Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đổi mới trên quê hương Nho Quan

Việt Tùng - 07:37 22/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - ​​​​​​​Là một huyện miền núi với nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, đến nay, 100% các xã của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Miền sơn cước nay đã "thay da, đổi thịt".
Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình trao Bằng công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Nho Quan.

An toàn khu xưa và nay

Nằm ở phía Bắc huyện Nho Quan, xã Xích Thổ có địa thế hiểm yếu, núi đồi bao bọc chở che, là vùng tự do hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền cách mạng, cầu nối quan trọng, huyết mạch giữa Liên khu 4 với Khu 3, với chiến khu Việt Bắc. Với vị trí chiến lược đó, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) và chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975), nơi đây được lựa chọn để nuôi giấu và phát triển phong trào cách mạng, là nơi cất giấu quân, lương, nơi tập kết của nhiều đơn vị quân đội để huấn luyện, là điểm xuất phát tiến công quân thù. 

Theo lịch sử Đảng bộ xã Xích Thổ ghi lại, ngày 1/3/1947, Huyện ủy Lạc Thủy (giai đoạn này, xã Xích Thổ thuộc huyện Lạc Thủy, tỉnh Hà Nam) quyết định thành lập Chi bộ Đảng xã Xích Thổ tại nhà đồng chí Vũ Văn Xứng, làng Thượng (nay là thôn Minh Long, xã Xích Thổ). Đây là chi bộ xã đầu tiên của Đảng bộ huyện, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng quần chúng. Từ đây mọi hoạt động của các tổ chức cách mạng trong xã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. 

Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt, dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần yêu nước, nhân dân Xích Thổ luôn vững tay cày, chắc tay súng, giặc đến là đánh, giặc đi lại sản xuất, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tài sản của quốc gia, bảo vệ an toàn tính mạng cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, an toàn cho hoạt động của một số cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước, quân đội và công an đóng tại địa phương. 

Người dân Xích Thổ nhường cơm sẻ áo cho đồng bào tản cư, cán bộ và chiến sỹ. Nhiều bà mẹ nhận thương binh về nhà nuôi dưỡng, như bà Vũ Thị Bình đón anh Nguyễn Văn Chính quê ở Hưng Yên, bà Hoàng Thị Sít nuôi thương binh Hoàng Văn Phát quê ở Hà Tây, bà Trịnh Thị Mỳ nuôi thương binh Nguyễn Văn Tập... Và còn biết bao bà mẹ, gia đình khác là tấm gương tiêu biểu cho thế hệ yêu nước, một lòng sắt son với Đảng, với cách mạng. 

Ở Xích Thổ, mỗi ngọn núi, dòng sông đều thấm đẫm câu chuyện lịch sử, những trận đánh oai hùng: Những trận địa pháo trên đồi Sông (thôn Đại Hòa), đồi Ma (thôn Đức Thành) hay dấu tích về căn hầm nơi ở và làm việc của đồng chí Đỗ Mười tại đồi Số (thôn Hồng Quang), bia kỷ niệm Trường quân chính Nguyễn Huệ tại đồi Sông (thôn Khánh Thiện)… Năm 1996, Xích Thổ được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã An toàn khu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. 

Phát huy truyền thống cách mạng, bài học về sức mạnh đoàn kết toàn dân trong thời kỳ kháng chiến, Đảng ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua lao động, sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. 

Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Xích Thổ chia sẻ: "Truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của thế hệ cha anh là niềm tự hào và động lực tiếp sức Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đồng lòng xây dựng quê hương trở thành vùng quê đáng sống". 

Phần thưởng 150 triệu đồng cho xã Xích Thổ khi đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Theo đó, năm 2017, xã Xích Thổ được công nhận đạt chuẩn NTM, năm 2022 đạt chuẩn NTM nâng cao và đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Trong phong trào này người dân đã hiến gần 10ha đất để xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng, đóng góp hơn 1 tỷ đồng và hàng trăm ngày công lao động. Bức tranh NTM trên địa bàn ngày càng rõ nét, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. 

Khác với xã Xích Thổ, Thạch Bình là xã có diện tích rộng nhất huyện Nho Quan với trên 100 km đường giao thông các loại. 12 năm về trước, ở xã miền núi nghèo của huyện này, đời sống nhân dân khó khăn, 100% đường liên xã, thôn còn là đường đất lầy lội, trơn trượt mỗi khi mùa mưa bão về. Nền kinh tế của xã chủ yếu vẫn dựa vào nông - lâm nghiệp là chính, khó khăn bủa vây đời sống của người dân.

