Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Mô hình rừng - thủy sản cho nông dân thu nhập bền vững

07:39 08/12/2024 GMT+7
Kết thúc mùa vụ nuôi trồng thủy sản vùng nước mặn, lợ năm 2024, hàng ngàn hộ nông dân ở các vùng ven biển tỉnh Trà Vinh đạt mức thu nhập bình quân khoảng 150 triệu đồng/ha/năm từ mô hình trồng rừng kết hợp nuôi thủy sản.

Chú thích ảnh

Mô hình nuôi tôm, cua dưới tán rừng của gia đình ông Huỳnh Công Lý, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Ông Huỳnh Văn Tài, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết, gia đình đã thực hiện mô hình rừng – thủy sản tính đến nay đã qua 8 năm. Với diện tích 04 ha đất ngập mặn được ông đào ao và bố trí trồng các loại cây rừng, như đước, sú, mắm,  theo tỷ lệ 40 % rừng – 60 % mặt nước ao để tạo bóng mát làm nơi trú ngụ cho tôm, cá, cua biển,...

Toàn bộ diện tích mặt nước rừng – thủy sản  được ông Tài bố trí nuôi mỗi năm khoảng 50.000 con tôm sú giống và 8000 con cua biển giống. Toàn bộ quá trình nuôi chỉ tốn tiền mua con giống, chi phí thức ăn không đáng kể nên thu nhập mỗi năm khoảng trên 150 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm, ông Tài còn thu nhập thêm vài chục triệu đồng từ nguồn cá đối, cá bóng,... tự nhiên từ bên ngoài theo hệ thống cống cấp và thoát nước vào sinh sống.

Ông Lê Văn Lãm, ở xã Long Khánh, huyện Duyên Hải cũng có 5 ha thực hiện mô hình rừng – thủy sản nuôi kết hợp tôm sú, tôm thẻ, cua biển và cá,... Với diện tích ao nuôi này, mỗi năm, ông Lắm thả nuôi 55.000 con tôm giống, 10.000 con cua biển và thu nhữ nguồn cá tự nhiên. Nhờ sản phẩm tôm, cua , cá nuôi trong môi trường sinh thái, giá bán luôn cao hơn 20 % so với các loại thủy sản nuôi công nghiệp, nên nguồn thu lợi nhuận ròng mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.

Ông Lãm cho biết, do điều kiện đất sản xuất có nhiều con rạch chia cắt, nguồn vốn gia đình có hạn không đủ để đầu tư thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao nên ông chuyển sang lên bờ bao và trồng cây đước để sản xuất mô hình rừng – thủy sản. Nhờ có cây rừng được bố trí ven ao và trong ao  đúng kỹ thuật để tạo bóng mát làm nơi trú ẩn khi gặp thời tiết nắng nóng, lúc mưa nhiều dài ngày, nên các loại thủy sản sinh trưởng tốt, không dịch bệnh.

Theo bà Phạm Thị Hồng Diễm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Duyên Hải, nhiều năm nay, toàn huyện có khoảng hơn 1.000 hộ dân sản xuất mô hình rừng – thủy sản, với tổng diện tích khoảng 865 ha.   Lợi thế mô hình rừng – thủy sản là nông dân không lo về dịch bệnh thủy sản, chi phí thức ăn giảm đến hơn 80%. Nông dân chủ động được trong thu hoạch để chọn lựa tôm, cá đạt kích cở loại I bán được giá cao, không bị động thu hoạch khi gặp giá thị trường giảm thấp.  

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 5.750 ha được nông dân ở các huyện vùng ven biển Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành tổ chức nuôi kết hợp rừng – tôm cùng một số loài cá sống vùng nước mặn và lợ. Tỉnh Trà Vinh luôn khuyến khích nông dân ở các vùng ven biển trong tỉnh nhân rộng mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản để ứng phó với tác động xấu của biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế vừa tạo sự bền vững hệ sinh thái.

Tỉnh đã quy hoạch hơn 23.980 ha đất vùng ven biển để bố trí phát triển diện tích rừng khoảng 12.250 ha, diện tích còn lại gần 11.730 bố trí dành cho nuôi trồng thủy sản. Theo đó, tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân trồng rừng để phát triển diện tích sản xuất rừng – thủy sản. Hộ nông dân và các tổ chức khi trồng rừng (cây đước) trên đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp theo các qui định của pháp luật hiện hành đạt diện tích từ 0,3 ha trở lên sẽ được tỉnh hỗ trợ 50% tiền mua cây giống, nhưng không quá 37 triệu đồng/ha. Chính sách của tỉnh nhằm góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, vừa tạo sinh kế bền vững cho hộ dân vùng ven biển.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đưa đặc sản lên sàn thương mại điện tử - hướng phát triển bền vững của Gia Lai
Nhiều đặc sản của Gia Lai như cà phê, hồ tiêu, mật ong đã đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế thông qua thương mại điện tử. Sự kết hợp giữa phương thức thương mại truyền thống và hiện đại đã mở ra hướng đi bền vững cho nông sản Gia Lai.