Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ngày Quốc tế về Rừng 21/3/2023: Rừng khỏe mạnh cho con người khỏe mạnh

Chu Hồng Châu - 16:36 21/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – “Khi chúng ta uống một cốc nước, viết một cuốn sổ, uống thuốc hạ sốt hay xây dựng một ngôi nhà, chúng ta đều có mối liên hệ với rừng. Chưa hết, ở nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của chúng ta được liên kết với rừng theo cách này hay cách khác” – đó là khẳng định của Tổ chức Liên Hợp quốc nhân ngày Quốc tế về rừng 21/3/2023.

Chủ đề của năm 2023 là “Rừng và sức khỏe”

Quản lý bền vững rừng và sử dụng các nguồn tài nguyên của rừng là chìa khóa để chống biến đổi khí hậu và góp phần vào sự thịnh vượng và hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai. Rừng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Tuy nhiên, bất chấp tất cả những lợi ích về sinh thái, kinh tế, xã hội và sức khỏe vô giá này, các khu rừng trên thế giới đang bị đe dọa bởi hỏa hoạn, sâu bệnh, hạn hán và nạn phá rừng chưa từng có.

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố ngày 21 tháng 3 hàng năm là Ngày Quốc tế về Rừng vào năm 2012 để kỷ niệm và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tất cả các loại rừng. Các quốc gia được khuyến khích thực hiện các nỗ lực cấp địa phương, quốc gia và quốc tế để tổ chức các hoạt động liên quan đến rừng và cây cối, chẳng hạn như các chiến dịch trồng cây. Các nhà tổ chức Ngày Quốc tế về rừng là Tổ chức Hợp tác về rừng và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO), phối hợp với các chính phủ và các tổ chức liên quan khác trong lĩnh vực này.

Chủ đề của mỗi Ngày Quốc tế về Rừng do Tổ chức Hợp tác về rừng lựa chọn. Chủ đề của năm 2023 là “Rừng và sức khỏe”. Năm nay, Liên Hợp quốc kêu gọi: “Rừng cung cấp rất nhiều cho sức khỏe của chúng ta. Rừng làm sạch nước, làm sạch không khí, thu giữ carbon để chống biến đổi khí hậu, cung cấp thực phẩm và thuốc cứu người, đồng thời cải thiện sức khỏe của chính chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ những nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này. Năm 2023 này, nhân loại hãy lên tiếng kêu gọi gìn giữ, bảo vệ chứ không chỉ nhận lấy từ rừng, bởi vì những khu rừng khỏe mạnh sẽ mang lại những con người khỏe mạnh”.

Nghiên cứu của Liên Hợp quốc chứng minh rằng việc gắn kết với rừng góp phần giảm căng thẳng và thúc đẩy tâm trạng và cảm xúc tích cực hơn. Ở trẻ em, rừng giúp phát triển tinh thần và xã hội lành mạnh. Ảnh Alexandr Vasilyev/Adobe Stock

Theo báo cáo của Liên Hợp quốc, ngày nay có tới 40% bề mặt đất của hành tinh đã bị suy thoái, bao gồm 30% đất trồng trọt và 10% đồng cỏ. Trong 50 năm qua, diện tích các vùng khô hạn trong tình trạng hạn hán đã tăng trung bình hơn 1% mỗi năm, điều này đã ảnh hưởng chủ yếu đến các quốc gia ở châu Phi và châu Á. Nếu chúng ta tiếp tục lạm dụng đất đai của mình, đến năm 2050, một khu vực rộng bằng Nam Mỹ  sẽ bị suy thoái .

Khi bề mặt Trái đất xấu đi, việc này có tác động đến an ninh lương thực, nguồn nước và sức khỏe của các hệ sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa nhân loại và gây ra tổn thất về dịch vụ môi trường trị giá khoảng 40 nghìn tỷ USD mỗi năm, chiếm gần một nửa GDP toàn cầu (93 nghìn tỷ USD) vào năm 2021.

