Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cựu chiến binh sống nghĩa tình với đồng đội

Đức Vượng - 07:19 30/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sau nhiều năm trăn trở phải làm một việc gì đó để vơi đi một phần đau thương, mất mát của gia đình đồng chí, đồng đội của mình đã hy sinh, ông đã đề ra kế hoạch sẽ đi tìm mộ liệt sĩ. Năm tháng trôi qua, người lính già ấy đã tìm được hơn 1.000 ngôi mộ từ khắp nơi trên cả nước để đưa hài cốt đồng đội về với thân nhân của họ...

Không ngại khó, khổ tìm và quy tập hài cốt đồng đội 

Dù là con một trong gia đình trí thức tại xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) nhưng ông Lê Trường Giang (sinh năm 1945) lại quyết định xin nhập ngũ đội thanh niên xung phong tình nguyện tại Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân khu 4 (khu vực Bắc Trung Bộ). Hơn hai tháng huấn luyện, tháng 10/1964, ông cùng đơn vị lên đường vào Nam chiến đấu. Tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Cụ thể tháng 5/1968, bắn rơi một chiếc máy bay trực thăng Mỹ, ông được đơn vị tuyên dương khen thưởng và thăng quân hàm Trung tá.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Giang tiếp tục được phân công ở lại phục vụ trong quân đội. Đến năm 1977, ông tiếp tục nhận nhiệm vụ tham gia chiến đấu tại vùng biên giới Tây Nam bộ bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp đỡ nước bạn Campuchia.

Năm 1991, ông về nghỉ hưu, sinh hoạt tại Chi hội Cựu Chiến binh phường 13, quận Tân Bình (TP.HCM). Trong những tháng ngày nghỉ hưu, ông vẫn tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực tại địa phương nơi mình sinh sống. Năm 1998, ông được nhân dân khu phố 5, phường 13 bầu làm Tổ trưởng tổ khu phố và giữ nhiệm vụ này hơn 20 năm liền.

Cựu Chiến binh Lê Trường Giang (đội mũ) trong một lần tìm mộ liệt sĩ (ảnh nhân vật cung cấp)

Trở về với cuộc sống đời thường, ông luôn trăn trở và mong muốn một điều làm sao để tìm lại đồng đội mình năm xưa đã hy sinh vì Tổ quốc. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 16 của ông đóng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Củ Chi, đây là chiến trường ác liệt nhất thời bấy giờ. Là một cán bộ trinh sát, vì thế ông thường xuyên khảo sát kỹ chắc chắn địa bàn chiến trường, và khu vực của các trận đánh, và biết một số nơi chôn cất đồng đội mình.

Năm 2007, ông Lê Trường Giang đến Phòng Chính sách Quân khu 7 (QK7) liên hệ, tìm hiểu danh sách một số liệt sĩ của Trung đoàn 16. Nắm được thông tin, ông đến liên hệ với từng gia đình để ghi nhận thêm thông tin từ đó định hướng tìm mộ theo hai hướng: Thứ nhất, sẽ tìm mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ rồi báo về gia đình và địa phương của họ; Thứ hai, sẽ tìm mộ chưa được quy tập vẫn đang nằm rải rác ở rừng núi, thôn, xóm, nơi từng diễn ra nhiều trận đánh mà các chiến sĩ đã hy sinh.

Cuốn sổ ghi chép thông tin về liệt sĩ của ông Lê Trường Giang

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông đã xin giấy giới thiệu của Hội Cựu Chiến binh TP.HCM đến các sở, phòng Lao động Thương binh Xã hội (LĐ - TB&XH) các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, khu vực ven Sài Gòn để tìm mộ liệt sĩ. Mỗi chuyến đi như thế, ông luôn lập thành hai bộ hồ sơ. Bộ hồ sơ gốc do Trung đoàn 16 QK 7 và các sở, phòng LĐ - TB&XH địa phương cung cấp, còn bộ hồ sơ thứ hai là do các đồng đội cũ và người dân cung cấp để tiện cho việc tìm kiếm. Có hồ sơ rồi mang so sánh đối chiếu, nếu dữ liệu nào trùng khớp thì báo về địa phương và gia đình thân nhân. Những trường hợp không trùng khớp, thông tin sai lệch thì ông lại tìm về đơn vị địa phương để so sánh đối chiếu.

Cựu Chiến binh Lê Trường Giang kể lại: “Hầu hết trong hồ sơ lưu hoặc trên mộ của liệt sĩ chỉ ghi họ tên, năm sinh (không có ngày, tháng) quê quán chỉ ghi huyện, tỉnh (không ghĩ rõ thôn, xã) ghi năm hy sinh (không ghi ngày, tháng trận đánh). Việc đối chiếu có khi phải đi lại nhiều lần, so sánh đối chiếu từng chi tiết, trong khi đó tôi lại là thương binh tuổi già sức yếu, phải đi xe ôm, xe đò, xe buýt… nhưng tôi vẫn quyết tâm làm bằng được, để giúp đỡ nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ đi nhận mộ”.

