Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội Nông dân An Giang - cầu nối giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp

Minh Khang - 07:03 29/04/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Liên kết sản xuất giúp gắn kết doanh nghiệp với nông dân (ND), tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX); có đầu ra cho nông sản, lợi nhuận được đảm bảo. Hội Nông dân (ND) tỉnh An Giang đã và đang tích cực làm cầu nối hỗ trợ ND liên kết với doanh nghiệp, trong đó có mô hình trồng lúa Nhật mang lại hiệu quả cao.
Hội Nông dân tỉnh An Giang khen thưởng những nông dân hợp tác sản xuất lúa Nhật tiêu biểu trong năm 2021.

Thành công từ mô hình liên kết trồng lúa Nhật

Trước tình hình giá vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón tăng cao, ND trồng lúa gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm nay, Hội ND tỉnh An Giang đã phối hợp Công ty TNHH Angimex Kitoku cùng triển khai mô hình liên kết với ND trồng lúa Nhật. 

Năm 2021, Hội ND và doanh nghiệp duy trì diện tích sản xuất lúa Nhật khoảng 1.760ha đạt 90% kế hoạch sản xuất đề ra. Trong đó, năng suất vụ Đông Xuân đạt 7 - 8,4 tấn/ha, sản lượng hơn 7.000 tấn; vụ Hè Thu năng suất 5-7 tấn/ha, sản lượng hơn 5.200 tấn. 
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội ND các cấp và Công ty TNHH Angimex Kitoku đã tạo điều kiện để cây lúa Nhật trở thành mô hình nâng cao thu nhập cho người ND, nhất là trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.  

Qua cầu nối là Hội ND, nhiều năm liền, Tổ liên kết sản xuất lúa Nhật xã Mỹ Phú Đông (hyện Thoại Sơn) đã ký kết với Công ty TNHH Angimex Kitoku để trồng lúa Nhật. 
Ông Huỳnh Phước Hòa, ND xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn hợp tác với Công ty Angimex - Kitoku sản xuất 4ha lúa Nhật từ vụ Thu Đông năm 2018 đến nay cho biết, khi tham gia sản xuất lúa Nhật, ông cũng như nhiều bà con khác luôn yên tâm về giá cả, không phải lo đầu ra cho sản phẩm vì được công ty ký hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ với giá hợp lý.

Đánh giá về mô hình hợp tác sản xuất lúa Nhật giữa Công ty Angimex Kitoku với bà con ND trên địa bàn, ông Lê Thanh Tùng - Chủ tịch Hội ND xã Mỹ Phú Đông cho biết, nhiều năm Công ty Angimex Kitoku ký kết hợp đồng bao tiêu sản xuất lúa Nhật với ND trong xã cho thấy, khi sản xuất lúa Nhật bà con rất an tâm về giá cả, trong lúc sản xuất giống lúa khác thì giá cả bấp bênh, lên xuống bất thường, ND không quyết định được giá bán, mà phụ thuộc vào thương lái. Năm 2021, Hội ND xã Mỹ Phú Đông tiếp tục vận động đạt 100% kế hoạch sản xuất lúa Nhật.

“Điển hình như giá lúa Hè Thu vừa qua, giá lúa giao động từ 5.100 - 5.500 đồng/kg lúa tươi (tùy từng giống lúa); trong khi đó, giá lúa Nhật hợp đồng bán cho công ty vụ Đông Xuân là 6.600 đồng/kg lúa tươi, vụ Hè Thu và Thu Đông là 6.700 đồng/kg lúa tươi. Đặc biệt, ND đăng ký sản xuất giống cho công ty, công ty mua vào với giá rất cao là 7.900 đồng/kg lúa tươi, nhưng phải sản xuất theo quy trình, hướng dẫn của Công ty" - ông Lê Thanh Tùng - Chủ tịch Hội ND xã Mỹ Phú Đông chia sẻ.

Nếu so sánh, ND sản xuất lúa Nhật sẽ cho lãi, ông Tùng cho hay: “Tính ra, ND trồng lúa Nhật đạt lợi nhuận bình quân từ 20 - 25 triệu đồng/ha, trong khi canh tác lúa thông thường lợi nhuận khoảng 18-20 triệu đồng/ha. Nếu tính cả 100ha của Tổ liên kết sản xuất lúa Nhật, lợi nhuận chênh lệch rất lớn”.

Ông Bùi Văn Tám (xã Hòa Bình Thạnh, Châu Thành) sản xuất 4ha lúa Nhật, năng suất đạt được 7,9 tấn/ha, hồ hởi chia sẻ: “Mần lúa mà biết giá trước, được đảm bảo quyền lợi thông qua hợp đồng, coi như cầm chắc lợi trong tay thì ND yên tâm. Lúc này, chỉ tập trung vào lo canh tác thôi, năng suất cao thì lợi nhuận mình càng nhiều”. 

