Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội Nông dân Thanh Hóa làm tốt vai trò "cầu nối" giữa nông dân với doanh nghiệp

Bùi Ánh - Lương Hà - 10:42 13/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthomoi.vn) Lâu nay, giá cả và đầu ra hàng nông sản vẫn là nỗi lo lắng lớn của nông dân Thanh Hóa nói riêng và nông dân cả nước nói chung. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu khoa học, chưa có tính liên kết dẫn đến hàng hóa nông sản chưa mang lại giá trị cao khi bán ra thị trường.

Để giải quyết những khó khăn trên, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân qua đó giúp hội viên, nông dân có cơ hội tiếp cận khoa học - kỹ thuật, tập trung sản xuất đồng bộ với quy mô lớn và hướng đến làm ăn tập thể. Đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng vùng lúa nguyên liệu; tổ chức cho hội viên, nông dân gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học và doanh nghiệp về hình thức liên kết, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình sản xuất.

Bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các đồng chí trong đoàn công tác thăm Chi hội nghề nghiệp sản xuất và dịch vụ cây cảnh thôn Tiên Thành, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn

Đặc biệt, từ sự hỗ trợ đó, đến nay, nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn thay đổi tập quán, áp dụng sản xuất nông nghiệp an toàn, canh tác theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn đã giúp thuận lợi hơn trong việc kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kết nối doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân; đẩy mạnh mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hàng năm, HND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ công tác năm, trong đó có hoạt động phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân như: Tín chấp, nhận ủy thác cho nông dân vay vốn; tín chấp mua vật tư nông nghiệp trả chậm; tập huấn chuyển giao các tiến bộ KHKT, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động… phối hợp triển khai có hiệu quả 40 chương trình phối hợp đã ký với các sở, ngành, doanh nghiệp, đơn vị liên quan để huy động sức mạnh tổng hợp toàn xã hội, tạo nguồn lực hỗ trợ nông dân; đồng thời, từ đó đưa doanh nghiệp về với nông dân, nông thôn.

Hội Nông dân tỉnh và Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác đầu tư chậm trả cho nông dân

Để tạo thêm nguồn vốn cho nông dân, các cấp HND Thanh Hóa đang tín chấp và ủy thác với các Ngân hàng với tổng dư nợ gần 16 nghìn tỷ đồng cho 177.647 thành viên vay; Xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn Quỹ HTND toàn tỉnh 63,834 tỷ đồng cho gần 3.238 lượt hộ vay ở 702 dự án; các dự án đã và đang thực hiện xây dựng hàng trăm mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ ngành nghề mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và đảm bảo vệ sinh ATTP, bảo vệ môi trường. Các cấp Hội đã phối hợp với nhiều Công ty, Doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh cung ứng 140.300 tấn phân bón chậm trả, trị giá hơn 11 nghìn tỷ đồng; phối hợp cung cấp giống, phân bón qua lá, phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học… để chăm sóc cây trồng, xử lý đất, xử lý gốc rơm rạ sau thu hoạch. Tổ chức mở 15.448 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.237.928 lượt người; hướng dẫn xây dựng được 1.817 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghiệp cao, gắn với xây dựng chuỗi giá trị … Qua đó đã giúp nông dân nâng cao nhận thức, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các tiến bộ KHKT, lựa chọn đưa các giống cây, con có năng suất, hiệu quả cao vào sản xuất.

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa và Công ty Bảo hiểm PVI Thanh Hóa trao thỏa thuận hợp tác thực hiện chương trình an sinh xã hội, phúc lợi cho hội viên, nông dân

Nhiều nông dân mạnh dạn liên kết đầu tư theo nhóm hộ, tổ sản xuất và vươn lên hình thức kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác cao hơn. Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội trong tỉnh đã tham gia vận động, hướng dẫn xây dựng được 89 sản phẩm OCOP; tổ chức đào tạo tập huấn sản xuất theo quy trình VietGAP cho 8 sản phẩm và thiết kế tem nhãn, truy xuất  xuất xứ cho sản phẩm; thành lập 752 tổ hợp tác, 131 hợp tác xã và thành lập được 149 doanh nghiệp; phối hợp với Bưu điện các huyện, thị, thành phố tổ chức được 26 lớp tập huấn cho gần 1.800 học viên về cách vận hành và đưa sản phẩm bán hàng trên sàn Thương mại điện tử Postmart.vn, đến nay đã đưa 138 sản phẩm của hộ, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng 175 cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch, an toàn.

HND Thanh Hóa phối hợp với HND các tỉnh, thành phố và hệ thống HND trong tỉnh kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Bên cạnh đó, HND tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Bảo hiểm PVI thực hiện "Chương trình an sinh xã hội, phúc lợi cho hội viên, nông dân"; Cung cấp cho cán bộ, hội viên nông dân nhiều sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe… Cụ thể hóa hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân; Trực tiếp và phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội; các công ty, doanh nghiệp; các trường cao đẳng nghề… tổ chức 1.136 lớp dạy nghề cho hơn 41.000 lượt hội viên nông dân, giúp được 20.420 người lao động có việc làm trong nước, hơn 8.602 lao động có việc làm ở nước ngoài.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các Công ty, Doanh nghiệp tư vấn đào tạo nghề, xuất khẩu lao động cho hội viên nông dân

HND tỉnh được UBND tỉnh Thanh Hóa giao chủ trì phối hợp với các sở, ngành và các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh tham gia "Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam" năm 2022 tại tỉnh Sơn La được đánh giá cao: Đã tổ chức 4 gian hàng trưng bày, giới thiệu hơn 40 sản phẩm OCOP đặc trưng của Thanh Hóa tại hội chợ và 01 gian hàng điện tử trên sàn Thương mại điện tử; các đơn vị, doanh nghiệp, HTX tham gia Hội chợ đã kết nối được 25 đơn vị làm đại lý bán hàng, 02 nhà phân phối độc quyền và đưa sản phẩm vào 147 siêu thị trên toàn quốc. Thông qua hoạt động tham gia gian hàng tại Festival đã khẳng định sự đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp và các cấp Hội với nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp; tạo động lực, cầu nối để thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đầu tư xây dựng thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên thị trường trong nước và nước ngoài, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Những kết quả đạt được trong những năm qua đã khẳng định rõ vai trò của tổ chức Hội trong việc tạo nên “cầu nối” giữa nông dân và DN, để kịp thời phát triển theo xu hướng chung. Trong thời gian tới, HND tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đưa quá trình liên kết đi vào chiều sâu hơn. Ngoài ra, việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tư duy sản xuất, tiến tới cùng nhau hợp tác dưới “mái nhà chung” tổ hợp tác, hợp tác xã cũng đang được các cấp Hội ở các địa phương đẩy mạnh. Khi tư duy canh tác thay đổi, người nông dân mới có thể chủ động trong sản xuất nhằm mang lại lợi nhuận và thu nhập tốt hơn.