Mỗi khi tìm được thông tin hay phần mộ của liệt sĩ, ông Giang cặm cụi viết thư gửi về cho gia đình của họ và chính quyền địa phương. Khi thân nhân liệt sĩ liên hệ lại, ông hướng dẫn để gia đình làm giấy tờ đi nhận mộ theo đúng quy định của pháp luật. Gia đình ông còn tận tình đón tiếp, bố trí nơi ăn nghỉ và trực tiếp dẫn người thân liệt sĩ đến phần mộ liệt sĩ. Bản thân ông cũng đã phối hợp tìm, cất bốc được trên 10 phần mộ liệt sĩ ở các khu kháng chiến năm xưa của Trung đoàn 16. Vì vậy, hơn 1.500 phần mộ liệt sĩ Trung đoàn 16 đã được ông tìm thấy thông tin, cũng đồng nghĩa với bấy nhiêu gia đình liệt sĩ tìm được sự an ủi sau nhiều năm mong đợi tin tức.

Giúp đỡ gia đình đồng đội, thương binh nặng

Ông Giang tham gia tích cực các hoạt động nghĩa tình đồng đội, với tâm niệm là chia sẻ những khó khăn của đồng chí, đồng đội mình để họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Cụ thể là trường hợp ông Phạm Thế Liễn, quê xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, (tỉnh Thái Bình), thương binh nặng 81% bị chất độc da cam, là bạn chiến đấu cũ của ông, hiện đang thường trú tại xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Năm 2010, ông Giang cùng vợ ra tỉnh Thái Bình thấy gia đình đồng đội gặp rất nhiều khó khăn, nhà rách, vách nát không có tiền chữa bệnh, ba người con đều bị chất độc da cam (do bị di truyền của bố), một đứa đã chết, vợ lại ốm đau bệnh tật liên miên. Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, chính quyền địa phương và bà con thôn xóm chỉ hỗ trợ được một phần không đáng kể.

 Cựu Chiến binh Lê Trường Giang được nhận rất nhiều bằng khen

Thấy được hoàn cảnh gia đình đồng đội khó khăn như vậy, ông đã bàn bạc với vợ và các con: “Nhà ta nghèo nhưng nhà chú ấy còn nghèo hơn. Vì tình cảm đồng chí, đồng đội và tình người, các con hãy cùng bố mẹ mở rộng lòng thương người, gia đình ta đưa chú Liễn vào trong này chữa bệnh”, ông Giang kể lại.

Cả gia đình đều nhất trí với quan điểm trên rồi đưa đồng đội mình vào TP.HCM chữa bệnh. Trong suốt thời gian đó, ngày ngày ông Giang đều lấy xe máy chở đồng đội của mình đến bệnh viện điều trị. “Có công mài sắt có ngày nên kim”, hơn ba tháng điều trị, sức khỏe ông Liễn dần dần hồi phục, đi lại một mình và tự nói được chầm chậm. Gia đình ông Liễn xin chuyển về căn nhà tình nghĩa ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước nhưng không may đã bị kẻ trộm bẻ khóa vào lấy hết đồ đạc. Thế là vợ chồng ông Giang lại bàn kế hoạch đi mua sắm đầy đủ những tiện nghi, đồ đạc gia đình cho đồng đội.

Chia sẻ về dự định sắp tới, ông Giang tâm sự: “Tôi tham gia nhiều trận chiến đấu, chứng kiến biết bao đồng đội ngã xuống vì Tổ quốc. Gia đình tôi cũng là gia đình liệt sĩ nên thấu hiểu thế nào là mất mát, hy sinh và niềm mong mỏi của người thân. Trăn trở lớn nhất của tôi là hiện còn hơn 3.000 phần mộ liệt sĩ Trung đoàn 16 chưa tìm thấy hoặc chưa xác định được thông tin chính xác. Tôi còn sức khỏe thì còn tiếp tục đi tìm thông tin về đồng đội. Tôi sẽ dành trọn những tháng năm còn lại trong đời để có thể đưa anh em, đồng chí, đồng đội về nơi ấm áp nhất”.

Ngoài việc giúp các gia đình liệt sĩ tìm các phần mộ còn thất lạc, ông Giang cùng vợ còn dành số tiền lương hưu ít ỏi, vận động thêm con cái, người thân để chăm lo, động viên cho các thương binh hạng nặng gần nơi mình sinh sống. Trong những chuyến về nguồn, gặp lại đồng đội ngày xưa, thấy ai bệnh tật, khó khăn, ông Giang đều mở lời giúp đỡ. Ông nói, còn sống, còn khỏe thì phải nghĩ đến đồng đội và gia đình của họ. Ông luôn dặn các con, đừng bao giờ quên công lao của người đã nằm xuống, vì nếu không có sự hy sinh thầm lặng ấy làm sao có được bình yên hôm nay.

Ông Tạ Quang Việt, Nguyên Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường 13, quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết: “Đồng chí Lê Trường Giang là một trong những tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bao nhiêu năm qua nhưng đâu đây vẫn còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh và khó khăn của chiến tranh để lại, nhận thấy điều đó, một mình đồng chí Giang đi hết nơi này đến nơi khác mong sao tìm lại phần mộ của đồng đội của mình năm xưa và đã có hơn 1.500 phần mộ liệt sĩ Trung đoàn 16 được đồng chí Giang tìm thấy thông tin để đưa về với thân nhân. Có thể nói, đồng chí Giang là một trong những tấm gương sáng để cho thế hệ trẻ học hỏi và phát huy trong đời sống hiện nay của chính mình”.

"Cựu chiến binh góp phần làm thất bại mọi âm mưu của thế lực thù địch"
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Hội cựu chiến binh kiên quyết bảo vệ các thành quả của cách mạng, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình," "phi chính trị hóa quân đội."