Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với đoàn Nepal

Tuệ Anh - 15:57 26/07/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 26/7/2023, tại cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương đã có buổi làm việc, chia sẻ kinh nghiệm với đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Chăn nuôi của đất nước Nepal.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Ủy viên BTV, Trưởng ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân Việt Nam chia sẻ thông tin với Đoàn của Nepal

Về phía Nepal có 22 thành viên, trong đó có ông Durga Prasad Pandit – Vụ trưởng, Trưởng đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi Nepal cùng với các thành viên đến từ nhiều cơ quan, ban, ngành khác nhau của Nepal.

Chia sẻ một số thông tin về đất nước Nepal, ông Durga Prasad Pandit cho biết: Đây là đất nước của phật giáo, Nepal có 80% diện tích là đồi núi, 60% dân số làm nông nghiệp và tỷ trọng GDP của Nepal có 35% đến từ ngành Nông nghiệp.

Hiện nay, Nepal cũng đang đối mặt với tình trạng người trẻ không thích làm nông nghiệp, họ thoát ly lên thành phố làm thuê hoặc vào các khu công nghiệp, nghề nông rơi vào tay những người già…. Chính vì vậy, Đoàn mong muốn tìm hiểu về thông tin về an ninh lương thực, chuỗi giá trị trong nông nghiệp và cho vay trong nông nghiệp tại Việt Nam. Đặc biệt là tìm hiểu về hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam; những hỗ trợ của Hội dành cho nông dân; khó khăn, thách thức và bài học kinh nghiệm của Hội trong công tác hỗ trợ nông dân.

Ông Durga Prasad Pandit – Vụ trưởng, Trưởng đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi Nepal chia sẻ tại buổi tiếp.

Tại buổi tiếp, bà Nguyễn Thị Kim Hoa đã thông tin đến Đoàn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam các cấp. Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp nông dân. Hội có vị trí, vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa Hội với hội viên, nông dân, là nơi trực tiếp thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nông dân; nắm và phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân với Đảng, chính quyền. Hiện nay, Hội có hơn 10 triệu hội viên.

Hội Nông dân Việt Nam có 3 chức năng chính là: (1) Tập hợp, tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, nông dân phát huy quyền làm chủ, tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt; (2) Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân; tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh và đời sống; (3) Đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với 3 chức năng trên, Hội Nông dân Việt Nam có 6 nhiệm vụ:

(1) Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân hiểu và tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết, chỉ thị của Hội. Khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo của nông dân.

(2) Vận động, tập hợp, làm nòng cốt tổ chức các phong trào nông dân phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng nông thôn mới.

(3) Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của hội viên, nông dân. Trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn; hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề và chuyển giao khoa học công nghệ giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường.

(4) Đoàn kết, tập hợp đông đảo nông dân vào tổ chức Hội, phát triển và nâng cao chất lượng hội viên. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về mọi mặt; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

(5) Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

 (6) Mở rộng hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác, khai thác nguồn lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật, quảng bá hàng hoá nông sản, văn hoá Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Các đại biểu tham dự buổi tiếp.

Hiện nay, Hội Nông dân Việt Nam đang tập trung thực hiện 7 hoạt động trọng tâm trong hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Cụ thể: Một là, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nông dân; hai là, tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; ba là, Nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh; bốn là, cung ứng vật tư đầu vào sản xuất cho nông dân; năm là, kết nối tiêu thụ nông sản; sáu là, tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; bảy là, dạy nghề và tổ chức dạy nghề cho nông dân.

Sau khi nghe những thông tin về Hội Nông dân Việt Nam, ông Durga Prasad Pandit cũng cho biết thêm, hiện nay ở Nepal cũng có các nhóm nông dân nhỏ hoạt động cùng nhau, chưa có tổ chức nào lớn, có tính đại diện như ở Việt Nam và chỉ có Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi là có liên quan đến nông dân.

Nhiều các thành viên trong Đoàn cũng mong muốn được Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ nhiều thông tin về hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Nông dân, về cung ứng vật tư nông nghiệp và hỗ trợ tiêu thụ nông sản; đồng thời giải đáp những thắc mắc xung quanh vấn đề cho vay vốn, tổ chức Hội các cấp, mô hình hoạt động...

Kết thúc buổi tiếp, bà Nguyễn Thị Kim Hoa bày tỏ mong muốn hai đất nước Việt Nam và Nepal luôn giữ vững tình hữu nghị, hòa hiếu và tăng cường hợp tác về nhiều mặt trong thời gian tới. Bà Hoa cũng chúc Đoàn có chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm ý nghĩa và hiệu quả.