Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khoán hộ, Khoán 10 và ý nghĩa “lòng Dân trở thành ý Đảng”

Hoàng Trọng Thủy - 07:04 01/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ “Khoán hộ” đến “Khoán 10”, dù nhìn gần hay xa, giai cấp nông dân bao giờ cũng là cơ sở chính trị, lực lượng hùng hậu của Đảng. Nông thôn bao giờ cũng là tương lai của nông nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc (ngồi đầu tiên bên trái) thăm và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tại xã Lãng Công, huyện Lập Thạch (nay là huyện Sông Lô) năm 1966. Ảnh TL

“Nông nghiệp là thước đo độ bền của quốc gia”(1). Vì thế mà các hoạt động vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng phải trở thành ý thức thường trực, thành “phản xạ” của mỗi tổ chức và cán bộ, đảng viên trong đổi mới, sáng tạo giá trị mới trong quá trình phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân hạnh phúc…

1. Chủ trương hợp tác xã hóa nông nghiệp (HTXNN) từ cấp thấp (thôn) lên cấp cao (xã) đến năm 1964 đã cơ bản hoàn thành. Trọng trách của người nông dân và HTX là sản xuất và đảm bảo lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam, Campuchia, Lào. Hạt gạo “chia 4” ấy được sản xuất ra trong điều kiện ruộng đất, sức lao động do HTX quản lý và điều hành; khoa học kỹ thuật (KHKT) nghèo nàn, vật tư đầu vào: Giống cây, con, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thú y…đều tự lo, tự chủ. Việc áp dụng cơ chế tập trung bao cấp làm cho nông dân không tha thiết với đồng ruộng, sản xuất kiểu đối phó, năng suất thấp, hiện tượng “dong công, phóng điểm” diễn ra khá phổ biến, đời sống nhân dân gặp khó khăn, thiếu đói diễn ra thường xuyên. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề bức bách cần được giải quyết trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn tại nhiều địa phương ở miền Bắc lúc bấy giờ.

Tỉnh Vĩnh Phúc, vụ Đông Xuân 1965 - 1966 gặp thời tiết xấu, sản lượng lúa toàn tỉnh giảm 20%. Một xã ở huyện Lập Thạch tự chia ruộng HTX cho các hộ để chủ động sản xuất - ngay lập tức, nạn đói của người dân xã này được giải quyết. Trong nhiều chuyến đi khảo sát cơ sở, về với Dân - Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã hiểu thấu và nói rằng “Không, lỗi không ở những người này”(2). Bằng tư duy đổi mới và quyết tâm - Bí thư Kim Ngọc cùng tập thể cấp ủy tỉnh đã quyết định cho HTX thôn Thượng Xã, huyện Vĩnh Tường thí điểm “giao khoán” sản xuất cho nhóm, cho lao động và hộ nông dân vào vụ mùa năm 1966, sau đó mở rộng đến 12 xã khác, dưới hình thức “Điều tra thực tế”. 

Từ kết quả làm thử và bài học kinh nghiệm - Nghị quyết số 68 ngày 10/9/1966 “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay” của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc được ban hành (nhân dân gọi là “Khoán hộ”) được cân nhắc kỹ trên nhiều mặt, đề cập hàng loạt vấn đề quan trọng và bất cập. Nổi bật nhất là phải giải quyết việc sử dụng hợp lý sức lao động nông nghiệp và tăng năng suất lao động nông nghiệp. Trong đó, đề ra hướng sử dụng công lao động XHCN, kiên quyết thực hiện bằng được, đúng và tốt chế độ ba khoán: Khoán việc cho nhóm, cho lao động và cho hộ. Chủ trương “Khoán hộ” chính thức ra đời, với 4 nội dung (a) Khoán hộ một số khâu trong nhiều khâu sản xuất; (b) Khoán hộ các khâu dài ngày hoặc suốt vụ; (c) Khoán sản lượng cho hộ, cho nhóm; (d) Khoán trắng ruộng đất cho hộ.

“Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc, đã giải quyết một vấn đề rất cơ bản là giải phóng sức sản xuất đang bị kìm hãm bởi cơ chế quản lý không phù hợp, xa rời thực tiễn. Đồng thời phát huy sự chủ động, những tiềm năng dồi dào trong nhân dân, khắc phục tình trạng dân chủ hình thức, biến người nông dân thành người chủ đích thực trong sản xuất nông nghiệp (SXNN). Chủ trương và cách thức “khoán hộ” đã khơi dậy tính sáng tạo, phù hợp với lòng dân nên nhanh chóng đi vào đời sống thực tiễn. Chỉ sau 2 vụ năm 1967, đã có 4 huyện, 46 xã, 160 HTX đạt năng suất 5- 6 tấn/ha. Sản lượng lúa của tỉnh đạt 222.000 tấn (tăng 4.000 tấn), đàn lợn tăng 22% so với năm 1966(3) - nạn đói ở nông thôn chấm dứt - Thành tích ấy, chưa từng có ở các HTX ở miền Bắc lúc bấy giờ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với bà con dân tộc và tham gia hái chè cùng bà con xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên ở thời điểm đó, “Khoán hộ” bị coi là “đốt cháy giai đoạn”, là “vượt rào”, không phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa của Trung ương. Nhưng thực tế “Khoán hộ” vẫn lan tỏa, với 75% số HTX ở miền Bắc thực hiện. Vì thế, ngày 13/01/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW “Về mở rộng công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã”. 

Đọc kỹ nội dung chính sách thì thấy tính đổi mới, đột phá của Chỉ thị 100 vẫn còn những hạn chế, vẫn hướng vào củng cố vai trò của phương thức tập thể hóa tư liệu sản xuất, tổ chức quản lý và sử dụng lao động, quản lý và phân phối sản phẩm… đã hạn chế mức tối đa có thể quyền tự chủ của kinh tế hộ gia đình. Phạm vi của Chỉ thị 100 là từng bước trả lại quyền tự chủ cho kinh tế hộ, ở những khâu và mức độ nhất định - khi mà Nhà nước và HTX không đủ sức quản lý mọi lĩnh vực, mọi khâu của kinh tế nông nghiệp. Mặc dù Chỉ thị 100 đã đi nhanh vào cuộc sống. Song, đã bộc lộ những hạn chế: Nhà nước và HTX đã không bảo đảm được 5 khâu sản xuất (làm đất, giống, nước, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh). Mặt khác, việc điều chỉnh mức khoán năm sau cao hơn năm trước đã dần triệt tiêu động lực phát triển của kinh tế hộ gia đình. Ví như tỉnh Thái Bình, “Từ cuối năm 1985 đến năm 1988, nhịp độ phát triển chậm dần, cơ cấu sản xuất và kinh tế dừng lại, thế độc canh, tự cấp tự túc quay trở lại”(4).

2.Trước thực trạng đó, ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” (Nông dân gọi là “Khoán 10”). Khoán 10 đề cập toàn diện các khâu sở hữu, tổ chức quản lý và sản xuất phân phối - lưu thông trong SXNN; quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của người nông dân đối với Nhà nước; về mối quan hệ giữa kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể và kinh tế hộ gia đình. Nghị quyết 10 đã chính thức thừa nhận “Khoán hộ” cả về tư liệu sản xuất (sở hữu), về tổ chức phân công lao động và phân phối lưu thông sản phẩm. Quy định việc khoán ruộng (đất trồng trọt) tới hộ được ổn định 15 năm và nghĩa vụ của người nhận khoán trong HTX trong vòng 5 năm; quy định hộ trồng rừng, trồng cây công nghiệp dài ngày, đất mặt nước 15 năm. Nghị quyết 10 không bắt buộc phải quy định phải làm theo phương thức “5 khâu 3 việc”. Trong phân phối, ngoài thuế và nghĩa vụ các hộ gia đình và HTX được quyền tự do sử dụng sản phẩm làm ra, đồng thời các cơ quan, đơn vị kinh tế nhà nước phải “Thuận mua vừa bán” nếu muốn mua nông sản của nông dân. Đó là những điểm “đổi mới”, “đột phá” một cách toàn diện và triệt để so với các chính sách về khoán trong những năm 1980, 1981 và Chỉ thị 100 trước đó.

Một minh chứng rõ ràng nhất, ngay năm 1988, nước ta đã chấm dứt thời kỳ thiếu gạo. Một năm sau - 1989, Việt Nam chuyển sang thời kỳ xuất khẩu gạo. Trải qua 34 năm (1989- 2023) đến nay, hạt gạo của Việt Nam đã có mặt ở 156 quốc gia, vùng lãnh thổ và trở thành 1 trong 3 cường quốc xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới (xem biểu đồ). 

Biểu đồ về xuất khấu lúa gạo của VN qua các năm.

