Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Hội NDVN (khóa VII): Cán bộ, hội viên, nông dân đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế

12:16 29/05/2021 GMT+7

Sáng ngày 29/5, tại Hà Nội, T.Ư Hội NDVN đã tổ chức Hội nghị BCH lần thứ 7 (khóa VII). Đồng chí Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN chủ trì và điều hành Hội nghị.

Đồng chí Thào Xuân Sùng – Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN phát biểu khai mạc Hội nghị

Tham dự hội nghị có đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN; Các đồng chí Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN: Phạm Tiến Nam, Đinh Khắc Đính, Bùi Thị Thơm, Nguyễn Xuân Định; các đồng chí đại diện các Ban, bộ, ngành đoàn thể và các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành;

Theo chương trình, Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 7, khóa VII sẽ tiến hành nhiều nội dung, công việc quan trọng. Cụ thể, Hội nghị sẽ triển khai các quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ; kiện toàn chức danh lãnh đạo chủ chốt T.Ư Hội Nông dân Việt Nam.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 7, khoá VII, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung quan trọng: Dự thảo Chương trình hành động của BCH T.Ư Hội NDVN thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hội nghị cũng thảo luận, cho ý kiến, đánh giá công tác Hội và phong trào nông dân 5 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021; xem xét thi hành kỷ luật cán bộ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Thào Xuân Sùng – Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Trong 5 tháng qua, cán bộ, hội viên nông dân, chủ trang trại, giám đốc Hợp tác xã đã thay đổi dần tư duy từ sản xuất nông nghiệp nhỏ sang tư duy sản xuất lớn, từ tư duy sản xuất nông hộ sang tư duy sản xuất kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị với sự liên kết “6 nhà” một cách chặt chẽ theo hình thức tổ chức chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, vượt lên khó khăn bởi thiên tai và dịch bệnh, các cấp Hội đã thực hiện tốt vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào thi đua yêu nước của giai cấp nông dân.

Đặc biệt, đồng bào nông dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Hội Nông dân đã thực hiện rất tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị

Tuy nhiên bước vào triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cán bộ Hội và hội viên nông dân Việt Nam cũng thấy rõ 8 khó khăn, thách thức cần phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương được Đại hội đề ra, từ đó đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động để vượt qua.

Đồng chí Thào Xuân Sùng nêu rõ 8 khó khăn thách thức, đó là: Việt Nam đang chịu những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, và thiên tai xảy ra trên các vùng kinh tế xã hội.

Việt Nam đã và đang hình thành một bộ phân nông dân trí thức hay công nhân nông nghiệp có trình độ, kiến thức và kỹ năng sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị nhưng mới được bước đầu, phần đông vẫn phổ biến là kinh tế hộ, thiếu liên kết nên khó cạnh tranh trên thị trường.

Hiện tại mới có khoảng 8% doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp nên không thể đủ lực chi phối chuỗi giá trị ngành hàng và kết nối cung cầu. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn đã và đang gặp không ít khó khăn về tiếp cận nguồn vốn về ngân hàng và các thủ tục liên quan đến đất đai.

Phần lớn nông dân thiếu kỹ năng sản xuất hàng hoá, thiếu kỹ năng nghề, thiếu vốn và các công cụ sản xuất hiện đại.

Xã hội nông thôn đang biến đổi sâu sắc cơ cấu xã hội, giai cấp, dân số, tộc người, tôn giáo, nghề nghiệp… trên cả mặt tích cực và tiêu cực đòi hỏi phải từng bước vươn lên, khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hoà các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại như Đại hội XIII của Đảng ta đề ra.

Từ tình hình thực tế trên, đồng chí Thào Xuân Sùng đề nghị BCH T.Ư Hội trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội XIII và nhiệm vụ những tháng cuối năm cần quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, cụ thể hóa, tham mưu và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp như: Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể chính trị- xã hội, xã hội nghề nghiệp để xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả mối quan hệ liên minh công nhân- nông dân- tri thức trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; Đồng thời phát động mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong phong trào nông dân; Phối hợp với các bộ, ngành xây dựng thể chế liên kết vùng với vai trò nổi bật của các vùng kinh tế động lực; tập trung xây dựng mô hình và điển hình về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh ở các cụm thi đua về công tác Hội và phong trào nông dân.