Nông dân thu hoạch lúa Nhật ở Thoại Sơn (An Giang).

Cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp

Đối với các Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật, Công ty tổ chức họp ND trước khi chuẩn bị mùa vụ mới, trao đổi ý kiến cần bổ sung, khắc phục những vấn đề còn hạn chế. Mọi người đồng thuận, ký hợp đồng, bắt tay vào sản xuất. Đây cũng là nguyên nhân giúp cho mô hình liên kết sản xuất lúa Nhật ngày càng phát triển. Ngoài các khoản hợp đồng chặt chẽ thực hiện đúng quy trình hướng dẫn: Sử dụng giống, gieo cấy, chăm sóc, khử lẫn, phơi khô, rê sạch... ND trực tiếp sản xuất lúa Nhật còn được Công ty thưởng thêm tiền trên từng ký lúa được thu mua và nhiều năm tham gia hợp đồng sản xuất cũng được thưởng thêm.

Trong quá trình canh tác, lực lượng cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Angimex Kitoku và Hội ND các xã đến từng tổ sản xuất để hỗ trợ bà con trong quá trình canh tác. “Từ lúc gieo sạ đến lúc thu hoạch, ND luôn được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh. Vụ Đông Xuân sắp tới, huyện Châu Phú sẽ tập trung phát triển lúa Nhật ở các xã: Bình Chánh, Bình Phú, Đào Hữu Cảnh…”, ông Huỳnh Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội ND huyện Châu Phú chia sẻ.

Từ những kết quả tích cực đạt được, Hội ND tỉnh An Giang và Công ty TNHH Angimex Kitoku tiếp tục triển khai kế hoạch liên kết sản xuất lúa Nhật vụ Đông Xuân 2021-2022 là 1.370ha; vụ Hè Thu 2022 là 1.150ha.

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang cho biết: Năm 2021, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng bằng sự quyết tâm, phấn đấu của các cấp Hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Ban Thường vụ Hội ND tỉnh, phong trào ND đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, các cấp Hội tập trung 3 hoạt động đột phá, đạt và vượt 12 chỉ tiêu. 

 “Điển hình trong thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HNDTW là Ban Thường vụ Hội ND tỉnh An Giang chủ động đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh kết nối doanh nghiệp thực hiện chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ trọn gói, như: Mô hình “lúa rải vụ” với Tập đoàn Lộc Trời, sản xuất lúa Nhật với Công ty Angimex Kitoku". 

Đánh giá về hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và ND, ông Nguyễn Văn Nhiên khẳng định: Việc “bắt tay” với ND là giải pháp phát triển phù hợp với đặc thù và xu hướng phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, để sự hợp tác này có hiệu quả và bền vững, cả doanh nghiệp và người ND cần phải có sự thông cảm với nhau, cùng nêu cao trách nhiệm trên tinh thần tương hỗ. Bên cạnh đó, về lâu dài chính quyền địa phương cần phải có sự tác động, can thiệp nhất định để người ND nâng cao tính chuyên nghiệp, tác phong công nghiệp, tạo nên nền tảng cơ bản, bền vững trong mối quan hệ với doanh nghiệp nói riêng và mục tiêu mang lại lợi nhuận trong phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung.

Theo ông Nhiên, một trong những điều kiện tiên quyết để ND liên kết với nông nghiệp là phải có vùng sản xuất lớn, do đó Hội đã tích cực vận động ND liên kết hình thành các tổ hợp tác, HTX. Trong năm 2021, các cấp Hội đã thành lập mới được 9 Chi hội ND nghề nghiệp, 58 Tổ hội ND nghề nghiệp và 160 tổ hợp tác. Hiện nay, toàn tỉnh có 930 tổ hợp tác với 15.066 thành viên.

Ngoài ra, Hội ND tỉnh phối hợp các sở, ngành đào tạo, tập huấn kỹ năng hoạt động trên sàn thương mại điện tử. Qua đó, giúp nông dân đủ điều kiện tự đưa sản phẩm của mình để giới thiệu và mua, bán trên sàn thương mại điện tử. 

“Năm 2022, Hội ND tỉnh An Giang sẽ hướng dẫn ND tham gia phát triển kinh tế hợp tác, đẩy mạnh thành lập chi - tổ hội ND nghề nghiệp gắn với vùng nguyên liệu lúa - nếp của Tập đoàn Lộc Trời, sản xuất lúa Nhật của Công ty Agimex Kitoku, vùng nguyên liệu chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH Truemilk, vùng chăn nuôi lợn của Công ty Việt Thắng, vùng nuôi cá da trơn của Tập đoàn Nam Việt…”.

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang.