Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khai ấn đền Trần, nét đẹp văn hóa đầu Xuân

Minh Tú - 07:31 23/02/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Lễ Khai ấn tổ chức đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng hàng năm tại Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) là tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa). Tục lệ này không chỉ mang đậm giá trị văn hóa tâm linh, một dạng văn hóa phi vật thể mà còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Từ một thủ tục hành chính thời phong kiến

Lễ khai ấn vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc và được các triều phong kiến Việt Nam thực hiện theo. Thời nhà Minh, mở đầu năm mới vào khoảng mồng 4 Tết, đến đời nhà Thanh, lễ khai ấn chuyển sang rằm tháng Giêng và quy chế này cũng được triều đại phong kiến Việt Nam theo. Trước khi nghỉ Tết, các đơn vị hành chính của Nhà nước phong kiến có lễ đóng ấn và lễ khai ấn với sự tham gia của 7 làng chỉ mang ý nghĩa mở đầu một năm mới may mắn, hanh thông. Châu bản nhà Nguyễn còn ghi rõ các quy định tổ chức lễ khai ấn như thế nào. Theo đó, có thể thấy rõ, khai ấn chỉ là một việc làm đánh dấu thời điểm bắt đầu hoạt động trở lại sau khi nghỉ Tết của các đơn vị hành chính thời phong kiến.

Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, lịch sử của Lễ hội Khai ấn đền Trần bắt nguồn từ một tập tục của triều đại nhà Trần – triều đại phong kiến kéo dài và hùng mạnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với chiến công hiển hách ba lần đánh tan quân Nguyên Mông – đạo quân xâm lược; được mệnh danh là “bách chiến bách thắng”.

Tam quan khu di tích Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định)

Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ Nhất, ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường, vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc. Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức khai ấn để tế lễ trời đất, Tổ tiên; phong chức tước cho những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần.

Sau này trên nền phủ Thiên Trường, nhân dân đã xây dựng khu di tích đền Trần đề thờ 14 vị vua, Trần Hưng Đạo cùng các quan văn, võ, đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc.

Đến một nét đẹp văn hóa mãi lưu truyền

Tục truyền, vua Minh Mạng khi đi qua Ninh Bình có ghé thăm Đền Trần và cho khắc lại ấn mới, ấn cũ hiện nay vẫn thất lạc. Ấn cũ khắc là “Trần triều chi bảo”, ấn do vua Minh Mạng cho khắc lại là “Trần triều điển cố” để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu “Tích phúc vô cương”.

Ấn đền Trần "Trần miếu tự điển" là chiếc ấn được dùng để đóng ấn dịp Lễ hội Đền Trần hiện nay. Ấn hình vuông, làm bằng gỗ, được chế tạo vào thời Nguyễn, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Hai mặt Đông-Tây của viền ấn khắc hình 2 con rồng, mặt Nam của viền ấn khắc chìm 4 chữ "Tích phúc vô cương".

Ấn "Trần miếu tự điển" được dùng hiện nay

Có thể nói hiện nay, Lễ hội Khai ấn Đền Trần Nam Định được tổ chức vào dịp đầu Xuân hằng năm nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều nhà Trần đã có công dựng nước khai sông, lấn biển mở mang bờ cõi với hào khí Đông A sáng ngời. Nghi lễ khai ấn đền Trần được tổ chức với ý nghĩa nhân văn cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người chung hưởng lộc ấn, tích phúc vô cương.  

Được biết, Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 20/02 đến ngày 25/02 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng). Trong đó, ngày 11 tháng Giêng (20/02) tổ chức Lễ rước kiệu Ngọc Lộ.

Ngày 12 tháng Giêng (21/02) tổ chức Lễ rước Nước, tế Cá. Ngày 14 tháng Giêng (23/02): từ 22h15 đến 22h40 thực hiện nghi lễ dâng hương; từ 22h40 đến 23h10 tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn; từ 23h15 thực hiện nghi lễ Khai ấn.

Ngày 15 tháng Giêng (24/02), từ 2h00 thực hiện nghi lễ hồi Kiệu ấn; từ 5h00 tổ chức phát ấn cho người dân và du khách ở các điểm: nhà Giải Vũ tại Cung Thiên Trường, Đền Cố Trạch và nhà trưng bày tại Cung Trùng Hoa. Ngày 16 tháng Giêng (25/02) tổ chức tế, lễ Tết Thượng nguyên tại Đền Cố Trạch và làm lễ dâng Chúc văn hoàn cung…

Ngoài ra, để Lễ hội Khai ấn đầu Xuân năm nay thực sự trở thành “điểm đến” hấp dẫn du khách gần xa, nét mới của Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân năm nay, Ban tổ chức lễ hội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi như: biểu diễn trống hội cà rùng; chơi cờ bỏi; tổ tôm điếm; múa lân - sư - rồng; thả diều sáo; hát Chèo; hát Văn; hát Xẩm; múa rối nước; tổ chức Chương trình “Mùa Xuân thượng võ”, biểu diễn võ thuật, thi đấu vật; các chương trình nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh; trưng bày triển lãm sinh vật cảnh, giới thiệu các sản phẩm OCOP Nam Định; Triển lãm “Hành cung Thiên trường - Dấu ấn vàng son”, triển lãm “Ảnh đẹp du lịch Nam Định”...

Ấn Đền Trần sẽ phát không giới hạn
Lễ khai ấn Đền Trần (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 20-2 (tức từ 11 đến 16 tháng giêng). Nhằm bảo đảm an toàn cho du khách tham dự, ban tổ chức (BTC) lễ hội đã cho lắp camera an ninh tại khu vực làm lễ