Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những điểm mới trong Luật Tài nguyên nước

Lê Chiên (thực hiện) - 07:05 06/02/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Hiện nay, nguồn nước có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm dưới tác động mạnh mẽ của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu... Do đó, ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước năm 2023 nhằm tăng cường việc quản lý, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ nguồn tài nguyên nước quốc gia…

Vậy, Luật Tài nguyên nước năm 2023 có gì mới? Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW) đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này. 

Theo Luật sư, đâu là điểm mới cốt lõi trong Luật Tài nguyên nước năm 2023?
Trước đó, năm 1998, chúng ta đã có Luật Tài nguyên nước và đến năm 2012, Quốc hội đã ban hành Luật Tài nguyên nước, thay thế Luật Tài nguyên nước năm 1998.
Năm 2023, Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua gồm 10 chương và 86 điều đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách quan trọng về bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước và Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà.

Theo tôi, một trong những điểm cốt lõi của Luật Tài nguyên nước 2023 là “Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia” và được thể hiện trong 8 điểm mới sau:
- Cấm lấp sông, suối, kênh, rạch trái phép;
- Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi “sông chết”;
- Chính sách ưu đãi với dự án cấp nước cho vùng sâu, vùng xa;
- Chính sách sử dụng nước tuần hoàn;
- Hộ gia đình khoan giếng để lấy nước sinh hoạt phải kê khai;
- Rút ngắn thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước;
- 11 trường hợp không cần kê khai, đăng ký, có giấy phép khai thác nước;
- Các trường hợp được miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác nước.
Luật sư có thể nói rõ hơn về quy định “Cấm lấp sông, suối, kênh, rạch trái phép”?
Điều 8 Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
- Lấp sông, suối, kênh, rạch trái phép; đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch nhưng không có biện pháp khắc phục.
- Khai thác trái phép bùn, đất và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa, trong hành lang bảo vệ nguồn nước.
- Phá hoại các công trình điều tiết, trữ nước.
- Làm sai lệch thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước.
- Xây dựng hồ chứa, đập, công trình khai thác, sử dụng nước trái quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan.
Còn việc khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi “sông chết” thì Luật Tài nguyên nước năm 2023 quy định ra sao?
Điều 4 Luật Tài nguyên nước năm 2023 quy định “Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước”, trong đó nêu rõ: Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản; bảo vệ, phát triển tài nguyên nước; phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.
Bên cạnh đó, cũng khuyến khích các tổ chức tài chính phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các sản phẩm tài chính để hỗ trợ cho hoạt động phục hồi nguồn nước. Tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm sẽ được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, miễn, giảm thuế, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo điểm 4 Điều 34 Luật Tài nguyên nước năm 2023.
Đối với chính sách ưu đãi với dự án cấp nước cho vùng sâu, vùng xa thì Luật Tài nguyên nước 2023 quy định ra sao?
Khoản 2 Điều 4 Luật Tài nguyên nước 2023 quy định: “Ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, tích trữ nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác”
Các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án kể trên sẽ được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, miễn, giảm thuế, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo khoản 2 Điều 73 Luật Tài nguyên nước năm 2023.
Theo Luật Tài nguyên nước năm 2012, hộ gia đình khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt thì không phải đăng ký, không phải xin phép. Nhưng như Luật sư nói trên theo quy định của Luật mới thì “Hộ gia đình khoan giếng để lấy nước sinh hoạt phải kê khai”?
Đây là điểm mới của Luật Tài nguyên nước năm 2023. Theo điểm a khoản 1 Điều 144 Luật Tài nguyên nước năm 2012, hộ gia định khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt thì không phải đăng ký, không phải xin phép. Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 52 Luật Tài nguyên nước năm 2023, quy định: “4. Hộ gia đình khai thác nước dưới đất để sử dụng cho sinh hoạt của mình phải thực hiện kê khai để quản lý”. 
Điểm mới mà người dân rất quan tâm là chính sách sử dụng nước tuần hoàn. Vấn đề này được Luật Tài nguyên nước 2023 quy định thế nào?
Theo khoản 1 Điều 58 Luật Tài nguyên nước, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước thực hiện các giải pháp để sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Điều 59 Luật Tài nguyên nước 2023 quy định: “Nhà nước khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước ngay trong giai đoạn xây dựng dự án”. Các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực có nguồn nước mặt không còn khả năng chịu tải theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước hoặc có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt trước khi thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tổ chức, cá nhân nghiên cứu, áp dụng các giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước tại khu vực nguồn nước bị suy thoái, vượt ngưỡng khai thác nước dưới đất và không còn khả năng chịu tải.

Sử dụng nguồn nước hợp lý để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa
Theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Luật Tài nguyên nước 2023 thì: Tương ứng với việc thực hiện giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ được xem xét miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 60 Luật Tài nguyên nước 2023 còn ghi nhận, tổ chức, cá nhân đầu tư sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước được hưởng ưu đãi theo quy định.
Các điểm mới về rút ngắn thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước; các trường hợp không cần kê khai, đăng ký, có giấy phép khai thác nước; các trường hợp được miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác nước được quy định tại các điều nào của Luật Tài nguyên nước 2023?
- Khoản 1 Điều 54 quy định việc Rút ngắn thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước được; Khoản 2 Điều 54 Luật Tài nguyên nước ghi nhận 11 trường hợp không phải kê khai, đăng ký, không phải có giấy phép khai thác tài nguyên nước
- Điều 69 đã bổ sung thêm các trường hợp tổ chức, cá nhân được miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác nước.
Để biết thông tin chi tiết, các bạn nghiên cứu Điều luật trên
Cảm ơn Luật sư!