Thoái hóa đất được coi là "nguyên nhân lớn nhất dẫn đến suy thoái, suy giảm đa dạng sinh học trên cạn", khiến môi trường sống của nhiều loài động vật và thực vật bị hủy hoại. tàn phá các cộng đồng, gây ra một số bất ổn kinh tế và xã hội. Có tới 250 triệu người có thể phải di dời vào năm 2050 do sa mạc hóa do biến đổi khí hậu gây ra.

Suy thoái đất ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu như thế nào? Suy thoái đất làm giảm khả năng lưu trữ carbon của đất. Ngoài ra, khi rừng bị chặt phá hoặc bị đốt cháy, lượng carbon mà chúng tích trữ được giải phóng. Một báo cáo của Liên Hợp quốc năm 2018 cho thấy, chỉ riêng nạn phá rừng đã chiếm khoảng 10% tổng lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra.

Từ năm 2000 đến 2009, lượng phát thải khí nhà kính hàng năm từ đất bị suy thoái chiếm tới 4,4 tỷ tán khí thải carbon dioxide (CO2); nếu so sánh, lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt đỉnh vào năm 2021 ở mức 36,3 tỷ tấn.

Khi hành tinh ấm lên, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hạn hán kéo dài và dữ dội hơn, mưa lớn hơn gây ra lũ lụt và lở đất, các cơn bão nhiệt đới thường xuyên và cường độ khủng khiếp hơn làm trầm trọng thêm tình trạng thoái hóa đất. Nếu không có nỗ lực khôi phục và bảo vệ đất, gần 70 tỷ tấn carbon sẽ được thải ra vào năm 2050 do thay đổi sử dụng đất và suy thoái đất, chiếm khoảng 17% lượng khí nhà kính hiện tại phát thải hàng năm.

Rừng khỏe mạnh cho con người khỏe mạnh

Ngày Quốc tế về Rừng năm 2023, Liên Hợp quốc kêu gọi: Bảo tồn và sử dụng bền vững rừng là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ hành tinh và chính chúng ta. Những khu rừng khỏe mạnh rất quan trọng đối với tất cả các khía cạnh của một hành tinh khỏe mạnh, từ sinh kế và dinh dưỡng đến đa dạng sinh học và môi trường, nhưng chúng đang bị đe dọa. Chúng ta phải bảo vệ những nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này.

Và điểm quan trọng nhất, rừng đóng vai trò hấp thụ khí CO2, trả lại Oxy cho sinh giới cũng như giảm hiệu ứng nhà kính do tích tụ CO2 là yếu tố gây ra sự nóng lên toàn cầu. Kết quả phá rừng làm giảm sự hấp thụ CO2 tương đương với lượng khí thải ra của ngành giao thông vận tải toàn cầu.

Hiện nay, rừng còn bao phủ hơn 30% diện tích đất trên thế giới và có hơn 60.000 loài cây. Rừng cung cấp thực phẩm, chất xơ, nước và thuốc men cho khoảng 1,6 tỷ người nghèo nhất thế giới, bao gồm cả người dân bản địa với các nền văn hóa độc đáo. Vì vậy, bảo vệ rừng là mục tiêu cấp thiết để bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Theo báo cáo Mục tiêu rừng toàn cầu năm 2021 của Liên Hợp quốc, rừng là nơi cư ngụ của 80% các loài sinh vật trên đất liên, 75% nguồn nước sạch mà con người có thể tiếp cận được trên thế giới đến từ các lưu vực có rừng. Khoảng 1/3 dân số thế giới, tương đương 2,4 tỷ người sử dụng gỗ và củi từ rừng làm năng lượng cho việc nấu nướng và sưởi ấm. Cũng có khoảng 40% nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới đến từ rừng, tương tự như các nguồn năng lượng mặt trời, thủy điện và nguồn năng lượng kết hợp khác.

Cũng theo báo cáo này, rừng còn có mối liên hệ trực tiếp với sức khỏe con người, rừng cung cấp nguồn thức ăn, cung cấp nguồn thuốc chữa bệnh từ thảo dược lên đến 80% ở các quốc gia đang phát triển và 25% tại các quốc gia phát triển.

Rừng cũng cung ứng các sản phẩm là nguyên liệu cho các vật tư y tế. Thống kê cũng cho thấy, 75% bệnh truyền nhiễm từ động vật và thường xuất hiện khi rừng bị tàn phá. Ở trong rừng và gần rừng có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch, cải thiện trạng thái tâm lý và giúp cho con người thư giãn.

Hơn 12.000 nông dân trồng rừng Việt Nam được hưởng lợi từ Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF II)

Từ năm 2015, Hội Nông dân Việt Nam là đối tác chính thực hiện Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) giai đoạn I tại Việt Nam của Tổ chức Lương thực và Nông Nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) và tiếp tục thực hiện Chương trình FFF giai đoạn II từ 2019 đến nay. Mục tiêu của Chương trình FFF là các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại, trong đó có phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trở thành các tác nhân thay đổi chủ yếu đối với cảnh quan chống chịu biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. Chương trình FFF II đang được thực hiện ở 5 tỉnh miền núi phía Bắc: Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La và Thái Nguyên.

Ông Lương Quốc Đoàn-  Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức sản xuất rừng và trang trại do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức vào tháng 9/2022. Ảnh FFF

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức sản xuất rừng và trang trại do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức vào tháng 9/2022 với hơn 60 đại biểu quốc tế đến từ 30 quốc gia, ông Lương Quốc Đoàn-  Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: "Thực hiện chiến lược quốc gia về "Tăng trưởng xanh" và các cam kết của Việt Nam tại COP26, với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho 10,2 triệu hội viên nông dân, Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai tới cán bộ, hội viên nông dân cả nước việc phát triển nền kinh tế xanh. Việc "Xanh hóa" sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và nâng cao đời sống cho người dân”. 

Gian hàng giới thiệu những sản phẩm từ sản xuất rừng theo Chương trình FFF của Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn tại Hội chợ Xuân 2023 tổ chức tại Hà Nội. Ảnh Chu Hồng Châu

Từ trồng rừng, gia tăng tỷ lệ che phủ rừng, ngành lâm nghiệp đã gián tiếp góp phần vào xóa đói, giảm nghèo, thu hút trên 25 triệu lao động vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, chế biến lâm sản và dịch vụ để tăng thu nhập, tạo việc làm, phát triển sinh kế cho người dân.

Giai đoạn II (2019-2022), mặc dù có nhiều khó khăn thách thức cả chủ quan lẫn khách quan, song Chương trình FFF II đã được những tín hiệu rất tích cực, nâng cao thu nhập 15-20% và giảm nghèo bền vững cho các thành viên tham gia và đạt được nhiều kết quả nổi bật, hơn 12.000 nông dân trồng rừng và cán bộ Hội Nông dân đã và đang được hưởng lợi từ Chương trình.  

Tại Việt Nam, trong những năm qua, thực hiện Chiến lược về phát triển lâm nghiệp, ngành lâm nghiệp, nước ta luôn đạt và vượt mức tỷ lệ che phủ rừng. Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam từ năm 2016 đến nay tăng từ 41,19% lên 42,02% (tỷ lệ tăng 0,83% tương đương với khoảng 270.000ha rừng tăng thêm).

Để có được con số này, từ năm 2016 đến nay, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ. Công tác trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh đạt nhiều kết quả. Cả nước đã trồng bình quân 235.000ha rừng tập trung/năm. Bình quân 221.000ha/năm rừng trồng sản xuất và khoảng 14.000 ha/năm rừng đặc dụng phòng hộ. Bên cạnh đó, cũng đã trồng bình quân 63 triệu cây phân tán/năm và khoanh nuôi tái sinh bình quân 278.000ha/năm.

Những kết quả trên đã góp phần vào nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm lâm nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia. Cụ thể, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân từ 5,5 – 6,0%/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt không ngừng tăng lên, mang lại 17,09 tỷ USD vào năm 2022, trong đó có sự đóng góp từ  khoảng 80% nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung trong nước với sản lượng khoảng 20,5 triệu m3/năm.

(Nguồn: dịch từ Tổ chức Liên Hợp quốc - United Nations, Chương trình FFF - Trung ương Hội NDVN)