Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhãn Idor Châu Thành trồng theo hướng hữu cơ, lợi nhuận cao hơn 70% so với giống cũ

Ái Vân - 07:03 09/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn() - Cây nhãn được xem là cây chủ đạo gắn liền với tên gọi vùng đất Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Mỗi năm, người dân nơi đây thu được hàng ngàn tấn nhãn, được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Nhãn Châu Thành được xuất khẩu sang các thị trường khó tính

Ông Huỳnh Hữu Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết: Với loại nhãn tơ, nông dân sẽ chăm sóc từ 6-7 tháng với hàng chục công đoạn xử lý ra ngọn, ra hoa và nuôi trái. Nhãn mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây vì chất lượng vượt trội, được xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Những năm gần đây, nhờ chuyển sang trồng nhãn Idor, người dân đã tăng dần thu nhập. Sản phẩm được thị trường trong nước ưa chuộng và xuất khẩu với giá trị kinh tế cao. Khi nhắc đến Châu Thành hầu như mọi người đều liên tưởng đến những vườn nhãn tỏa hương thơm cả vùng mỗi khi đến mùa thu hoạch.

Theo UBND huyện Châu Thành, diện tích nhãn được cấp mã số vùng trồng là 168 ha, 126 ha đạt chứng nhận VietGAP và 19,5 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Trước đây, có thời điểm nông dân không biết tìm loại cây trồng thích hợp để thay thế cho cây nhãn da bò đang bị nhiễm nhiều bệnh phải chặt bỏ. Nhãn Idor được trồng thử nghiệm thành công từ hương vị đến năng suất cao nên người dân đã dần chuyển đổi sang giống cây trồng này và nổi lên như một giải pháp cho người dân Châu Thành.

Nhãn Idor sau 3 năm trồng bắt đầu cho trái, tuy nhiên so về giá thì cao hơn 2 đến 3 lần các giống nhãn cũ. Vào năm 2016, nhãn Châu Thành được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu và liên kết được với các doanh nghiệp để cung ứng cho các thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhãn Châu Thành còn được kết nối tiêu thụ với hệ thống siêu thị Bách hoá Xanh để cung ứng cho thị trường khắp các tỉnh, thành. Đây là cơ hội mới để nâng cao thu nhập cho người dân trồng nhãn.

Để giúp nông dân tiêu thụ nhãn trong những thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với các đơn vị để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử: Postmart.vn và Voso.vn. Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hoà đã hợp tác cung ứng cho Postmart.vn và Voso.vn nhãn để cung cấp cho khách hàng.

Hiện nay, huyện Châu Thành là nơi trồng nhãn nhiều nhất tỉnh Đồng Tháp có gần 3.700 ha. Nhãn là cây có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều nhất ở các xã An Nhơn và các xã An Phú Thuận, An Khánh, Phú Hựu… Ngoài nhãn, tỉnh còn liên kết rất nhiều nông sản khác như: Bưởi, lúa, xoài, chanh, ổi, mít, mận, khoai lang... Từ đầu tháng 7/2021 đến nay có hơn 200 sản phẩm của Đồng Tháp chủ yếu là sản phẩm OCOP đã được bán trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Sendo, Lazada, Postmart...

Lợi nhuận đạt hơn 70% so với trồng giống nhãn cũ

Theo các chủ nhà vườn trồng nhãn Idor, nhờ liên kết trồng nhãn xuất khẩu mà lợi nhuận thu được khá cao so với trồng nhãn thông thường. Ông Thuận cho biết: Nếu nông dân áp dụng đúng theo kỹ thuật của cán bộ Nông nghiệp chỉ dẫn và theo yêu cầu của công ty thì sản phẩm nhãn sẽ được xuất khẩu sang nước ngoài với giá xuất khẩu ổn định ở mức khá cao, nên các nhà vườn trồng nhãn có thể yên tâm canh tác. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người dân trồng nhãn Châu Thành.

