Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quy định vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai

Lê Chiên (ghi) - 11:17 13/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Bão Yagi đã và đang gây thiệt hại rất nặng nề về người và của tại một số tỉnh miền Bắc. Lợi dụng dụng tình hình này, hiện nay trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều trang fanpage giả mạo kêu gọi từ thiện để lừa đảo, trục lợi. Làm thế nào để lòng hảo tâm không bị kẻ xấu lợi dụng? Tiền, hiện vật ủng hộ đến đúng được gia đình bị thiệt hại? Dưới góc nhìn pháp lý, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mai (giảng viên Học viện Tư pháp) trao đổi như sau:

Với tinh thần tương thân, tương ái người dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước đang hướng về vùng bão lũ, chung tay, góp sức để chia sẻ những tổn thất, mất mát đau thương của người dân vùng bão lũ – đó là nghĩa cử cao đẹp, là đạo lý truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, theo thông tin từ báo chí, hiện nay mạng xã hội đang xuất hiện nhiều trang fanpage giả mạo kêu gọi từ thiện để lừa đảo, trục lợi. Một trong những biện pháp để ngăn chặn tình trạng này là người dân cần hiểu rõ quy định của pháp luật về việc vận động quyên góp.

Cụ thể, việc vận động quyên góp ủng hộ khắc phục khó khăn do thiên tai đã được quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ “Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”. Nếu thực hiện tốt những quy định tại Nghị định này thì việc quyên góp ủng hộ cho những người bị thiệt hại sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, loại trừ được những hành vi trục lợi.

Tiếp nhận và phân phối hàng hóa cứu trợ ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do lũ ở Tạp chí Nông thôn mới.

Đối tượng được kêu gọi ủng hộ.

Theo quy định tại Nghị định trên thì ai được kêu gọi quyên góp, ủng hộ, thưa tiến sĩ?

Có thể nói ai có tấm lòng hảo tâm, đều có thể được tham gia vận động quyên góp ủng hộ cho người gặp khó khăn. Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP quy định đối tượng được vận động quyên góp ủng hộ như sau:

“1. Các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện:

a) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi, vận động; Ban Vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện (là tổ chức do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập - sau đây gọi là Ban Vận động) tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;

b) Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;

c) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền theo quy định của pháp luật;

d) Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai vận động, tiếp nhận đóng góp tự nguyện từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai;

đ) Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế vận động, tiếp nhận và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;

e) Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi là quỹ từ thiện) vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;

g) Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;

h) Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.”

Hỗ trợ đồng bào bị lũ giúp người dân ấm lòng hơn. Ảnh minh họa

Quy định về cá nhân tham gia vận động đóng góp

Để việc tham gia vận động quyên góp ủng hộ của cá nhân được thuận lợi, công khai, minh bạch; nguồn quyên góp ủng hộ đến đúng địa chỉ, tránh được hành vi trục lợi, pháp luật quy định thế nào?

- Cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai phải thực hiện quy định tại Mục 2, Chương II, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP (gồm các Điều 17, Điều 18, Điều 19)

- Việc vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện phải thực theo quy định tại Điều 17. Cụ thể là:

+ Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

+ Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

- Việc phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo quy định tại Điều 18. Cụ thể là:

Căn cứ nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, tiếp nhận, cá nhân có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp; trường hợp cần thiết, liên hệ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể) chậm nhất để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết tại khoản 1 Điều 17 và quy định tại Nghị định này, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có)...

Bên cạnh đó còn phải thực hiện quy định về "Quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện" tại Điều 19.

Quy định về tổ chức tham gia vận động đóng góp

Đối với các tổ chức vận động đóng góp để ủng hộ người bị thiệt hại do thiên tai phải thực hiện quy định gì?

Các tổ chức tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai phải thực hiện theo đúng quy định tại Mục 1, Chương II, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP, như: Kêu gọi, vận động đóng góp tự nguyện (Điều 6); Thời gian vận động, tiếp nhận và phân phối (Điều 8); Tiếp nhận, quản lý nguồn đóng góp tự nguyện (Điều 9); Phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện (Điều 10); Nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện (Điều 11); Quản lý tài chính, xây dựng, chế độ báo cáo (Điều 13); Công khai đóng góp tự nguyện (Điều 14)...  

Để ngăn chặn hành vi trục lợi từ việc quyên góp ủng hộ, pháp luật có quy định gì?

Để mọi người tích cực tham gia công tác thiện nguyện và ngăn ngừa những hành vi lợi dụng việc vận động quyên góp để trục lợi, Điều 4, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP đã quy định về: Nguyên tắc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện. Theo đó, Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai”. Đồng thời cũng quy định: Tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp để khắc phục khó khăn do thiên tai, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai, đúng mục đích, đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Bên cạnh đó, Điều 5 Nghị định này quy định các hành vi bị nghiêm cấm”. Một trong những hành vi bị nghiêm cấm đó là:

+ Báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện.

+ Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Ngoài ra, người có hành vi chiếm đoạt tiền, hiện vật từ việc vận động quyên góp ủng hộ, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017. 

Trên đây chỉ là một số nội dung cơ bản, để nắm vững, các bạn cần nghiên cứu Nghị định số 93/2021/NĐ-CP.

Cảm ơn Tiến sĩ!

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Tạp chí Nông thôn mới kêu gọi các tổ chức, cá nhân, bạn đọc, doanh nghiệp, các nhà hảo cùng chung tay ủng hộ, giúp đỡ đồng bào vượt qua thiên tai và những khó khăn trong và sau bão, lũ sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Việc ủng hộ được chia làm 2 đợt:

* Đợt 1: Ủng hộ để đồng bào đảm bảo cuộc sống

- Thời gian từ 11/9/2024 đến ngày 30/9/2024

- Ủng hộ bằng tiền hoặc hiện vật là các nhu yếu phẩm như: Gạo, mì tôm, lương khô, bánh chưng, bánh mì ruốc, đèn pin, áo phao, chăn, màn, quần, áo, thuốc thông thường…

* Đợt 2: Ủng hộ để giúp đồng bào khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống

- Thời gian từ 01/10/2024 đến ngày 15/11/2024

- Ủng hộ bằng tiền hoặc giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; vật tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; vật liệu xây dựng nhà cửa; đồ gia dụng…

Sự tham gia ủng hộ của Quý vị là nguồn động viên to lớn đối với đồng bào, giúp đồng bào sớm vượt qua khó khăn, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do thiên tai gây ra. Những đóng góp, chia sẻ của quý vị sẽ được chuyển nhanh nhất đến đúng những đối tượng cần ủng hộ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Tạp chí Nông thôn mới, Tầng 7, Tòa nhà Báo Nông thôn ngày nay - Lô E2, phố Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Điện thoại: 024.38470876 - 0984 599 179; 0976 606 690

Tên tài khoản nhận tiền: Tạp chí Nông thôn mới. Số tài khoản: 1506 201037979 Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Tây Hồ - Hà Nội.

(Ghi rõ tên, địa chỉ của đơn vị, cá nhân ủng hộ. Nội dung ghi: Ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vì bão lũ).

 

 

*THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ-TTG