Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Miền Tây sẵn sàng chống “giặc”corona

15:27 04/02/2020 GMT+7
Tính đến sáng 4/2/2020, thế giới có hơn 20.000 người mắc viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV-2019) khiến 426 người tử vong (Trung Quốc 425 người, Phillippines 1 người ). Tại Việt Nam, đã có 9 ca nhiễm xuất hiện ở 5 tỉnh thành. Đồng Bằng Sông Cửu Long

Tính đến sáng 4/2/2020, thế giới có hơn 20.000 người mắc viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV-2019) khiến 426 người tử vong (Trung Quốc 425 người, Phillippines 1 người ). Tại Việt Nam, đã có 9 ca nhiễm xuất hiện ở 5 tỉnh thành. Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đến nay tuy chưa phát hiện có ca nhiễm, nhưng tất cả các địa phương đã và đang tổng lực ngăn chặn đại dịch đang khiến cả thế giới phải lo lắng trước sự nguy hiểm và tốc độ lây lan.

Tiêu độc khử trùng tại Sân bay Cà Mau ngày 01/02/2020, ngoài việc hạn chế đoàn vào – đoàn ra trên địa bàn, Cà Mau còn tăng cường máy đo nhiệt, kiểm tra giám sát tốt các du khách nước ngoài đã và đang lưu trú.

Chống dịch như chống giặc

Ngay từ những ngày đầu năm mới, với tinh thần chống dịch như chống giặc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Hệ thống chính trị của các tỉnh ĐBSCL nhanh chóng vào cuộc, với tư tưởng vì tính mạng của người dân là trên hết, các ngành chức năng của các tỉnh đã quyết liệt thực hiện, dù chấp nhận thiệt hại về kinh tế. Ngay trong ngày 3/2/2020, các tỉnh miền Tây đã cho học sinh nghỉ học từ 3-7 ngày để ngăn ngừa lây nhiễm virus corona, tiến hành các hoạt động kiểm tra giám sát không để tư thương trục lợi các mặt hàng khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn.

Tại Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải – Chủ tịch UBND đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện đúng mục tiêu “quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời và bình tĩnh”. Theo đó, tỉnh này đã dừng tất cả các “đoàn ra – đoàn vào”, bao gồm: Các đoàn đi công tác, học tập, tham quan, du lịch và lao động… đến các vùng có dịch. Yêu cầu Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cần phối hợp với các đơn vị tổ chức du lịch để nhằm rà soát, hạn chế các “đoàn ra – đoàn vào” tỉnh Cà Mau, đặc biệt là các đoàn khách đến từ những vùng có dịch, chấp nhận mất doanh thu từ du lịch. Trang bị đầy đủ khẩu trang cho tất cả cán bộ làm nhiệm vụ và khuyến nghị người dân đeo khẩu trang. Thành lập 2 đội phản ứng nhanh tại mỗi huyện, thị, tất cả đều được trang bị kiến thức và cơ số thuốc để chủ động phòng, chống dịch bệnh.  Đặc biệt, tiến hành tiêu độc khử trùng tại cảng hàng không và tất cả bến tàu, bến xe, các cơ sở lưu trú có người nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Trang bị ngay 2 máy chụp di động và 100 máy đo thân nhiệt.

Ở Bạc Liêu, Chủ tịch UBND Dương Thành Trung chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nói chung và bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra nói riêng; tăng cường công tác kiểm dịch y tế, thực hiện việc khử trùng, tẩy độc tại các bến xe, bến tàu, theo dõi quản lý chặt chẽ tình hình sức khoẻ du khách, khuyến nghị hạn chế di chuyển du khách Trung Quốc hiện đang ở tỉnh Bạc Liêu. Đáng chú ý, tỉnh này đã chuẩn bị phương án thành lập bệnh viện dã chiến 200 giường để sẵn sàng cách ly bắt buộc và điều trị đối với các trường hợp nghi ngờ măc bệnh.

Tại Kiên Giang, UBND tỉnh đã chỉ đạo dùng các chương trình lễ hội lớn như: “Kiên Giang 20 năm lấn biển xây dựng quê hương”, “Chiêu Anh Các”. Thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh tại bệnh viện tỉnh và các Trung tâm y tế huyện, thành phố trực thuộc. Kiểm tra, giám sát việc chuẩn bị phòng chống dịch tại các địa bàn trọng điểm cửa khẩu, nhất là Phú Quốc và Hà Tiên. Trang bị thêm máy đo thân nhiệt từ xa cùng 10.000 bộ quần áo chống dịch. Bổ sung 2 máy thở có thiết bị khử khuẩn, 1 xe chuyên dụng để vận chuyển bệnh nhân và hoàn thiện hệ thống oxy để sẵn sàng đối phó khi có tình huống.

Được mệnh danh thủ phủ miền Tây, Cần Thơ với lượng du khách nước ngoài đông hàng năm cũng không tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm corona. Chính vì vậy, việc chủ động phòng chống dịch đã được địa phương này đặt lên hàng đầu ngay từ khâu truyền thông. Cùng với Vĩnh Long, ngoài các biện pháp tăng cường phòng chống dịch, hai địa phương đã tiến hành xử lý nghiêm một số trường hợp tung tin đồn thất thiệt về dịch gây hoang mang dư luận. Cần Thơ còn là địa phương đầu tiên ở miền Tây chủ động cho học sinh nghỉ học.

Dù có hiện tượng ghim hàng nâng giá, nhưng một nhà thuốc ở Đại lộ Hòa Bình- quận Ninh Kiều TP. Cần Thơ vẫn cấp phát miễn phí 10.000 khẩu trang cho người dân.

Tại Tiền Giang, ngành Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc hồi sức cấp cứu, dịch truyền… Kiểm tra các phương tiện: Máy thở, monitor theo dõi người bệnh; vật tư, thiết bị y tế và các phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn cho cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh. Thực hiện quy định thu dung, cách ly điều trị các ca bệnh lây truyền qua đường hô hấp, thực hiện đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh. Các doanh nghiệp viễn thông (VNPT, Viettel, MobiFone) thực hiện nhắn tin tuyên truyền về phòng, chống dịch miễn phí cho người dân trong tỉnh.

Tình người trước đại dịch

Thiên tai, địch họa luôn là nỗi lo sợ tột cùng bao đời của con người. Đối với người Việt điều đó lại càng thấu hiểu hơn, bởi cuộc chiến tranh mất mát hàng triệu triệu người như mới vừa xảy ra. Người miền Tây cũng thế,  lo lắng về sự nguy hiểm dịch corona là điều khó tránh khỏi. Đáp lại sự lo lắng đó, thái độ khẩn cấp quyết liệt của chính quyền trong việc triển khai nhanh các giải pháp phòng chống đã tạo sự đồng thuận đoàn kết từ dân đến chính quyền, từ cơ sở kinh tế đến các nhà quản lý.

Tại Rạch Giá – Kiên Giang, đa số doanh nghiệp du  lịch, lưu trú của thành phố ven biển xinh đẹp này đều đồng thuận sẽ không tiếp nhận, cho lưu trú những khách nước ngoài đến từ địa phương có vùng dịch corona. Họ còn chủ động liên hệ các cơ quan chức năng tiêu độc khử trùng các cơ sở nhà nghỉ khách sạn của họ để phòng ngừa virus corona có thể có. Anh Quách Chấn Hưng, một doanh nhân ở phường Vĩnh Lạc cho hay, biết là không tiếp nhận những khách đến từ quốc gia có đại dịch sẽ thiệt hại cho doanh nghiệp, nhưng mạng người là trên hết. Mình đâu thể vì lợi nhuận riêng mà ảnh hưởng đến cộng đồng. Bỏ ngang câu chuyện, anh quay sang tiếp tục bàn với nhiều doanh nghiệp khác về việc tìm nguồn cung cấp khẩu trang chất lượng cao để mua số lượng lớn, cấp phát miễn phí cho người dân ở Rạch Giá vào mấy ngày tới.

Một nhóm nhân viên Tổng Công ty Điện lực 2 tại TP.Cần Thơ đang tổ chức cấp phát, đeo khẩu trang cho người dân với mục tiêu: “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng”.

Dọc các tỉnh Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang… đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những doanh nghiệp, nhà thuốc, cá nhân hảo tâm cấp phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Mặc dù tình trạng khan hiếm khẩu trang đã xảy ra, nhưng đa số các nhà thuốc đều cam kết sẽ bán đúng giá. Trái ngược, vẫn không khỏi có những nhà thuốc tự ý ghim hàng nâng giá, nhưng đã nhanh chóng bị người dân tẩy chay và báo cơ quan chức năng xử lý.

Anh T, một phóng viên lâu năm ở miền Tây chia sẻ, là người thường xuyên di chuyển nhiều nơi, anh nhận thấy không khí chống dịch của người dân và chính quyền nơi đây chưa lúc nào đồng lòng đoàn kết như lúc này. Các biện pháp chính quyền triển khai họ đều nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ. Người dân sẵn sàng chia sẻ tặng nhau số khẩu trang vừa mua được cho những người mua không kịp, mọi người đều tin rằng ít ngày tới chính quyền sẽ xử lý tốt việc khan hiếm khẩu trang. Nhiều người dân còn nói với anh T rằng: “Chắc chắn, giặc corona sẽ bị chặn đứng ở Việt Nam và miền Tây”

Bài, ảnh: Hoàng Quân