Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hoàn thiện dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050

07:48 15/04/2022 GMT+7
Ngày 14/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp trực tuyến về dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Hạn mặn khốc liệt tại Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020. Ảnh tư liệu Vũ Sinh/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, đây là vấn đề cấp bách bởi hiện nay, các đối tác quốc tế rất quan tâm và muốn đồng hành với Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt trong chuyển đổi năng lượng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm vấn đề này và đã chỉ đạo quyết liệt nhằm hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP 26.

Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thời gian qua, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với các cơ quan trực thuộc các bộ, ngành liên quan và tổ chức các nhóm chuyên gia xây dựng dự thảo Chiến lược. Trong quá trình xây dựng, Cục đã tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về đề cương dự thảo.

Mục tiêu Chiến lược nhằm giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tích cực đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Chia sẻ về nội dung dự thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Dự thảo Chiến lược nhấn mạnh, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện. Quá trình này cần sự nỗ lực liên tục, kiên định, thống nhất trong nhận thức và hành động.

Dự thảo Chiến lược cũng đặt ra các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Trong đó, chú trọng xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu trước năm 2030; truyền thông, nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu...

Tại cuộc họp, các chuyên gia góp ý về nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong dự thảo Chiến lược; các chương trình, dự án ưu tiên triển khai từ nay đến năm 2030; lựa chọn phương án giảm phát thải cho lĩnh vực năng lượng; nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hóa cam kết COP 26; chủ trương sản xuất các hàng hóa tiêu tốn nhiều năng lượng đủ dùng cho nhu cầu trong nước, không xuất khẩu; chủ trương hạn chế xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho chủ rừng; chủ trương Nhà nước mua lại tín chỉ CO2 để đảm bảo mục tiêu giảm phát thải quốc gia.

Theo Báo Tin Tức