Nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai hộ nông dân theo hướng hiện đại, bền vững
Mở đầu
Đất đai là tài sản đặc biệt, là nguồn nội lực quan trọng và là nguồn vốn to lớn của đất nước. Đặc biệt đối với ngành Nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta, đất đai còn là tư liệu sản xuất chủ yếu không thể thay thế. Nhờ có chủ trương và đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất đai đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn và sinh kế của người nông dân phát triển, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Các hộ nông dân nắm trong tay nguồn lực quan trọng nhất cho sản xuất nông nghiệp đó là đất đai. Việc sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích của các hộ nông dân đã góp phần đem lại những kết quả tích cực của ngành Nông nghiệp nước ta trong những năm vừa qua. Sản xuất nông nghiệp giai đoạn vừa qua tiếp tục phát triển toàn diện, ổn định, chuyển dịch theo hướng phát triển các sản phẩm hàng hoá chủ lực có lợi thế, bảo đảm an ninh lương thực, góp phần xoá đói giảm nghèo và tạo nguồn hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, có thể thấy sự phát triển của ngành Nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân ở nước ta chưa thực sự bền vững, còn nhiều vấn đề tồn tại hạn chế đặc biệt là hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp chưa cao. Thực tế cho thấy hiện trạng đất đai manh mún, phân tán vẫn là rào cản lớn trong việc huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế nông nghiệp của các hộ nông dân nước ta hiện nay. Quy mô đất đai quá nhỏ (khoảng 0,45ha/hộ) không đảm bảo điều kiện để đạt được hiệu quả tối ưu trong sản xuất của các nông hộ, và đồng thời không thể thực hiện được mục tiêu phát triển nông nghiệp nước ta theo hướng hiện đại, bền vững trước tác động của các bối cảnh nhu cầu mới của thị trường, chuyển đổi số, đô thị hoá và biến đổi khí hậu.
Đã có rất nhiều nghiên cứu, bàn luận về các giải pháp quản lý đất đai trong đó có quản lý đất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả muốn bàn luận về một vấn đề thiết thực hơn đó là làm thế nào để giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp góp phần đảm bảo an ninh lương thực của người dân nhưng cũng đồng thời góp phần bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lực, môi trường tự nhiên của đất nước phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững.
Thực trạng sử dụng đất nông nghiệp của các hộ nông dân
Diện tích đất nông nghiệp bình quân một hộ nông dân
Các hộ nông dân là chủ thể chính được giao quyền sử dụng đất nông nghiệp, tuy nhiên, diện tích đất sử dụng bình quân mỗi hộ rất nhỏ và manh mún. Theo báo cáo hiện trạng sử dụng đất đai cả nước tính đến 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ TN&MT thì tổng diện tích đất nông nghiệp là 27,983 triệu ha. Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp đã được giao cho các đối tượng sử dụng chiếm 83,6%, trong đó giao cho các hộ nông dân là khoảng 15 triệu ha, chiếm 60,2% (Bảng 1).
Tuy nhiên, diện tích đất đai manh mún, phân tán gây khó khăn không nhỏ cho các hộ nông dân trong thực hiện các hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình. Số thửa đất sản xuất nông nghiệp bình quân 1 hộ tăng từ 2,5 thửa năm 2016 lên 2,8 thửa năm 2020 và diện tích bình quân 1 thửa tăng từ 1.843,1m2 lên 2.026,3m2 (Tổng cục Thống kê, 2021). Bình quân mỗi hộ được quyền sử dụng diện tích đất là 0,45ha - đây là mức sở hữu đất đai thấp nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, tổng số hộ có diện tích đất nông nghiệp dưới 0,5ha chiếm tới 63% (Bảng 2).
