Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khơi dậy khát vọng làm giàu cho nông dân xứ Nghệ

Bùi Ánh - 15:00 29/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Bên cạnh ý chí, tự lực của từng hội viên, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã có nhiều cách thức hỗ trợ, hướng dẫn hiệu quả nâng cao phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” phát triển có chiều sâu….
Ông Nguyễn Cường (đứng đầu) – một trong 2 gương mặt điển hình được Hội Nông dân tỉnh đề xuất nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

Linh hoạt trong hỗ trợ

Có thể nói, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã trở thành điểm tựa cho nhiều hộ hội viên vươn lên phát triển kinh tế. Mặt khác, đây cũng là phong trào đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, từng bước thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.

Để phong trào này hướng đến mục tiêu chung theo kế hoạch đề ra, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tùy vào từng lợi thế của địa phương, hộ gia đình nhằm đáp ứng tối đa nguyện vọng, giải quyết khó khăn vướng mắc để quá trình thực hiện được đồng thuận và đạt kết quả cao.

Một trong số đó phải kể đến điểm mới nhất mà thời gian gần đây Hội đã thực hiện, đó là tổ chức tham quan học hỏi các mô hình kinh tế giữa các hội viên trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để những chuyến tham quan này đi đến thành công, các cấp Hội đã phải lựa chọn những mô hình phù hợp với khả năng, điều kiện để kích thích quyết tâm cố gắng xây dựng và phát triển mô hình kinh tế của hội viên.

Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, phối hợp với các ngân hàng cho vay vốn, doanh nghiệp cung ứng phân bón trả chậm nhằm tạo thuận lợi nhất cho các hộ trong quá trình sản xuất. Minh chứng rõ nhất, trong 6 tháng đầu năm các cấp Hội đã phối hợp với doanh nghiệp cho trên 175.000 lượt hội viên nông dân vay hơn 15.200 tấn phân bón các loại, 82 tấn thức ăn chăn nuôi, 78 nghìn con giống gia cầm, hàng ngàn cây giống, giá trị cho nông dân vay đạt trên 118 tỷ đồng. 

Đồng hành cùng nông dân trên hành trình sản xuất kinh doanh giỏi, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã chú trọng đến công tác chuyển giao, tập huấn khoa học kĩ thuật cho các chủ hộ. Đặc biệt, Hội chú trọng đến đổi mới nội dung chương trình đào tạo kết hợp học lý thuyết, tham quan thực tế và thực hành tại cơ sở sản xuất; phát huy kết quả đào tạo nghề với xây dựng mô hình kinh tế, xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp; kết nối hỗ trợ cung cấp nguyên liệu con giống sản xuất và giới thiệu tiêu thụ sản phẩm… Bình quân mỗi năm các cấp Hội tổ chức khoảng 2.000 lớp đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho hội viên nông dân.

Sản xuất giỏi đi liền với đầu ra sản phẩm cũng phải thông thoáng. Xác định rõ điều đó, Hội ND tỉnh Nghệ An đã xây dựng nhiều chuỗi cửa hàng nông sản sạch để trưng bày, giới thiệu sản phẩm do nông dân làm ra; đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội hỗ trợ xây dựng các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) để hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội ND trong tỉnh đã hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho 139 sản phẩm, trong đó 68 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao,  đồng thời đã chỉ đạo hỗ trợ xây dựng được 6 cửa hàng, nâng tổng số lên 20 cửa hàng kinh doanh nông sản sạch hoạt động có hiệu quả, tổ chức trên 471 gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ tại các lễ hội, các sự kiện chính trị diễn ra trong quý I, quý II. 

Hội Nông dân huyện Anh Sơn tổ chức trưng bày gian hàng các sản phẩm đặc trưng của địa phương nhân dịp 27/7 

Nhiều hạt nhân điển hình 

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi dấu ấn đậm nét qua sự xuất hiện những gương mặt điển hình làm kinh tế giỏi ở nhiều lĩnh vực. Trong đó phải kể đến mô hình của nông dân Phạm Viết Đức (Thanh Hương,  Thanh Chương) với trang trại chăn nuôi tổng hợp và chế biến giò lụa cho doanh thu hàng năm trên 27 tỷ đồng; mô hình chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thịt của anh Lê Quốc Tân (Hưng Nghĩa, Hưng Nguyên) doanh thu đạt 18 tỷ đồng/năm; mô hình chăn nuôi tổng hợp gắn với du lịch cộng đồng của ông Vừ Tồng Pó (Mường Lống, Kỳ Sơn) doanh thu đạt 1,1 tỷ đồng/năm…

Trong số những “bông hoa” điển hình này không thể không nhắc đến ông Nguyễn Cường ở xã Diễn Trung, Diễn Châu. Ông Cường vốn là  một chủ thầu xây dựng, nhập cuộc với ngành Thủy sản, trở thành “vua” nuôi tôm có tiếng của vùng. Hành trình này cũng đánh đổi bằng những chuyến “biệt phái” đi học hỏi khắp nơi. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn trong nhà màng trên diện tích 4ha, gồm 2ha nuôi công nghệ cao, 2ha diện tích chứa lắng và xả thải, hệ thống có 6 ao nuôi mỗi ao có diện tích từ 800m - 1.000m và 1 ao ương vèo tôm giống 200m. Ngoài ra, ông còn có 2ha nuôi tôm ngoài trời. Ông Cường là người đầu tiên đưa mô hình nuôi tôm công nghệ cao về áp dụng tại địa phương.

Ông Cường cho biết, quy trình nuôi tôm được chia thành ba giai đoạn rõ ràng. Giai đoạn đầu tiên là ươm giống tôm từ khi mới 12 ngày tuổi. Thời gian ươm kéo dài từ 20-25 ngày cho đến khi tôm đạt, với mật độ nuôi là 2.500 con/m3 nước. Thời điểm này tôm được chăm sóc kỹ lưỡng để đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất. Giai đoạn thứ hai, tôm lợ được nuôi ở mật độ 500 con/m3 nước trong 20-25 ngày tiếp theo, đến khi đạt trọng lượng 200-250 con/kg. Tôm được theo dõi sát sao về sức khỏe và điều kiện môi trường để đảm bảo phát triển tốt. Giai đoạn cuối cùng, tôm trưởng thành được nuôi với mật độ 200 con/m3 nước cho đến khi tôm đạt trọng lượng 30 con/kg thì xuất bán.

Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào nuôi tôm, hàng năm bình quân gia đình ông Cường đạt thu nhập từ 6 - 7 tỷ đồng. Không những thế ông còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương dao động từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng và việc làm thời vụ cho nhiều lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, ông còn hỗ trợ các hộ gia đình nuôi tôm trên địa bàn về kỹ thuật nuôi, cách lựa chọn con giống, cách phòng trừ bệnh… Ông Cường được Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đề xuất là một trong hai gương mặt điển hình về nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương năm 2024. 
 

Hội Nông dân Nghệ An thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”, Hội Nông dân (HND) tỉnh Nghệ An đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Hội, thúc đẩy các phong trào thi đua ngày càng phát triển.