Tại hội nghị, đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam trình bày dự thảo báo cáo sơ kết công tác Hội và phong trào nông dân 5 tháng đầu năm; nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021.

Theo đồng chí Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực, tình hình nổi bật nhất trong 5 tháng đầu năm 2021 trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước đã chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn thực hiện tốt sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Thường vụ Trung ương Hội.

Cán bộ, hội viên, nông dân đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”: Vừa chống dịch Covid-19, vừa khắc phục khó khăn để duy trì lao động sản xuất, phát triển kinh tế; tích cực tham gia các phong trào thi đua do các cấp Hội phát động.

Công tác xây dựng tổ chức Hội được chú trọng, củng cố; chất lượng hội viên, chất lượng sinh hoạt của các chi, tổ Hội được nâng lên theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với sản xuất theo mô hình chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp, tổ vay vốn, các loại hình Câu lạc bộ theo nghề nghiệp, theo sở thích trên địa bàn nông thôn.

Quang cảnh Hội nghị.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn có những bất cập, hạn chế.

“Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về vấn đề đầu ra cho sản phẩm, nhất là bà con nông dân trong những vùng có dịch bệnh Covid -19 việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa nông sản đang gặp rất nhiều khó khăn, giá bán giảm mạnh. Trong khi đó, giá cả nguyên liệu đầu vào không ổn định, nhiều loại nguyên liệu đầu vào như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thức ăn chăn nuôi… tăng, làm tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm”- đồng chí Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

Phát biểu đóng góp vào các kết quả đạt được trong thời gian qua ông Trần Bình Quân, Chủ tịch Hội ND Thanh Hóa cho rằng: Các tháng đầu năm 2021, Hội ND tỉnh vừa tổ chức tuyên truyền vận động nông dân phòng chống dịch covid-19 vừa phối hợp bộ ngành phát triển kinh tế ví dụ như thời gian qua Hội đã triển khai dự án trồng cây gai, đây là cây có giá trị kinh tế cao, theo tính toán mỗi hộ gia đình có 2ha trồng gai thì sẽ đảm bảo thu nhập cho 4 người.

Còn đại biểu Trần Trọng Trung, Chủ tịch Hội ND Khánh Hòa: Hiện tại, nông dân Khánh Hòa đang có số lượng lớn nông sản bị ứ động như bưởi da xanh còn 100 tấn, mặc dù giá thành xuống rất thấp, trước kia nông dân bán 60-70 nghìn đồng/kg nhưng thời điểm này giá thành chỉ 16 nghìn đồng/kg, giá xuống thấp mà nông dân không tiêu thụ được; xoài Úc cũng đang tồn 1.000 tấn; Hội đã triển khai các công tác hỗ trợ hội viên nông dân như phối hợp Hội Doanh nghiệp trẻ của tỉnh để tiêu thụ nông sản. Ngoài hỗ trợ cho bà con nông dân tiêu thụ nông sản, đồng thời Hội triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên trong phòng chống covid -19.

Đóng góp phương hướng nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong thời gian tới các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều có chung ý kiến, trong thời gian tới Hội cần tiếp tục triển khai mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ nông dân như: Hội tăng cương phối hợp bộ, ngành để tìm kiếm các thị trường mới trong tiêu thụ nông sản; tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT quy hoạch lại tổng thể về ngành Nông nghiệp; phối hợp với các tổ chức tín dụng Ban hành quy định về hỗ trợ nông dân trong mùa covid…

Trong sáng nay, Hội nghị cơ bản hoàn thành các nội dung theo kế hoạch đề ra.  Các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, xác đáng đối với Dự thảo Báo cáo công tác Hội và phong trào nông dân 5 tháng đầu năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021; Dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật cán bộ Hội.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, đồng chí Thào Xuân Sùng yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo các báo cáo trong thời gian sớm nhất.

Hải Quỳnh