Thực trạng bỏ hoang đất nông nghiệp của các hộ nông dân
Với diện tích đất được giao quyền sử dụng nhỏ hẹp, và phân tán như hiện nay, dẫn tới một bộ phân không nhỏ nông dân đã bỏ hoang đất nông nghiệp, không tiến hành hoạt động sản xuất nhiều vụ. Mặc dù, hiện nay chưa có thống kê đầy đủ về thực trạng người nông dân bỏ ruộng trên phạm vi cả nước và công bố rộng rãi trên công luận, nhưng khi đi khảo sát thực tế ở các địa phương có thể dễ dàng chứng kiến thực trạng phổ biến này. Ở một số báo cáo cấp tỉnh, có đưa ra một vài con số đáng quan ngại về hiện tượng nông dân bỏ ruộng có xu hướng tăng. Năm 2017, tỉnh Hà Nam chỉ có hơn 100ha ruộng bị bỏ hoang thì năm 2019, số diện tích bị bỏ hoang đã lên tới 310ha. Tỉnh Vĩnh Phúc, vụ Mùa năm 2019 có hơn 1.000ha ruộng bỏ hoang và diện tích gieo trồng vụ Đông năm 2019 của tỉnh này giảm tới 6.000ha. Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa có hơn 110ha ruộng bị bỏ hoang; tỉnh Thái Bình có hơn 1.200ha ruộng bị bỏ hoang (Mạnh Thắng, 2020).
Tìm hiểu về nguyên nhân dẫn tới việc nông dân bỏ ruộng thì có nhiều nguyên nhân được chỉ ra:
Một là do diện tích đất sản xuất nhỏ hẹp, manh mún, phân tán nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao do khó áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, đặc biệt là không đạt được hiệu quả sản xuất theo quy mô. Đặc biệt, do các thửa đất phân tán và chất lượng đất đai không đồng đều, nhiều thửa ruộng ở vị trí canh tác không thuận lợi, nên năng suất thu hoạch không đạt được cao như các mức trung bình, gây tâm lý chán nản cho nông dân.
Hai là, do biến đổi khí hậu dẫn đến làm thay đổi lịch mùa vụ, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi gia tăng nên cũng làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả của các hộ nông dân.
Ba là, thiếu lao động sản xuất nông nghiệp. Do quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động, đặc biệt là lao động trẻ. Nhiều lao động nông nghiệp chọn đi làm ở các nhà máy, xưởng sản xuất tư nhân hoặc tham gia vào các loại hình cung cấp dịch vụ cho giá trị thu nhập đều hơn, cao hơn là làm nông nghiệp.
Bốn là, do lạm phát làm giá các dịch vụ nông nghiệp (làm đất, tưới tiêu, gặt đập,…); chi phí vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc thú y,…) trở nên khá đắt đỏ; giá công lao động cao do khan hiếm lao động cũng làm giảm sự sẵn sàng sản xuất của các hộ nông dân.
Năm là, do rủi ro trong sản xuất nông nghiệp đến từ sự bất ổn của thị trường tiêu thụ (phụ thuộc nhiều vào thương lái) dẫn tới các thiệt hại nặng nề cho người nông dân, họ không có khả năng phục hồi lại sản xuất. Thực tế các địa phương nông thôn vùng Đồng bằng Bắc bộ cho thấy, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi trồng lúa sang các loại cây trồng khác như cây ăn quả có múi, cây cảnh, rau hoặc nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi nhưng giá trị thu nhập cũng không cao và ổn định vì khủng hoảng thừa, nhu cầu tiêu thụ hạn chế và dịch bệnh.
Sáu là, do lý do khách quan phải bỏ hoang đất. Nhiều hộ nông dân thuộc diện bị thu hồi đất phục vụ thực hiện dự án ở địa phương. Tuy nhiên, kết quả tổng hợp gần đây cho thấy, cả nước có 3.205 dự án với diện tích khoảng trên 85.163ha đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng không sử dụng đất hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Đây là một dạng bỏ hoang đất bị động của các hộ nông dân.
