Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Một số khoản mà hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ

13:27 21/08/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến hộ nghèo và đã ban hành rất nhiều văn bản quy định việc hỗ trợ hộ nghèo đẩy mạnh sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống. Vậy hộ nghèo được hỗ trợ những gì? Tiến sĩ Trần thị Thu Hà - Giảng viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã có những giải đáp cụ thể xung quanh vấn đề này.
Hội Nông dân xã Tân An (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) phối hợp với MTTQ xã hỗ trợ bò giống cho gia đình anh Hoàng Minh Sơn. Ảnh minh họa

Hộ nghèo được vay vốn ưu đãi

Bạn đọc Phạm Văn Thể (Kon Tum): Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, vậy tôi có được Nhà nước cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh không?

Ngày 04 tháng 10 năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2022/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đó, hộ nghèo là một trong những đối tượng được vay vốn ưu đãi theo quy định tại Nghị định trên. Tuy nhiên, để được vay vốn thì bạn phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 13 và sử dụng vốn vay đúng mục đích theo quy định tại Khoản 1, Điều 14, Nghị định này. Cụ thể là:

- Để được vay vốn, bạn phải có địa chỉ cư trú hợp pháp và phải có trong danh sách hộ nghèo được ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã;

- Bạn chỉ được sử dụng vốn vay để:

+ Mua sắm vật tư, thiết bị; giống cây trồng, vật nuôi; thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh;

+ Góp vốn thực hiện các dự án hợp tác sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch và học tập.

- Lãi suất cho vay ưu đãi do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, thống nhất một mức trong phạm vi cả nước, trừ các tổ chức kinh tế thuộc đối tượng được quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 2 Nghị định này do Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định có phân biệt lãi suất giữa khu vực II và khu vực III.

+ Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để xây, sửa nhà ở

Bạn đọc Khoàng Thị Vân (Lai Châu): Gia đình tôi nghèo lắm, có cái nhà cũng nhiều chỗ hư hỏng rồi. Nay tôi muốn được vay tiền để sửa chữa nhà. Nhà nước cho vay lãi suất thấp không? Nếu được, thì tôi được vay bao nhiêu tiền?

Khoản 1, Điều 2, Quyết định 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg (giai đoạn 2) quy định:

 Hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo quy định của Quyết định này phải là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015, có trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Quyết định này có hiệu lực thi hành tối thiểu 05 năm.

Tuy nhiên để được vay vốn, bạn phải đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2, Điều 2, Quyết định 33/2015/QĐ-TTg

 Mức vay: Theo quy định tại khoản 4, Điều 5 Quyết định 33/2015/QĐ-TTg thì: Hộ gia đình thuộc diện nghèo khi có nhu cầu vay vốn, được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở. Lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay.

 Hộ nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí và hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh

Bạn đọc Vàng A Chư (Lào Cai:) Vợ tôi bị bệnh hiểm nghèo, gia đình tôi lại nghèo, tôi muốn đưa vợ tôi đi bệnh viện chữa bệnh lại lo không có tiền trả. Vậy gia đình tôi có được Bác sĩ chữa bệnh miễn phí không?

Theo quy định tại điểm a, Khoản 9, Điều 3, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế” thì hộ nghèo thuộc nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đóng.

Đồng thời theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 22 Văn bản hợp nhất Luật Bảo hiểm y tế so 28/VBHN-VPQH thì: khi đi khám bệnh, chữa bệnh người thuộc diện hộ nghèo được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy bên cạnh việc cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người thuộc hộ nghèo thì người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh đúng tuyến.

Học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được miễn học phí

Bạn đọc Phạm Văn Con (Cà Mau): Con tôi vừa đỗ vào đại học, nhưng nhà tôi nghèo, không biết có lo được tiền đóng học phí cho cháu ba bốn năm học tập không?

Theo quy định tại khoản 4, khoản 12 Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP thì các đối tượng thuộc hộ nghèo sau được miễn học phí:

“4. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.”

“12. Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.”

Như vậy: Trẻ em học mẫu giáo, học sinh học phổ thông/học tại cơ sở giáo dục thường xuyên có cha/mẹ/cả cha mẹ/ông bà thuộc hộ nghèo; học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp/đại học có cha/mẹ/cả cha mẹ/ông bà thuộc hộ nghèo thì được miễn học phí.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 18, khoản 10 Điều 20 Nghị định 81/2021/ NĐ-CP thì: Trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc diện hộ nghèo còn được hỗ trợ chi phí học tập 150.000 đồng/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác.

Thời gian hưởng theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/1 năm học và thực hiện chi trả 2 lần trong năm vào đầu các học kỳ của năm học .

Hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hàng tháng

Bạn đọc Hồ Văn Phương (Thanh Hóa): Tôi nghe nói Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo có đúng không? Nếu có thì được hỗ trợ bao nhiêu?

Theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 190/2014/TT-BTC thì hộ nghèo thuộc đối tượng được Nhà nước hỗ trợ tiền điện. Mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ được quy định tại Điều 2, Thông tư trên. Cụ thể là:

Hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành là 46.000 đồng/hộ/tháng.

Phương thức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội: Chi trả trực tiếp theo hình thức hỗ trợ bằng tiền từng quý đến hộ nghèo và hộ chính sách xã hội.

Lê Chiên (ghi)

* THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ-TTg