Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhà vườn phấn khởi vì giá chuối tăng cao

10:35 04/09/2023 GMT+7
Sau thời gian dài giảm giá và duy trì mức giá rất thấp trong những tháng đầu năm, từ giữa tháng 8 đến nay, giá chuối ở Kiên Giang đã tăng khá cao, từ 5.000 - 5.500 đồng/nải, giá bắp chuối (hoa chuối) cũng tăng lên 6.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhà vườn rất phấn khởi vì lợi nhuận khá cao.

Chú thích ảnh

Chuối xiêm trên địa bàn huyện U Minh Thượng, Kiên Giang. Ảnh tư liệu: Lê Sen/TTXVN

Là một trong những người gắn bó lâu năm với nghề trồng chuối ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Phượng cho biết, gia đình trồng 4 ha chuối xiêm. Trung bình mỗi tháng ông thu hoạch một đợt khoảng 6.000 nải chuối, cắt bán mỗi ngày từ 30 - 50 bắp chuối.

Theo ông Phượng, từ tháng 2/2023 đến tháng 7 vừa qua, giá chuối trái và bắp chuối giảm mạnh, chỉ 2.000 đồng/nải, bắp chuối 3.000 đồng/kg nên mỗi đợt thu hoạch chỉ được khoảng 15 triệu đồng. Bước sang tháng 8, giá chuối tăng lên 5.000 đồng/nải nên đợt thu hoạch của tháng này, vườn chuối nhà ông bán được 35 triệu đồng. 

"Từ đầu tháng 8 đến nay, giá chuối tăng dần nên nông dân trồng chuối ở đây rất phấn khởi. Bởi, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nếu giá chuối không lên nông dân dễ bị thua lỗ. Chúng tôi mong giá chuối trái được duy trì từ 4.000 đồng/nải trở lên để nông dân có lợi nhuận và yên tâm bám vườn", ông Phượng chia sẻ.

Bà Trịnh Thùy Trâm, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng cũng cho biết, nhiều tháng trước đây có những đợt vườn chuối chỉ bán được với giá 1.500 đồng/nải, thậm chí có những lúc thương lái không đến thu mua. Tuy nhiên, từ khi bước sang tháng 8, giá chuối bắt đầu tăng lên và nhiều thương lái đến thu mua.

"Vườn chuối nhà tôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên trái bán giá cao hơn so với cách trồng truyền thống từ 500 - 1.000 đồng/nải. Hiện tại, thương lái thu mua giá 5.500 đồng/nải. Theo thương lái, giá chuối tăng là do nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Giá tăng thì mừng nhưng không thấy sự ổn định nên chúng tôi duy trì diện tích trồng cũ chứ không dám mở rộng thêm", bà Trâm nói.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng, mô hình trồng chuối ở huyện bắt đầu từ năm 2000 và phát triển mạnh trong khoảng 4 năm trở lại đây; trong đó, tập trung chủ yếu ở vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng thuộc xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận. Hầu hết nông dân khu vực này đều phát triển mô hình đa canh tổng hợp như trồng xen canh cây ăn trái với rau màu kết hợp nuôi cá, ốc…

Qua nhiều năm đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đầu tư cho thủy lợi đảm bảo nguồn nước đáp ứng tốt nhu cầu phát triển sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường, sản lượng chuối trái trên địa bàn huyện trong 8 tháng của năm 2023 đạt gần 37.000 tấn, bắp chuối khoảng trên 900 tấn.

"Những năm qua, phòng nông nghiệp huyện cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho các loại nông sản ở địa phương, đặc biệt là chuối. Đồng thời, tăng cường quản lý, định hướng sản xuất để mô hình trồng chuối trên địa bàn phát triển ổn định, đảm bảo đầu ra cho nông dân", ông Nguyễn Việt Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng cho biết.

Theo Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, tổng diện tích trồng chuối toàn tỉnh hiện có trên 3.200 ha; trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện U Minh Thượng (trên 2.700 ha), còn lại nông dân trồng rải rác ở các huyện: Tân Hiệp, An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận… Bên cạnh chuối xiêm, chuối già truyền thống, một số nhà vườn còn phát triển giống chuối già Nam Mỹ, chuối xiêm lùn, chuối sáp… 

Theo đề án phát triển cây ăn quả chủ lực của Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt ngày 27/10/2022, tỉnh Kiên Giang được chọn là vùng sản xuất trọng điểm 2 loại trái cây chủ lực là chuối và dứa.

Cụ thể, định hướng đến năm 2025, cùng với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Nam Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, có tỉnh Kiên Giang sẽ trở thành vùng trọng điểm sản xuất chuối của cả nước với tổng diện tích khoảng 165.000 - 175.000 ha, ước sản lượng khoảng 2,6 - 3 triệu tấn.

Để đáp ứng vùng nguyên liệu, các tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, tăng cường sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh, phục tráng giống, chuyển giao các giống chuối đặc sản gắn với chương trình phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) ở các địa phương.

"Chúng tôi sẽ căn cứ theo đề án, kế hoạch và quy hoạch phát triển cây ăn trái của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói chung, nghề trồng chuối trên địa bàn tỉnh nói riêng để định hướng mở rộng loại cây trồng này cho phù hợp, hạn chế tình trạng trồng tự phát, ồ ạt. Cùng với đó, là tăng cường quản lý, hướng dẫn kỹ thuật chọn cây giống, canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học gắn với phát triển chuỗi liên kết và tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho cây chuối", ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh.

Theo TTXVN/Vietnam+