Mặc dù là xã đặc biệt khó khăn, địa bàn rộng, xa trung tâm, có 50% dân số là người dân tộc thiểu số, 20% theo đạo công giáo, song Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây luôn đoàn kết, quyết tâm, huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn vào năm 2021, vượt 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Ông Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã chia sẻ, nhờ những cách làm sáng tạo, diện mạo làng quê Thạch Bình đã có nhiều chuyển biến rõ nét, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư cơ bản, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong xây dựng NTM, xã đặc biệt quan tâm tới xây dựng nông thôn văn minh, người dân không chỉ được nâng cao cuộc sống vật chất mà còn có đời sống hạnh phúc. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường phải được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia tích cực của nhân dân, sau hơn 12 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến năm 2021, Thạch Bình đã hoàn thành 20/20 tiêu chí nông thôn mới. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã lên tới 14,78% thì đến tháng 10/2024, tỷ lệ này còn 3%.

Đoàn kiểm tra đánh giá kết quả xây dựng NTM ở xã Xích Thổ chụp ảnh lưu niệm tại cổng chào thôn Hồng Quang.

Ông Bùi Văn Thể, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nho Quan nhấn mạnh, những nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã đã góp phần vào kết quả xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn. Hoạt động hiệu quả của các hợp tác xã đã góp phần hoàn thành tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, thể hiện rõ nét ở lĩnh vực sản xuất theo quy hoạch với nhiều cánh đồng lớn, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực đủ lớn để tham gia thị trường trong nước và phục vụ chế biến xuất khẩu.

Sức sống mới trên vùng đất khó

Là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Ninh Bình, Nho Quan bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM với cơ sở hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, giao thông thủy lợi nội đồng xuống cấp, ruộng đồng nhỏ lẻ manh mún. Huyện có địa bàn rộng, địa hình đồi núi chia cắt, cư dân sống rải rác, cơ sở hạ tầng thấp kém, tập quán canh tác lạc hậu. Cùng với đó, chất lượng cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ đạt 14,86 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo tới 11,69%.

Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Nho Quan đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; xây dựng lộ trình, hướng đi phù hợp với từng xã, với quyết tâm tạo sự chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới.

Huyện đã ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các địa phương, nhất là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nâng cấp, làm mới các tuyến đường giao thông, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu giao thương và sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Huyện Nho Quan xây dựng NTM gắn với bảo tồn văn hóa, kết hợp với du lịch (ảnh Báo Ninh Bình)

Sau hơn 12 năm thực hiện Chương trình, huyện đã huy động tổng kinh phí đầu tư xây dựng NTM đạt gần 9.000 tỷ đồng, trong đó huy động nguồn lực từ nhân dân tham gia chiếm hơn 14%. Đặc biệt, người dân đã hiến trên 74ha đất và gần 266 nghìn ngày công lao động. Đến nay, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; hộ nghèo giảm còn 1,01%. Đời sống của bà con đã được nâng lên đáng kể.

Đến nay, 7/7 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 2/7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao là Cúc Phương và Văn Phương. Đây là điều kiện quan trọng để hướng đến phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách về thu nhập với vùng phát triển, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tạo luồng sinh khí mới, làm "thay da, đổi thịt" khu vực nông thôn. Diện mạo NTM dần khởi sắc; cơ sở hạ tầng ngày một khang trang; kinh tế địa phương ngày càng được củng cố phát triển đi lên, cuộc sống người dân được cải thiện, nâng cao. Những thành quả trong xây dựng NTM đã và đang tạo bước chuyển tích cực trong đời sống người dân miền sơn cước.

Theo đó, Nho Quan đang phấn đấu giai đoạn 2025-2030 là huyện NTM nâng cao. Trước mắt, năm 2025, huyện đặt mục tiêu giá trị sản xuất đạt 140 triệu đồng/ha, thu nhập trên 75 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống dưới 1%...

Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Huyện chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh theo chương trình OCOP, phát triển, nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, hướng đến trở thành miền quê đáng sống.

Hành trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thông minh ở Yên Khánh
Đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2018, năm 2024 đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đang phấn đấu xây dựng NTM kiểu mẫu, thông minh, với điểm khởi đầu từ những “hạt nhân” thôn, xóm…