Bảy là, do đất bị thoái hoá, bạc màu và xói mòn do hành vi canh tác không phù hợp. Ví dụ đất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta dùng cơ giới hóa nhiều, máy gặt đập liên hợp rất nặng, bón toàn phân hóa học nên đất bị dí xuống, độ xốp giảm đi, khả năng giữ nước không còn, cũng không thoát nước được, rễ cây hút dinh dưỡng rất khó… Một thực trạng nữa, độ pH trong đất, chất hữu cơ trong đất ngày càng giảm khiến đất sản xuất nông nghiệp ngày càng chua. Ngay cả vùng đất sản xuất nông nghiệp tốt nhất là đất bazan ở Tây Nguyên, từ khi trồng cà phê những năm 1980 đến nay, khi tái canh chu kỳ hai đã cho thấy độ chua trong đất tăng lên, chất hữu cơ, mùn trong đất giảm đi và những biểu hiện này ngày càng rõ rệt. Tốc độ suy thoái đất rõ rệt nhất rơi vào những vùng có địa hình phức tạp như Trung du miền núi phía Bắc hay vùng Tây Nguyên, nơi thâm canh cây công nghiệp và Đồng bằng sông Cửu Long (Vũ Văn Dũng, 2020).
Hiện tượng bỏ hoang đất nông nghiệp do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan nhưng đều dẫn đến gây lãng phí nguồn lực đất đai, làm giảm giá trị sản xuất của nền kinh tế. Mặt khác việc miễn, giảm tiền thuế sử dụng đất đối với đất nông nghiệp được triển khai nhiều năm gây thất thoát 1 khoản tiền thuế không nhỏ của Nhà nước.
Thực trạng dồn điền, đổi thửa của các hộ nông dân
Trước thực trạng canh tác manh mún không hiệu quả. Nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã được ban hành nhằm thực hiện giải pháp dồn điền, đổi thửa để khuyến khích sản xuất nông nghiệp tập trung và có hiệu quả hơn. Các hộ nông dân trong cả nước đã tích cực tham gia thực hiện giải pháp này. Kết quả được thống kê như ở bảng 3:
Kết quả trên cho thấy, việc triển khai thực hiện giải pháp dồn điền, đổi thửa diễn ra khá phổ biến ở các xã trong cả nước, với kết quả ngày càng gia tăng. Tuy nhiên có thể thấy thực chất số diện tích đất nông nghiệp được dồn, đổi so với tổng diện tích đất nông nghiệp hiện nay trong cả nước vẫn còn khá khiêm tốn. Điều này cho thấy, cần phải có nhiều quyết tâm của các cấp chính quyền trong tuyên truyền và nghiên cứu các cơ chế khuyến khích các hộ nông dân tích cực hơn nữa trong việc thực hiện giải pháp này. Một trong những cơ chế cần bàn tới đó là việc nới lỏng quy định về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để tạo động lực cho các hộ chủ động hơn trong các hoạt động sản xuất của mình.
Thực trạng tích tụ, tập trung đất đai của các hộ nông dân
Bên cạnh dồn điền, đổi thửa thì giải pháp tích tụ, tập trung đất đai cũng là một giải pháp tiến bộ phục vụ hướng tới đổi mới, tái cơ cấu toàn diện nền nông nghiệp nước ta. Bởi trước nay, nền nông nghiệp của chúng ta vẫn nặng về sản xuất truyền thống, chưa theo kịp xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá như các nước trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, tích tụ và tập trung đất đai là một giải pháp đúng đắn tạo điều kiện để chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống của chúng ta sang nền nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, sản xuất hàng hoá trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Kết quả tích tụ và tập trung đất nông nghiệp được thể hiện qua sự phát triển của các mô hình cánh đồng mẫu lớn đang được nhân rộng ở các vùng trong cả nước như mô tả ở bảng 4.
