Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ký ức tháng Tư

Huy Hoàng - 07:14 30/04/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đã 47 năm đi qua, kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà. Trong ký ức của những người đã từng tham gia, đóng góp sức mình cho ngày toàn thắng, tinh thần quả cảm, khí thế sục sôi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975 vẫn còn in đậm trong ký ức.
Ông Châu Ngọc Khuê với Bằng khen của cha mình  là cụ Châu Ngọc Tụng.

Truyền thống gia đình cách mạng...

Trong ngày gặp mặt, mừng ngày quê hương giải phóng 30/4/1975, tại thôn Long Bình xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành, Quảng Nam) có một gia đình có công cách mạng, đó là gia đình cụ Châu Ngọc Tụng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình là cơ sở cách mạng, cụ Châu Ngọc Tụng, thôn Long Bình, xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành, Quảng Nam) thời kháng chiến chống Pháp, cụ Châu Ngọc Tụng làm thầy giáo dạy lớp bình dân học vụ, vừa bí mật hoạt động cách mạng. Cụ Châu Ngọc Tụng vào Đảng Lao động Việt Nam năm 1948, làm Cán sự kiểm tra, Bí thư Thanh niên xã Tam Nghĩa. 

Khi dạy lớp học bình dân, cụ Châu Ngọc Tụng cho biết: “Ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành liền 3 sắc lệnh, số 17, 19 và 20. Theo đó, Nha Bình dân học vụ được ra đời, đó là Bộ Quốc gia Giáo dục, kỳ hạn trong 6 tháng, địa phương nào cũng phải có một lớp bình dân và cưỡng bách học chữ quốc ngữ trên toàn quốc. Hồ Chủ tịch ra bản hiệu triệu đồng bào tham gia chống nạn mù chữ, Người khuyên ai chưa biết chữ phải thi đua đi học, những người đã biết chữ phải thi đua dạy học; kêu gọi mọi người, kẻ giúp của, người giúp công để “tiêu diệt giặc dốt”. Hưởng ứng lời Bác gọi, tôi liền đăng ký tham gia dạy lớp Bình dân học vụ tại thôn nhà, vừa dạy vừa bí mật hoạt động cách mạng…”. 

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cụ Châu Ngọc Tụng làm thôn trưởng thôn Long Bình, xã Tam Nghĩa, cụ rất phấn khởi kêu gọi toàn dân thu gom chiến lợi phẩm, treo cờ Tổ quốc khắp các nẻo đường.

Cụ Châu Ngọc Tụng đã được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tặng Bằng khen, trong Bằng khen có ghi: “Ông Châu Ngọc Tụng đã có thành tích đóng góp công sức vào cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc”! Cụ Tụng cũng đã được nhận Huy chương kháng chiến về thành tích có công chống Mỹ cứu nước.

Cụ Châu Ngọc Tụng được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì.

...Nối bước cha ông

Noi gương cha mình, sau ngày giải phóng, ông Châu Ngọc Khuê con trai cụ Châu Ngọc Tụng theo nghề nhà giáo. Đến khi nghỉ hưu, thầy giáo Châu Ngọc Khuê về làm phó Bí thư Chi bộ khối phố 6 thị trấn Núi Thành và Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Núi Thành từ năm 2011 đến 2016. 

Năm 2018, thầy Khuê nối gót cha, làm thôn trưởng, thôn Long Bình, xã Tam Nghĩa. Với nhiệm vụ Trưởng thôn, ông Ngọc Khuê rất năng động dám nghĩ, dám làm; thầy đã vận động nhân dân tham gia xây dựng Nông thôn mới, làm đường giao thông nông thôn, đặc biệt là cải tạo đồng ruộng, làm kênh mương dẫn nước và làm đường bê tông trong thôn, làm hàng nghìn mét giao thông nội đồng. Đặc biệt, thầy đã vận động bà con chặt cây, cải tạo hàng rào tre để xây kênh mương bằng bê tông dài hơn 1.000m, cao, 1,2m và rộng 2m, kinh phí gần 2 tỷ đồng, đưa nước từ đầu thôn Long Bình đến giáp sông Trường Giang huyện Núi Thành. Với sự vận động khéo của thầy Khuê, bà con tiếp tục chung tay, hiến công và cây lâu năm của mình, không những không nhận đền bù của Nhà nước mà còn đóng góp tiền của để làm Nhà Văn hóa thôn gần một tỷ đồng.

Ông Châu Ngọc Khuê tâm sự: “Để chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với người dân; người trưởng thôn cần có trách nhiệm, tâm huyết, quan tâm đến lợi ích chính đáng của bà con. Vì vậy, tôi phải thường xuyên tuyên truyền cho bà con hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình mục tiêu Quốc gia, nhất là công tác dân vận trong xây dựng NTM, vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi, tôi đều viết thư ngỏ, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước cho mỗi người dân trong thôn và cả con em địa phương hiện sinh sống, công tác mọi miền”.

Quá trình tham gia đầy năng động và được bà con trong thôn đồng tình hưởng ứng tích cưc, tạo nên diện mạo mới cho cảnh sắc và cuộc sống nhân dân thôn Long Bình rất khởi sắc. 

Thầy Châu Ngọc Khuê phát biểu trong chương trình tặng quà học sinh nghèo tại huyện Núi Thành.

Khi làm Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Núi Thành, ông Khuê phối hợp với các đoàn thể, các nhà hảo tâm, các tổ chức kinh tế huy động quỹ, tặng quà giúp học sinh nghèo hiếu học. Làm công tác Khuyến học ban đầu chưa có chế độ, chủ yếu là “tay không bắt giặc” và “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng hiệu quả công tác hội mỗi năm đều được các cấp ghi nhận, khen thưởng. Với kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo nhiều năm, bằng trí tuệ, sự tâm huyết, ông Khuê đã kiên trì, chủ động phối hợp với các đoàn thể, ban, ngành tham mưu cho lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND từng bước tháo gỡ những vấn đề khó khăn liên quan đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Thầy Khuê được nhận Huy chương của Bộ Giáo dục - Đào tạo về thành tích có công trong sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo, Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên, của huyện ủy; UBND huyện, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam... tặng nhiều giấy khen vì đã đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Hàng năm, vào mỗi dịp kỷ niệm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cụ Châu Ngọc Tụng cùng gia đình hân hoan kỷ niệm chiến thắng, nghiêng mình tưởng nhớ những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Dấu ấn ngày chiến thắng 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc mãi là dấu son và là niềm tự hào của mỗi chúng ta. Các thế hệ cha ông đi trước đã vượt muôn ngàn khó khăn, gian khổ chiến đấu hy sinh giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất Tổ quốc, mãi là tấm gương sáng để các thế hệ cháu con tiếp bước noi theo. Hai cha con ông Châu Ngọc Khuê cũng là một trong hàng ngàn tấm gương sáng đó trong cả nước luôn phấn đấu, cống hiến vì quê hương, đất nước.