Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những điều có thể bạn chưa biết về Quỹ Phát triển đất

Minh Tú - 08:11 06/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 31/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động và cơ chế tài chính của Quỹ Phát triển đất. Tòa soạn Tạp chí Nông thôn mới xin được cung cấp những thông tin cơ bản để quý độc giả có thể hiểu rõ nhất về cơ quan cấp tỉnh này.

Những thông tin cơ bản về Quỹ Phát triển đất

Thực tế hiện nay cho thấy, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất sạch là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Nếu không có một nguồn lực sẵn sàng chi trả để thực hiện các công việc này sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện các dự án, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Quỹ Phát triển đất được thành lập theo quy định của pháp luật đất đai năm 2003 đã đáp ứng được các yêu cầu nêu trên.

Quỹ Phát triển đất được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng

Quỹ Phát triển đất là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, có vốn điều lệ, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước, không vì mục đích lợi nhuận, bảo toàn, phát triển vốn.

Quỹ có tư cách pháp nhân, có con dấu, hạch toán độc lập. Tên gọi: "Quỹ Phát triển đất" ghép với tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quỹ Phát triển đất có chức năng tiếp nhận, huy động vốn theo quy định để thực hiện nhiệm vụ ứng vốn và được hoàn trả vốn ứng theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến thời điểm năm 2023, có 57 địa phương đã thành lập Quỹ Phát triển đất, trong đó có 27 Quỹ hoạt động theo mô hình độc lập, 30 Quỹ hoạt động theo mô hình ủy thác.

Quỹ phát triển đất hoạt động theo mô hình độc lập hoặc mô hình ủy thác.

Trường hợp Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định Quỹ Phát triển đất hoạt động theo mô hình độc lập thì thực hiện theo quy định tại các Điều 9, 10 và 11 Nghị định này.

Trường hợp Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoặc Quỹ tài chính khác của địa phương quản lý Quỹ phát triển đất thì thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Chịu trách nhiệm cao nhất về hoạt động của Quỹ Phát triển đất (Ban điều hành) là Hội đồng quản lý. Số lượng thành viên của Hội đồng quản lý là số lẻ; Chủ tịch Hội đồng quản lý là lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Phó Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản lý phải có lãnh đạo các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Quỹ.

Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ phát triển đất gồm: Giám đốc, không quá 02 Phó Giám đốc; Kế toán trưởng và không quá 03 phòng (thực hiện chức năng hành chính và nghiệp vụ Quỹ). Các phòng của Cơ quan điều hành nghiệp vụ do Hội đồng quản lý trình Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Biên chế trong trường hợp Cơ quan điều hành nghiệp vụ hoạt động chuyên trách là viên chức.

Nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn hoạt động của Quỹ Phát triển đất

a) Vốn điều lệ

Vốn điều lệ của Quỹ phát triển đất được cấp từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương và cấp từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi (nếu có) của Quỹ Phát triển đất sau khi trích lập các quỹ và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp quyết định mức vốn điều lệ ban đầu, vốn điều lệ bổ sung cấp cho Quỹ Phát triển đất.

b) Vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, gồm: Vốn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước theo chương trình hoặc dự án viện trợ, tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.

Việc cấp vốn điều lệ cho Quỹ Phát triển đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước áp dụng đối với quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Vốn hoạt động của Quỹ Phát triển đất được gửi tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, các ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước trên địa bàn bảo đảm an toàn, hiệu quả và được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển đất. Quỹ Phát triển đất mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước trên địa bàn để quản lý vốn điều lệ của Quỹ. Vốn điều lệ của Quỹ chỉ được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ ứng vốn và được hoàn trả vốn ứng theo quy định tại Nghị định này.

Nghị định số 104/2024/NĐ-CP quy định rõ, vốn hoạt động của Quỹ Phát triển đất được sử dụng để:

Ứng vốn cho chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đơn vị, tổ chức của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về nhà ở (trừ các dự án đầu tư bằng nguồn vốn không phải nguồn ngân sách nhà nước).

Ứng vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất để tạo lập, phát triển quỹ đất tái định cư, tạo quỹ đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước.

Ứng vốn cho tổ chức được giao thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Ứng vốn thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Việc ứng vốn từ Quỹ thực hiện theo quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định này; việc hoàn trả vốn ứng cho Quỹ thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.  

Nghị định số 104/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 01/8/2024./.

Dự án nâng cấp Quốc lộ 7 gặp khó khăn vì giải phóng mặt bằng
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mặc dù đã xin gia hạn 1 lần và cũng gần hết thời gian gia hạn, nhưng đến nay Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ (QL) 7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An vẫn còn ngổn ngang do mặt bằng chưa được bàn giao.