tháng, thì thường ngày cụ đi hái lá chuối khô đem bán cho những nhà làm bánh trong vùng để tự trang trải cuộc sống. Năm 2018, với số tiền 40 triệu đồng do nhà nước hỗ trợ, cùng sự giúp đỡ của người thân, xóm làng cụ đã sửa lại được ngôi nhà ngói khang trang hơn.

Với suy nghĩ mình nghèo, nhưng đã được nhà nước hỗ trợ, được sống trong ngôi nhà kiên cố, ở ngoài kia, còn rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, cụ không muốn trông chờ, ỷ lại vào chính sách của nhà nước nữa, cụ đã viết đơn xin thoát nghèo. Cụ Quỳnh chia sẻ: “Dù cuộc sống của tôi vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng con cái đã lớn và có cuộc sống riêng, nên tôi viết đơn xin ra hộ nghèo để muốn nhường lại cho những gia đình khó khăn hơn mình, phải nuôi con cái ăn học, để các cháu được học hành đầy đủ, cha mẹ cũng nhẹ đi phần nào những gánh nặng. Không nghèo nữa mà xin ở lại hộ nghèo đó là gian dối, phải biết nhường cho những người đói khổ hơn mình, đó mới là điều đáng tự hào”.

Có thể thấy, với những lá đơn tự nguyện xin rút khỏi hộ nghèo như cụ Nguyễn Văn Lương và cụ Phạm Thị Quỳnh, sẽ là những tấm gương làm thay đổi nhận thức, tư duy, và là động lực để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất, từ đó làm tốt công tác giảm nghèo bền vững tại các địa phương. Hành động xin rút khỏi hộ nghèo của họ càng làm cho tháng hành động vì người nghèo năm 2019 có nhiều ý nghĩa và thiết thực hơn.

Suy cho cùng, những hộ xin thoát nghèo chưa hẳn là vì họ đã có cuộc sống khấm khá và không chắc sẽ ổn định sau khi hết hỗ trợ… nhưng trong suy nghĩ của họ đó là lòng tự trọng, ý chí tự thân và mong muốn chuyển suất hỗ trợ hộ nghèo của mình cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn họ.

Huyền Trang