Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làng xôi Phú Thượng: Lấy “chữ Tín” làm trọng

15:20 04/03/2020 GMT+7

Năm 2019, Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng (Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Xôi Phú Thượng. Đây là cơ hội để sản phẩm của làng nghề ngày càng phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ được củng cố và nâng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Hội thi nấu xôi lần thứ 3 – xuân Canh Tý ở làng nghề Phú Thượng.

Sự nối dài của truyền thuyết Lang Liêu…

Nằm trên địa bàn quận Tây Hồ có bề dày truyền thống lịch sử, mang đậm bản sắc văn hóa của Hà Nội, với nhiều làng nghề truyền thống như chè sen Quảng An, hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên… Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng cũng đang khẳng định được giá trị, thương hiệu, là một trong những địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng.

Năm 2016, TP. Hà Nội đã có quyết định công nhận Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng. Có được kết quả này là nhờ sự gìn giữ bảo tồn và phát triển nghề nấu xôi của người dân Phú Thượng. Đặc biệt là sự ra đời và hoạt động tích cực của “Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng” được thành lập ngày 13.9.2018.

Ông Hoàng Gia Lượng – Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng cho biết: Từ rất lâu, người dân Phú Thượng đã có nhiều sản phẩm được chế biến từ gạo nếp cái hoa vàng như các loại bánh, chè, xôi… Tuy nhiên, chỉ có xôi là có sức sống lâu bền hơn cả bởi quá trình chế biến không quá phức tạp, cầu kỳ và khách hàng cũng dễ cảm nhận hương vị thật thơm, dẻo của gạo nếp, giá thành hợp lý nên được đông đảo các tầng lớp người tiêu dùng chấp nhận. Đây là những điều kiện cần và đủ để làng nghề tồn tại và phát triển bền vững, như sự nối dài của truyền thuyết Lang Liêu vọng về đất Tổ.

Người dân làng nghề tham gia Hội thi nấu xôi lần thứ 3- Xuân Canh Tý 2020.

Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, mỗi làng nghề cũng trải qua những giai đoạn khó khăn. Nhưng thực tế đã khẳng định dù trong hoàn cảnh nào thì người dân ở làng nghề nấu xôi Phú Thượng vẫn luôn biết vượt qua mọi khó khăn trở ngại, tự tin tìm ra những con đường đi phù hợp. Tổ tiên đã nuôi dưỡng và truyền lại ngọn lửa nghề “nấu xôi” cho bao lớp người dân ở Phú Thượng để hàng ngày, người Hà Nội vẫn luôn được thưởng thức món quà quê thân quen.

Đặc biệt, quá trình đô thị hóa đã chuyển dần ruộng đất của Phú Thượng thành những ngôi nhà cao tầng, sản xuất nông nghiệp cũng không còn nữa thì nghề “nấu xôi” giúp người dân nơi đây tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và làm giàu.

Đầu tư phát triển thương hiệu

Nghề nấu xôi ở Phú Thượng đã được công nhận là “Làng nghề truyền thống” và cấp thương hiệu – đó là niềm tự hào và vinh dự cho người dân nơi đây. Bên cạnh đó cũng đặt ra trách nhiệm bảo tồn và phát huy cho những thế hệ đã và đang “giữ lửa” làng nghề, để thương hiệu xôi Phú Thượng là địa chỉ tin cậy không những chỉ ở Thủ đô mà còn trên khắp đất nước Việt Nam và vươn xa đến bạn bè quốc tế.

Theo ông Hoàng Gia Lượng, hiện nay Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng có 329 thành viên, được hỗ trợ tạo điều kiện về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển sản phẩm làng nghề. Hội còn hỗ trợ giúp đỡ cho 215 hội viên được sử dụng điện một giá để sản xuất.

Sản phẩm trưng bày tại Hội thi nấu xôi.

Để xây dựng thương hiệu xôi Phú Thượng, các thành viên trong BCH Hội đã tìm hiểu gặp gỡ các cơ quan chức năng, chuyên môn để tư vấn, xây dựng thương hiệu sản phẩm như về nhãn mác, túi đựng sản phẩm, chỉ dẫn địa lý… Công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm đã được quan tâm, thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm, du lịch, tổ chức nhiều sự kiện lớn với quy mô ngày càng tăng về số lượng và chất lượng … Năm 2018, Hội đã tham gia gian hàng văn hóa ẩm thực tại khu vực Lý Thái Tổ nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ hợp tác với Nhật Bản; xây dựng gian hàng ẩm thực tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn vào những ngày cuối tuần; ‘Hội văn hóa ẩm thực” tại công viên Thống Nhất… Đặc biệt, năm 2019, xôi Phú Thượng được tham gia giới thiệu và bán sản phẩm nhân dịp Lễ kỷ niệm 20 năm TP. Hà Nội được UNESCO công nhận Thành phố vì Hòa bình và được chọn là 1 trong 9 món ăn của Thủ đô Hà Nội tham gia Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều; tháng 1.2020 đã tổ chức thành công Hội thi nấu Xôi lần thứ 3…

Mặc dù được cấp thương hiệu, nhưng nghề nấu xôi ở Phú Thượng vẫn còn nhiều khó khăn như cách sản xuất, tiêu thụ còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa có cửa hàng, cửa hiệu, chỉ được quảng bá chủ yếu qua truyền miệng là chính. Để sản phẩm của địa phương có điều kiện phát triển theo hướng trở thành làng nghề du lịch, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền và người dân Phú Thượng– ông Hoàng Gia Lượng cho biết thêm.

Cũng theo ông Lượng, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai các chủ trương của chính quyền các cấp về việc xây dựng làng nghề trở thành ngành kinh tế của địa phương, nâng cao chất lượng, công tác xúc tiến quảng bá làng nghề và thu hút khách hàng, tạo thêm nhiều sản phẩm đa dạng. Thường xuyên kiểm soát chất lượng sản phẩm tại các hộ gia đình nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động làng nghề, kiểm tra nhắc nhở các hội viên chú trọng đảm bảo vệ sinh môi trường…

Nâng cao trình độ quản lý, cập nhật kiến thức và kinh nghiệm cho đội ngũ BCH Hội và các Chi hội trưởng để đáp ứng nhu cầu phát triển thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn. Thực hiện tốt việc mở rộng thị trường thông qua việc phối hợp các cơ quan chức năng tham gia các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm, hội chợ triển lãm, hội thảo… giúp cho việc tiếp cận thông tin về sản phẩm nghề truyền thống ngày càng nhanh, rộng rãi hơn.

Tuệ Anh

Hai bên gia đình nội, ngoại đều có nghề nấu xôi từ lâu đời, bản thân tôi cũng đã có hơn 30 năm trong nghề. Nhờ có nghề truyền thống mà gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Khi được công nhận Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng và cấp thương hiệu, tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào và cần có trách nhiệm, nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa để làm thật tốt công việc của mình, đảm bảo đưa đến khách hàng sản phẩm ngon, chất lượng đảm bảo. Lấy chữ Tín làm trọng.

Chị Nguyễn Hồng Hạnh – hội viên Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng.