Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chính sách hỗ trợ cho người dân để khôi phục sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai gây ra

Lê Chiên (ghi) - 14:16 12/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đợt mưa lũ vừa xảy ra đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho người dân ở một số tỉnh như Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhiều nhà cửa bị sập, ruộng nương, hoa màu bị hư hỏng; vật nuôi bị thiệt hại, đường giao thông bị sạt lở… Chúng ta đang bước vào mùa mưa bão. Vậy Nhà nước có chính sách hỗ trợ gì cho người dân để khôi phục sản xuất khi bị thiệt hại do bão, lụt gây ra?

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mai (giảng viên Học viện Tư pháp) đã có những trao đổi cụ thể như sau.

Mưa lũ gây ngập lụt ở Hà Giang. Ảnh minh họa

1. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ

 Bạn đọc Nguyễn Thanh An (Quảng Ninh): Được biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ nông  dân bị thiệt hại do bão, lũ. Đề nghị cho biết, ai là đối tượng hưởng chính sách này?

Đúng như bạn biết! Ngày 09.01.2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2017/NĐ-CP quy định “Về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”. Theo đó:

Đối tượng được hỗ trợ gồm hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối (sau đây gọi là hộ sản xuất) bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai.

Tuy nhiên để được xem xét hỗ trợ, hộ sản xuất bị thiệt hại phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4, Nghị định trên.

2. Điều kiện được hỗ trợ

Bạn đọc Thào A Cự  (Cao Bằng ): Nông dân bị thiệt hại do bão lụt  nếu được Nhà nước hỗ trợ cần phải có điều kiện gì?

Căn cứ Điều 4, Nghị định 02/2017/NĐ-CP, thì: Các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau:

- Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.

- Có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản (theo Mẫu số 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng.

- Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.

- Thời điểm xảy ra thiệt hại: Trong thời gian xảy ra thiên tai trên địa bàn được Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương xác nhận;

3. Hỗ trợ cây trồng bị thiệt hại

Bạn đọc Lò Thị Tươi  (Sơn La): Cây cối, hoa màu bị thiệt hại do thiên tai sẽ được Nhà nước hỗ trợ thế nào?

Chỉ một số loại cây trồng quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định 02/2017/NĐ-CP bị thiệt hại mới được Nhà nước hỗ trợ; và mức hỗ trợ như sau:

+ Diện tích lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha;

+ Diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 10 triệu đồng/ha;

+ Diện tích lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 3 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha;

+ Diện tích mạ lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 15 triệu đồng/ha;

+ Diện tích ngô và rau màu các loại thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha;

+ Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha

4. Hỗ trợ đối với sản xuất lâm nghiệp.

Bạn đọc Phạm Quốc Tư (Lâm Đồng): Gia đình tôi trồng rừng, nếu cây rừng  bị thiệt hại do mưa bão thì có được  Nhà nước hỗ trợ không? Nếu được thì hỗ trợ bao nhiêu?

Việc hỗ trợ đối với sản xuất lâm nghiệp quy định tại Khoản 2. Điều 5, Nghị định 02/2017/NĐ-CP. Cụ thể:

Diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; diện tích cây giống được ươm trong giai đoạn vườn ươm bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 40 triệu đồng/ha; bị thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 20 triệu đồng/ha.

5. Hỗ trợ đối với nuôi thủy, hải sản; nuôi gia súc, gia cầm.

Bạn đọc Phạm Văn Tú (Kiên Giang): Đề nghị cho biết chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với thiệt hại do bão lũ đối với nuôi trồng thủy hải sản;  gia súc, gia cầm và sản xuất muối.?

* Mức hỗ trợ đối với nuôi thủy, hải sản được quy định tại khoản 3, Điều 5, Nghị định 02/2017/NĐ-CP, cụ thể là:

+ Diện tích nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 4,1 - 6 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 2 - 4 triệu đồng/ha;

+ Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 7,1 - 10 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 3 - 7 triệu đồng/ha;

+ Diện tích nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 6,1 - 8 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 4 - 6 triệu đồng/ha;

+ Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 20,5 - 30 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 10 - 20 triệu đồng/ha;

+ Diện tích nuôi cá tra thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 20,5 - 30 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 10 - 20 triệu đồng/ha;

+ Lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 7,1 - 10 triệu đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 3 - 7 triệu đồng /100m3 lồng;…

* Mức hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm được quy định tại Điểm a, Khoản 4, Nghị định 02/2017/NĐ-CP, cụ thể là

Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 10.000 - 20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 21.000 - 35.000 đồng/con;

Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 300 - 400 nghìn đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 450 nghìn - 1 triệu đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2 triệu đồng/con;

Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 1 - 3 triệu đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 3,1 - 10 triệu đồng/con;

Trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 500 nghìn - 2 triệu đồng/con; trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2,1 - 6 triệu đồng/con;

Hươu, nai, cừu, dê: Hỗ trợ 1- 2,5 triệu đồng/con.

*Hỗ trợ đối với sản xuất muối: Diện tích sản xuất muối bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha.

 Lưu ý: Các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại chưa được quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 5, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và yêu cầu thực tế tại địa phương để quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.

* THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ-TTG