Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ngập lụt lịch sử ở Phú Quốc “do thiên tai, biến đổi khí hậu”

19:37 16/08/2019 GMT+7
Các cơ quan ban ngành hữu quan tỉnh Kiên Giang sáng 16.08.2019 khẳng định, lượng mưa lớn bất thường kéo dài kèm giống lốc triều cường là nguyên nhân chính đã gây nên trận ngập lụt lớn diện rộng tại Phú Quốc từ ngày 05/08/2019 đến 09/08/2019. Buổi họp báo tại Sở Thông tin và

Các cơ quan ban ngành hữu quan tỉnh Kiên Giang sáng 16.08.2019 khẳng định, lượng mưa lớn bất thường kéo dài kèm giống lốc triều cường là nguyên nhân chính đã gây nên trận ngập lụt lớn diện rộng tại Phú Quốc từ ngày 05/08/2019 đến 09/08/2019.

Trận ngập lịch sử ở Phú Quốc từ ngày 05 đến 09/08/2019 đã gây thiệt hại tài sản hàng trăm tỷ đồng. Ảnh Hoàng Quân.

Buổi họp báo tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang sáng 16/08/2019, ông Mai Văn Huynh Bí thư Huyện ủy Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc đã thông tin cho biết các cơ quan chức năng của địa phương này và tỉnh Kiên Giang đã xác định nguyên nhân của trận ngập cục bộ lịch sử trong 49 năm ở Phú Quốc vừa qua là do thiên tai – biến đổi khí hậu, hệ thống thoát nước xây dựng từ năm 2003 không đáp ứng tiêu thoát nước. Trong đó, ngập sâu ở bãi Trường là do hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. Tình trạng ngập sâu ở Phú Quốc vừa qua chỉ là cục bộ ở một số nơi  từ 0,7m đến 2m, không phải ngập hoàn toàn “Phú Quốc chìm trong nước” như nhiều báo đài đưa tin.

Bà Vũ Thị Kim Hà – Phó Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn khu vực 2 thông tin, qui luật hàng năm lượng mưa ở Phú Quốc chỉ từ 136 đến 2.800mm. Nhưng trong trận mưa ở Phú Quốc vừa qua, chỉ trong 10 ngày lượng mưa đã đạt 1.100mm. Riêng 2 ngày 5 và 6/08/2019, lượng mưa đã đạt 500mm, các ngày khác đều 300mm. Chính lượng mưa lớn chưa từng có trong 49 năm qua như trên, kèm triều cường dâng cao đã khiến việc nước mưa thoát xuống biển khó khăn đã dẫn đến trận ngập cục bộ lịch sử vừa qua.

Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc tỉnh Kiên Giang tại buổi họp báo sáng 16/08/2019. Ảnh Hoàng Quân.

Theo ông Huynh, gió lốc xoáy Tây Nam lớn diễn ra trong thời điểm ngập lụt đã khiến công tác cứu nạn, cứu hộ của Phú Quốc diễn ra cực kỳ khó khăn. Nhưng bằng nổ lực lớn của chính quyền và nhân dân Phú Quốc, địa phương này không để xảy ra trường hợp nào thương vong về người. Tuy nhiên, thiệt hại về vật chất là không nhỏ. Theo đó, có 8.424 căn  nhà bị ngập, sập lún nứt 23 căn, 63 km đường bị ngập, thiệt hại hơn 107 tỷ đồng.  Hơn 1.500 người của lực lượng vũ trang cùng  752 phương tiện đã được huy động cứu hộ cứu nạn trong thời gian diễn ra trận ngập lụt.

Ông Lê Quốc Anh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang cho biết, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc đã nhìn thấy nhiều bất cập từ việc thoát nước ở sông Dương Đông Phú Quốc khi xảy ra mưa lớn, khi nơi đây có đến cả ngàn hộ dân sinh sống lâu đời hàng trăm năm qua. Việc này dẫn tới việc nạo vét, cải tạo cảnh quan môi trường, dòng chảy của sông Dương Đông gặp khó khăn. Muốn thực hiện được cần phải có hỗ trợ từ Trung ương bởi nguồn vốn ngân sách địa phương không kham nổi. Tuy nhiên, địa phương vẫn nghiên cứu xúc tiến các giải pháp khả thi trong thời gian sớm nhất, lộ trình nhanh nhất để cải tạo Sông Dương Đông trở thành địa điểm du lịch, mỹ quan và thoát nước tốt, tránh tình trạng ngập lụt vừa qua tái diễn.

Trao đổi với PV, PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi Khí hậu – Đại học Cần Thơ cho rằng, với tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới đang diễn ra phức tạp  không thể tiên liệu trước như hiện nay thì tình trạng mưa lớn bất thường như Phú Quốc vừa qua có thể sẽ tái diễn. Tuy nhiên, cường độ mật độ mưa có thể thấp hơn hoặc cao hơn nhiều so với lượng mưa vừa qua ở Phú Quốc.

Hoàng Quân