Hiện nay, bà con nông dân đang điều chỉnh lại vườn nhãn của mình trồng rải vụ theo hướng sạch, an toàn đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Để giúp nông dân trồng nhãn đạt hiệu quả cao và có đầu ra ổn định, Đảng ủy huyện Châu Thành đã phân công chuyển đổi sang trồng nhãn hữu cơ. Từ tổ liên kết sản xuất cầu Rạch Viên với hiệu quả mô hình trồng nhãn sạch, đã chuyển giao cho các thành viên hợp tác xã. Qua mô hình này, thấy hiệu quả tăng cao, giảm đầu tư, lợi nhuận tăng.

Nhãn Châu Thành nổi tiếng hương vị thơm ngon. Ảnh: Ái Vân

Ông Thuận cho biết: Địa bàn xã An Nhơn có trên 900ha diện tích trồng nhãn và hợp tác xã Nông sản an toàn An Hoà có hơn 200ha. Thời gian qua, Hội Nông dân xã đã thành lập nhiều tổ hợp tác sản xuất ra nhiều sản phẩm cung cấp đầu ra cho các Hợp tác xã. Do người trồng nhãn trước đây đa số chỉ bón phân vô cơ, nên năng suất và chất lượng không cao, chỉ đạt 15-20 tấn/ha, giá thu mua lại thấp. Từ khi chuyển qua trồng theo hướng hữu cơ, năng suất nhãn tăng đến 30 tấn/ha, giảm chi phí đầu tư, có vườn chỉ 3.000m2 nhưng năng suất đạt được 11 tấn/1.000m2. Nếu chỉ tính 1 tấn quả bán giá 20 triệu đồng thì trên 1.000m2  diện tích trồng nhãn, nông dân có thu về hơn 60 triệu đồng. Hiện nay chủ trương của Hợp tác xã là hướng nông dân chuyển dần sang hướng hữu cơ nhằm giảm chi phí đầu tư tăng năng suất giúp bà con nâng cao thu nhập.

Sản phẩm nhãn Châu Thành hiện nay xuất khẩu chủ yếu là xuất hàng tươi. Tới đây, Hợp tác xã dự kiến sẽ xin chủ trương xây nhà máy, nhà kho chế biến để sấy khô, đóng lon đóng hộp nhằm đa dạng các sản phẩm từ nhãn và bảo quản lâu hơn. Thời gian qua, các Hợp tác xã ở địa phương chỉ cung cấp cùi nhãn tươi lên các đơn vị ở thành phố Hồ Chí Minh để đóng lon. Hợp tác xã cũng đã đến các chợ đầu mối mở chi nhánh nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và hướng đến xuất khẩu. Việc quan trọng hiện nay là vận động duy trì vùng trồng và người trồng sao cho trái nhãn Idor đẹp, đạt tiêu chuẩn cao, sạch sẽ, cho lợi nhuận rất cao (khoảng hơn 70% so với trồng giống nhãn da bò trước đây). Vừa rồi dịch bệnh, do vận chuyển  khó khăn nên giá bán nhãn chỉ đạt 6.000 -7.000 đồng/kg tại vườn. Nhãn không đạt chuẩn chỉ được mua với giá 5.000 đồng/kg để các cơ sở sấy khô.

Ông Chung Hữu Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành cho biết: Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hoà, xã An Nhơn đã đi đúng hướng và tìm đầu ra sản phẩm cho nông sản, góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân không chỉ tại địa phương mà còn cho các xã, huyện lân cận; đồng thời, giữ vững ngành chủ lực của huyện. Nếu nông sản chỉ được thương lái mua và nếu không tiêu thụ được thì người dân sẽ chuyển sang trồng các loại cây khác, như vậy sẽ mất đi thế mạnh chủ lực này. Thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã tuyên truyền vận động hội viên nông dân tham gia Hợp tác xã, nhằm ổn định đầu ra và giúp tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong dịch Covid-19. Dịp Tết Nguyên đán 2022 vừa qua, nhãn bán được giá gần 30.000 đồng/kg vì "cầu" nhiều hơn "cung", nên bà con nông dân rất phấn khởi.

TỪ KHÓA #nhãn châu thành