Số liệu ở bảng 3 cho thấy, mặc dù đã có những đổi mới về cơ chế chính sách, nhưng thực tế quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm, chủ yếu tập trung ở các vùng đất trống, bãi bồi ven sông, đồi trọc, đất có mặt nước chưa đưa vào sử dụng. Cả nước có 1051/8297 xã đã xây dựng được mô hình cánh đồng mẫu lớn. Mỗi cánh đồng mẫu lớn có diện tích gieo trồng trung bình là 163,3ha. Có 327,3 nghìn hộ nông dân tham gia mô hình, chiếm tỷ lệ 3,6% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp của cả nước. Số hộ nông dân tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn có xu hướng giảm so với năm 2016, điều này cho thấy mô hình cánh đồng mẫu lớn ở nhiều địa phương chưa thực sự hiệu quả, bền vững.
Nguyên nhân được chỉ ra là do cơ chế khuyến khích xây dựng cánh đồng lớn chưa phù hợp nên việc xây dựng cánh đồng lớn, mô hình tích tụ ruộng đất theo hướng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp,... còn hạn chế. Mặc dù do tình trạng manh mún và kém hiệu quả kinh tế, không ít người nông dân kém nhiệt tình đầu tư vào nông nghiệp, có xu hướng chuyển vốn sang đầu tư các lĩnh vực khác hoặc không sản xuất nhưng vẫn giữ ruộng đất “phòng cơ”. Nhiều nơi xuất hiện hiện tượng cánh đồng “xôi đỗ” - tức là trong cùng 1 phạm vi quy hoạch mô hình vẫn xuất hiện nhiều mảnh ruộng, thửa ruộng của các hộ không đồng ý tham gia mô hình (Tổng cục Thống kê, 2021). Các nhà đầu tư mới rất khó khăn để có được đủ diện tích mặt bằng thực hiện dự án theo tiến độ (một số dự án không có khả năng triển khai thực hiện do không thoả thuận được với các hộ dân) cũng như phải thực hiện theo các quy định, thủ tục hành chính rườm rà. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”; Khoản 30, Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó”. Quy định này làm hạn chế các quyền cơ bản của hộ gia đình, cá nhân làm cản trở tổ chức, cá nhân muốn tích tụ, tập trung đất đai và đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nguyên nhân thứ hai được cho là do “tính dễ bị tổn thương của hộ nông dân”. Các doanh nghiệp có thể đầu tư ở nơi này nơi khác nhưng người nông dân thì không dễ dàng thay đổi địa bàn sản xuất của họ. Hoạt động sản xuất của họ gắn với đất đai, cũng là tài sản thừa kế, là nơi sinh sống nhiều đời của gia đình họ. Hơn nữa, trong các mối liên kết, hợp tác giữa hộ nông dân và các doanh nghiệp thì các hộ nông dân luôn ở vị trí yếu thế hơn. Do vậy, các chính sách cần được xác định mục tiêu là bảo vệ người nông dân trước.
Mô hình kinh tế trang trại
Theo thống kê thì hộ nông dân vẫn là loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở nước ta, tuy nhiên số lượng hộ nông dân có xu hướng giảm theo thời gian (Bảng 5).
Điều này là xu hướng tất yếu bởi lẽ thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp đem lại thu nhập cao và ổn định hơn cho lao động nông thôn.
Bên cạnh xu hướng trên thì một số hộ nông dân đang dần có sự chuyển đổi sang một hình thức sản xuất mới - kinh tế trang trại, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần đáng kể phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên xu hướng này còn chậm, chưa đáng kể. Số lượng trang trại từ 29,4 nghìn trang trại năm 2015 lên 32,3 nghìn trang trại năm 2019, bình quân giai đoạn 2016-2019 tăng 2,4%/năm (Tổng cục Thống kê, 2021).
Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ sang hình thức trang trại đã góp phần giải quyết được vấn đề cấp bách đang đặt ra đối với nền nông nghiệp nước ta khi mà chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm vẫn chưa cao; trong khi thị trường tiêu thụ đòi hỏi cao về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ chuyển đổi tổ chức sản xuất, đầu tư trang trại hiện đại, giống năng suất cao, cho nên năng suất và giá trị sản xuất được cải thiện đáng kể. Giá trị bình quân 1 trang trại năm 2020 đạt 5.662,6 triệu đồng/năm cao hơn thu nhập bình quân 1 hộ khoảng 50 triệu đồng/năm (FAO, 2018; Tổng cục Thống kê, 2021c).
Tuy nhiên, đến năm 2020, cả nước chỉ còn có 23,662 nghìn trang trại (do có sự thay đổi về tiêu chí trang trại) với cơ cấu trang trại như mô tả ở Hình 1.
Tuy nhiên, số trang trại mới chỉ chiếm 0,26% trong tổng số hộ sản xuất nông nghiệp, 99,74% còn lại là các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Điều này cho thấy, xu hướng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn chưa thực sự được đẩy mạnh, cần thiết phải có những chính sách, giải pháp tích cực hơn nữa tạo động lực để các hộ nông dân chuyển đổi mô hình, mở rộng quy mô sản xuất sang mô hình trang trại để khắc phục những hạn chế của mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún từ lâu nay của nền nông nghiệp nước ta.
Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông ngiệp của các hộ nông dân
Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá; là tài sản, là nguồn nội lực và nguồn vốn to lớn của đất nước; là tư liệu sản xuất đặc biệt của nông nghiệp; quyền sử dụng đất là hàng hóa đặc biệt. Đáp ứng yêu cầu mới đặt ra trong Nghị quyết, Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng (năm 2021), cũng như tại Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (tháng 5/2022) cần quán triệt các quan điểm tiếp tục đổi mới đối với chính sách pháp luật đất đai và tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như sau để giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp của các hộ nông dân, phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo hướng hiện đại, bền vững:
1. Coi đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt của nông nghiệp, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, quyền sử dụng đất là hàng hóa đặc biệt. Cần quản lý tốt, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp đảm bảo nguyên tắc hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm phục vụ mục tiêu vững chắc an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu (Nguyễn Quốc Ngữ, 2020).
2. Xây dựng, chuẩn hoá và công khai hệ thống thông tin, dữ liệu về đất nông nghiệp một cách công khai minh bạch, dễ tiếp cận để phục vụ cho cả cơ quan quản lý trong đánh giá hiện trạng và cả các đối tượng có nhu cầu sử dụng đất trong việc lên kế hoạch sản xuất.
3. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, công cụ quản lý tài chính về đất đai, trong đó có đất nông nghiệp (như giá, thuế) nhằm khuyến khích sử dụng đất đai hiệu quả; khắc phục tình trạng bỏ hoang, lãng phí hoặc đầu cơ. Nếu đất bị bỏ hoang quá 4 vụ thì sẽ phải nộp thuế chứ không được miễn giảm thuế nữa.
4. Ban hành cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp nhằm giúp các tổ chức, cá nhân có nhu cầu dồn điền, đổi thửa, tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, giữ vững an ninh lương thực và khai thác lợi thế vùng, miền để gia tăng giá trị hàng xuất khẩu (Trương Quốc Cần & Đào Thế Anh, 2021).
Tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách cho phép chuyển đổi linh hoạt giữa đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất cho chăn nuôi, đất nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch và đảm bảo các điều kiện về môi trường, đảm bảo các điều kiện canh tác để quay lại tiếp tục trồng lúa khi cần.
Mở rộng đối tượng là tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất lúa để tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy hoạch sử dụng đất. Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với từng loại đất nông nghiệp phù hợp với thực tiễn sản xuất của từng vùng, miền.
Tiếp tục tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về sự cần thiết phải dồn điền, đổi thửa, tích tụ, tập trung đất đai để phát triển một nền nông nghiệp toàn diện có năng suất cao, hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Phải lập quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh và giám sát thực hiện quy hoạch đối với một số mặt hàng nông sản chiến lược, mặt hàng xuất khẩu chủ lực, quy hoạch đất cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; quy hoạch chuyển đổi đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, rau, nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm giá trị cao khác; bảo vệ đất lúa nhưng cho phép thay đổi linh hoạt mục đích sử dụng giữa lúa và các cây trồng khác.
Đồng thời chính sách thúc đẩy tích tụ đất đai phải gắn với thị trường lao động, thậm chí là gắn với quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn: Làm sao tạo ra việc làm và thu nhập phi nông nghiệp một cách chính thức để rút mạnh lao động nông thôn ra khỏi nông nghiệp.
Kết luận
Hạn chế của mô hình kinh tế hộ gia đình trong nông nghiệp hiện nay có một phần là tình trạng đất đai manh mún, thiếu tính liên kết. Tại nhiều nước, ngay cả ở những nước phát triển, hộ gia đình vẫn là đơn vị sản xuất nông nghiệp chủ yếu, song chỉ khác là các hộ này đã tổ chức sản xuất theo các mô hình trang trại, trong đó ứng dụng công nghệ và thương mại hóa nhiều hơn. Về dài hạn, phát triển kinh tế hộ nông dân vẫn là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên cần có sự đổi mới trong quan điểm về vai trò của kinh tế hộ, chủ trương, chính sách hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển. Một trong những chính sách đó là chính sách đất đai hướng tới giải quyết các vấn đề hạn chế đang tồn tại trong thực tế hiện nay là vấn đề bỏ hoang đất nông nghiệp, những khó khăn trong dồn điền, đổi thửa, tích tụ và tập trung đất nông nghiệp cho sản xuất quy mô lớn. Cần quản lý tốt, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp đảm bảo nguyên tắc hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm. Cần ưu tiên hơn các biện pháp tập trung đất đai (mà không làm thay đổi quyền sử dụng của người dân trong dài hạn) để đảm bảo việc làm và thu nhập trong dài hạn cho người nông dân. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ những hộ nông dân phát triển kinh tế trang trại, vì đây chính là những chủ thể gắn bó lâu dài với nông nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ TN&MT. (2022). Phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2020. https://monre.gov.vn/VanBan/Pages/ChiTietVanBanChiDao.aspx?pID=2695 ngày 24/5/2022
Mạnh Thắng. (2020). Nông dân bỏ ruộng vì sao?. Truy cập từ: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/nong-dan-bo-ruong-vi-sao-618100 ngày 15/5/2022
Nguyễn Quốc Ngữ (2020) “Đất đai trong nông nghiệp - những vấn đề đặt ra”. Chuyên đề Ban Kinh tế trung ương.
Tổng cục Thống kê (2021). Thông cáo báo chí về kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020. Truy cập từ: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/06/thong-cao-bao-chi-ve-ket-qua-dieu-tra-nong-thon-nong-nghiep-giua-ky-nam-2020 ngày 13/7/2021
Trương Quốc Cần, & Đào Thế Anh. (2021). Gỡ bỏ những rào cản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp và đảm bảo quyền lợi của nông dân. Truy cập từ: https://cisdoma.org.vn/go-bo-nhung-rao-can-de-nang-cao-hieu-qua-su-dung-dat-nong-nghiep-va-dam-bao-quyen-loi-cua-nong-dan/ ngày 13/5/2022
Vũ Văn Dũng. (2020). Nông nghiệp Việt Nam. Truy cập từ: https://nongnghiep.vn/thuc-trang-dat-san-xuat-nong-nghiep-dang-rat-dang-bao-dong-d278729.html ngày 13/5/2022
-
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Yêu cầu từ cấp chi bộ đến Trung ương -
Đoàn kết, vững lòng tin vào Đảng, Chính phủ để vượt qua siêu bão Yagi -
Trí tuệ nhân tạo giúp tối ưu hoá sản xuất nông nghiệp -
Ứng dụng AI - Cơ hội phát triển nông nghiệp nhanh, bền vững
- Thiêng liêng hai tiếng Việt Nam
- Phát triển chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản
- 'Có biểu hiện của lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng văn bản pháp luật'
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thương hiệu là niềm tin của người tiêu dùng
- Từ 01/8, người dùng sẽ phải trả phí sử dụng dữ liệu từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai
- Những điều có thể bạn chưa biết về Quỹ Phát triển đất
- Thêm nhiều hình thức thiết thực hỗ trợ cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi
-
Đỏ lửa nấu cơm đưa đến kịp thời cho người dân vùng lũ Quảng TrịDo ảnh hưởng của bão số 6 nhiều xã ở huyện Vĩnh Linh, tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở Quảng Trị bị nước lũ “bủa vây”, gây chia cắt giao thông. Với tinh thần tương thân tương ái, nhiều nhóm tình nguyện ở Quảng Trị đã nấu cơm đưa đến cho những người dân vùng lũ.
-
Tuyên Quang: Chi, tổ hội nghề nghiệp phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãiKhông chỉ là xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân, nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng như vốn từ các ngân hàng đang được phát huy hiệu quả tối đa, khi trên địa bàn huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) dần hình thành những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình nuôi trồng thủy sản hiện đại mà chủ nhân là thành viên chi, tổ hội nghề nghiệp.
-
Thị trường nông sản ngày 30/10: Giá nhiều mặt hàng “quay đầu” tăng(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong ngày 30/10, giao dịch hồ tiêu, cà phê ghi nhận mức tăng giá trở lại sau nhiều ngày giảm sâu.
-
Đổi mới nông nghiệp: Hướng tới tương lai bền vững cùng phân bón hữu cơTrong bức tranh nông nghiệp Việt Nam hiện nay, hình ảnh những cánh đồng xanh mướt, trĩu quả không chỉ là biểu tượng của sự phồn thịnh mà còn phản ánh sự chăm sóc đất đai bằng tình yêu và trách nhiệm. Tuy nhiên, thói quen sử dụng phân bón hóa học đã khiến nhiều nông dân lầm tưởng rằng đây là con đường duy nhất để đạt được năng suất cao. Hệ lụy từ việc lạm dụng phân bón vô cơ không chỉ ảnh hưởng đến năng suất mà còn đe dọa đến sức khỏe đất, nước và cả những thế hệ tương lai.
-
Masan Group hoàn thành 130% kế hoạch lợi nhuận năm 2024, Masan MEATLife đạt lợi nhuận sau thuế cả quý dươngTrong quý III/2024, doanh thu mảng thịt của Masan MEATLife bao gồm thịt heo, thịt gà và thịt chế biến tăng 13.6% so với cùng kỳ. Đồng thời, ghi nhận mức tăng 105 tỉ đồng cho lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cổ đông thiểu số. Đây là quý đầu tiên doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận sau thuế dương kể từ năm 2023.
-
“Cảnh báo đỏ” về lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất cà phê(Tapchinongthonmoi.vn) – Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất cà phê đang ở mức báo động, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, môi trường và sự phát triển bền vững của ngành Cà phê Việt Nam.
-
Đề nghị kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk và Quảng NinhỦy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 và ông Nguyễn Xuân Ký.
-
Festival Hoa Đà Lạt sẽ diễn ra trong 1 tháng, hướng tới quy mô quốc gia và quốc tếChiều 29/10, Ban Tổ chức Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024 công bố chương trình lễ hội này.
-
Khuyến nông cộng đồng giúp gia tăng giá trị cho ngành hàng cà phêHiện ở Đắk Nông đã thành lập được 54 tổ khuyến nông cộng đồng, thực hiện tư vấn, hỗ trợ người dân, HTX áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cà phê, an toàn thực phẩm...
-
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương về các nhiệm vụ trọng tâmTrong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, cần thống nhất nhận thức công tác tuyên giáo là công tác của Đảng, của các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi chi bộ, đảng viên.