Cùng với Khoán 10, tư duy quản lý kinh tế cũng được đổi mới, từng bước thoát khỏi sự giáo điều, cứng nhắc và xa rời thực tế. Sự vận hành của nền kinh tế nhiều thành phần, rồi kinh tế thị trường định hướng XHCN đã giải phóng, huy động được nguồn lực trí tuệ và vốn to lớn trong dân, làm cho sản xuất phát triển, nền kinh tế có sự tiến bộ vượt bậc; cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, khẳng định vai trò trong nền kinh tế quốc dân. Đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế nông nghiệp tư nhân lớn, có thương hiệu uy tín mang tầm quốc tế, có những triệu phú, tỷ phú USD… 

Chính vì tin dân, biết khơi dậy sức dân mà chúng ta có được những thành tựu đó. Chính vì tin Dân, biết dựa vào Dân mà một nghị quyết của Đảng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống một cách “thần kỳ” và trở nên nổi tiếng, khắc đậm vào lòng Dân hai chữ “Khoán 10”!

3. Sống bằng nghề nông nghiệp - Người nông dân dù nghèo hay giàu, dù trẻ hay già, dù nam hay nữ, dù cày cuốc trên cánh đồng hay làm thương mại dịch vụ nông nghiệp - Lòng người nông dân còn lắm bộn bề, gian lao trước “3 biến”: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến diễn của người tiêu dùng, loay hoay với cách gỡ nâng cao giá trị gia tăng của nông sản(5). Cuốn sổ hưu vẫn là ước mơ cháy bỏng của người nông dân từ đời cha ông còn truyền lại. Người nông dân ghét tham nhũng, lãng phí, tham ô như ghét chuột phá đồng. Họ ghét kẻ làm phân bón giả, thuốc trừ sâu bệnh giả như ghét lũ rầy hại lúa, ngô. Họ không thể chấp nhận những cán bộ, đảng viên vô trách nhiệm, nói không đi đôi với làm, cả ngày chỉ loay hoay với câu hỏi “Tối nay ăn gì, ngày nghỉ đi đâu?”.

Như một quy luật tổ chức, xã hội, các quyết định của người đứng đầu tạo nên số phận của của người lao động số đông, của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Gần Dân, hiểu Dân, tin Dân; dám sáng tạo và đổi mới, kiến tạo nên nền tảng mới, biết truyền cảm hứng và cách tân những lối mòn. Như làn gió lạ, rồi chuyển thành ngọn gió mát lành. Cho lúa nở hoa và gương mặt người nông dân rạng rỡ nụ cười, dù vết khắc khổ vẫn hằn theo năm tháng. Người nông dân xưa trong “Khoán hộ”, “Khoán 10” cho đến người nông dân ngày nay trong nền nông nghiệp sinh thái- 

Họ gửi gắm niềm tin, hy vọng vào tổ chức Đảng đào luyện nên những cán bộ đủ đầy về nhân cách: Có “trí” để nhìn ra những vấn đề mà người đương thời vì nhiều lý do không nhìn ra được. Có “dũng” để dám biến nhận thức mới đó thành thực tiễn. Có “gan” để dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có đủ “niềm tin” vào hành động thực tiễn của mình - Điều giản dị ấy, sẽ hiện thực hóa lòng Dân thành ý Đảng! 

Nếu như năm 1986, lương thực sản xuất ở nước ta đạt 18,37 triệu tấn thì năm 1987 chỉ còn 17,5 triệu tấn (giảm 80 vạn tấn); trong khi đó, dân số cả nước tăng 1,5 triệu người đã làm cho lương thực đầu người giảm từ 245,6 kg xuống còn 230,6kg – mức thấp nhất kể từ năm 1981. Đó là nguyên nhân cơ bản, trực tiếp tạo nên những cơn sốt về lương thực ở miền Bắc mà đỉnh cao là nạn đói giáp hạt đầu năm 1988 xảy ra ở 21 tỉnh, thành phố phía Bắc, với hơn 9,3 triệu người (39,7%) số nhân khẩu nông nghiệp. Trong đó, số người thiếu đói gay gắt, đứt bữa là 3,6 triệu.  
           (Nguồn ĐCSVN với công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập Quốc tế - Nxb QĐND 2006)
 

*Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới
(1) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương
(2) Nguyễn Tham Thiện, Tỉnh ủy viên, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
(3) Nguồn Văn phòng Ban Nông nghiệp Trung ương
(4) Nguồn Văn phòng Ban Nông nghiệp Trung ương
(5) Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT