Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nghệ An: Tăng cường biện pháp phòng chống cháy rừng

Bùi Ánh - 08:36 04/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Để chủ động phòng ngừa thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), nhằm giảm đến mức thấp nhất số vụ cháy và diện tích rừng bị cháy trong năm 2024, UBND tỉnh Nghệ An đã có Chỉ thị số 08 – CT UBND ngày 27/3/2024 về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

Chỉ thị nêu rõ: Nắng nóng gay gắt, kéo dài và sự bất cẩn của người dân sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cháy rừng. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương tại tỉnh Nghệ An đã chủ động triển khai nhiều biện pháp PCCCR.

PCCCR là trách nhiệm của cả toàn dân

Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 58,33% với nhiều loại rừng khác nhau, trong đó có diện tích rừng trồng thông nhựa, rừng trồng bạch đàn (là những loài có tinh dầu), rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng hỗn giao gỗ nứa, nứa gỗ, rừng tre nứa chiếm tỷ trọng lớn, thảm thực bì rất dễ bén lửa gây ra cháy vào mùa khô; vào mùa Hè thường xảy ra nắng nóng khô hạn kéo dài, kết hợp gió phơn Tây Nam thổi mạnh, độ ẩm không khí xuống thấp, nguy cơ cháy rừng rất cao, gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng và ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, hủy hoại môi trường sinh thái và đời sống của người dân.

Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các chủ rừng triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng như:

Đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã: Thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bên vũng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Chỉ đạo các chủ rừng, UBND các xã rà soát và xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR theo đúng phương châm 4 tại chỗ: "Phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Chú trọng các nội dung: Tập huấn nghiệp vụ, huấn luyện diễn tập chữa cháy rừng; phát dọn thực bì, đốt trước vật liệu cháy, làm đường băng cản lửa, lắp đặt các biển cảnh báo cấm lửa, bảng nội quy ra vào rừng...; kiểm tra, phát hiện, xử lý sớm những bất cập, tồn tại trong phương án PCCCR tại địa phương và các chủ rừng trên địa bàn để có biện pháp khắc phục, bổ cứu kịp thời.

Chủ động triển khai mọi phương án trong công tác PCCCR là yếu tố đóng vai trò quan trọng

Tăng cường kiểm tra an toàn PCCCR tại các khu rừng trọng điểm, quản lý tốt các hoạt động canh tác nương rẫy; đốt xử lý thực bì trồng rừng; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi chặt phá rừng để lấy đất trồng rừng hoặc chuyên mục đích sử dụng đất rừng trái phép.

Đối với Sở NN&PTNT tiếp tục tăng cường kiểm tra đôn đốc việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR của các địa phương và chủ rừng; chủ trì phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn phòng cháy tại các khu rừng trọng điểm; phát hiện những tồn tại, yếu kém trong việc tổ chức thực hiện phương án PCCCR tại các địa phương và chủ rừng để chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục, bổ sung kịp thời.

Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường lực lượng thường trực canh phòng lửa rừng tại khu rừng trọng điểm, có nguy cơ xảy ra cháy cao để có biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Đồng thời củng cổ, kiện toàn Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR chuyên ngành, đủ số lượng, nghiệp vụ chừa cháy, rèn luyện thê lực, kỹ năng chữa cháy, đảm bảo phương tiện kỹ thuật, hậu cần thiết yếu, ứng trực 24/24 giờ hàng ngày, sẵn sàng ứng cứu tất cả các tình huống cháy rừng xảy ra…

Đối với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng tăng cường phối hợp chữa cháy rừng khi sự cố xảy ra nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về rừng.