Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Dự án nâng cấp Quốc lộ 7 gặp khó khăn vì giải phóng mặt bằng

Bùi Ánh - Ngọc Linh - 15:55 01/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mặc dù đã xin gia hạn 1 lần và cũng gần hết thời gian gia hạn, nhưng đến nay Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ (QL) 7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An vẫn còn ngổn ngang do mặt bằng chưa được bàn giao.
Mặt bằng chưa được bàn giao toàn tuyến nên việc thi công khó thông suốt

Dự án này đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt tại Quyết định số 333/QĐ-BGTVT ngày 18/3/2022. Tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng với tổng chiều dài 27,5km đi qua huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương của tỉnh Nghệ An. Dự án được triển khai nhằm đến các mục tiêu hoàn thiện QL.7 theo quy hoạch; tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo giao thông thông suốt trên hành lang vận tải từ cửa khẩu Nậm Cắn (kết nối với nước bạn Lào) tới các tỉnh ven biển miền Trung; phát huy hiệu quả các đoạn tuyến đã đầu tư trước đây; tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực.

Theo kế hoạch, Dự án cải tạo nâng cấp QL.7 được triển khai từ năm 2022 và hoàn thành, bàn giao tháng 12 năm 2023 nhưng việc triển khai thi công không đến vạch đích như lộ trình do điều kiện mặt bằng chưa được địa phương kịp thời bàn giao để đơn vị thi công tiến hành thực hiện. Sau đó, Bộ Giao thông vận tải đã gia hạn cho Dự án được kéo dài đến tháng 11/2024 phải hoàn thành. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, Dự án vẫn chưa “khởi sắc” để kịp tiến độ.

Nhiều điểm phải gắn biển cảnh báo nhằm an toàn cho người tham gia giao thông

Cụ thể, hiện nay, Dự án đi qua các huyện còn tồn tại trên tuyến tầm 2,7km chưa được bàn giao mặt bằng. Trong đó Diễn Châu 1,5km, Yên Thành 1,1km, Đô Lương khoảng 200m.

Thời gian thực hiện Dự án không còn nhiều, trong khi vấn đề giải phóng mặt bằng đang là điểm nghẽn của Dự án. Ngày 13/6/2024, Bộ Giao thông vận tải đã có Công điện về việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án cải tạo nâng cấp QL.7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An. Công điện đề nghị UBND tỉnh Nghệ An quan tâm, chỉ đạo quyết liệt UBND các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương và cơ quan chức năng của tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm các tồn tại về mặt bằng trong tháng 6/2024; tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu có mặt bằng sạch triển khai thi công...

Sau Công điện của Bộ, UBND tỉnh Nghệ An đã có Thông báo số 454 - TB/UBND ngày 18/6/2024, kết luận tại buổi làm việc về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật...và công tác khác liên quan của Dự án. Ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các địa phương có Dự án đi qua phải kiện toàn lại Hội đồng giải phóng mặt băng (GPMB) cho Dự án, khẩn trương xác định lại nguồn gốc, diện tích... các thửa đất đang còn vướng mắc, tính toán cụ thể để tuyên truyền vận động người dân sớm thống nhất bàn giao mặt bằng cho Dự án, từ đó xác định cụ thể các trường hợp cần xử lý hành chính hoặc bảo vệ thi công....

Nắng bụi, mưa bùn và tai nạn giao thông rình rập người đi đường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu huyện Diễn Châu thực hiện bàn giao mặt bằng các đoạn còn vướng mắc xong trước ngày 28/6/2024; ưu tiên bàn giao trước mặt bằng đối với hộ ông Nguyễn Văn Duyên, ông Nguyễn Văn Linh và ông Cao Văn Khoá phía trái tuyến QL7, phía Tây đường sắt; đồng thời để có đủ thời gian thi công cầu vượt đường sắt (đây là đường găng của Dự án) hoàn thành chậm nhất trong tháng 11/2024, theo tiến độ được Bộ GTVT gia hạn; tổ chức vận động, bảo vệ thi công các đoạn tuyến đã đảm bảo quy trình, quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng mà các hộ dân cản trở, chống đối với đoạn qua xã Diễn Thành, Diễn Phúc, Diễn Cát, Minh Châu; lưu trữ hình ảnh hiện trạng các hộ còn vướng mắc để đối chiếu hồ sơ. 

Đối với huyện Yên Thành, thực hiện bàn giao mặt bằng các đoạn còn vướng mắc xong trước ngày 28/6/2024. Còn với các hộ không đủ điều kiện để đền bù hoặc có đất theo trích đo không ảnh hưởng đến dự án nhưng hiện nay chưa bàn giao mặt bằng, UBND huyện khẩn trương tổ chức vận động tuyên truyền, xây dựng phương án bảo vệ thi công, hoàn thành trong tháng 6/2024.

Với huyện Đô Lương tiến hành tổ chức cưỡng chế thu hồi đất để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công trong tháng 06/2024 đối với hộ ông Nguyễn Tất Thưởng, thực hiện bàn giao mặt bằng các đoạn còn vướng mắc xong trước ngày 25/6/2024.

Ngày 18/6/2024 huyện Đô Lương đã tổ chức bảo vệ thi công tại xóm Lưu Diên, xã Lưu Sơn.

Tuy nhiên, đến nay công tác GPMB vẫn còn nhiều điểm vướng và rất khó hoàn thành như kết luận tại Thông báo số 454 ngày 18/6 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

Qua trao đổi, ông Lê Mạnh Hiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: Dự án đi qua huyện Diễn Châu vẫn còn 31 hộ chưa chấp thuận theo phương án đền bù và huyện còn tích cực tuyên truyền để các hộ dân hiểu, tự nguyện bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Một trong những hạng mục quan trọng của Dự án đó là cầu vượt đường sắt ở xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu. Cầu được thiết kế 2 làn, 8 nhịp, song đến nay mới chỉ có 4 nhịp được hoàn thành. Trong số 4 nhịp còn lại chưa có mặt bằng để thi công móng (ghi nhận ngày 30/6).

Cầu vượt đường sắt thuộc hạng mục đường găng tiến độ của Dự án, dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 9/2023, nhưng do không được bàn giao mặt bằng nên tiến độ thi công không đạt được theo kế hoạch đề ra. Chưa kể, mỗi lần huy động máy móc, thiết bị vào làm được một đoạn nhỏ, rất vất vả, tốn kém, khiến các nhà thầu gặp nhiều khó khăn vì chi phí bị đẩy lên cao.

Cầu vượt đường sắt khó bàn giao theo đúng kế hoạch do mặt bằng chưa được bàn giao.

“Nếu tình trạng bàn giao mặt bằng như thế này thì cầu vượt đường sắt đoạn qua huyện Diễn Châu không thể hoàn thành được bởi thời gian thi công cầu vượt đường sắt tương đối dài. Do đó, mặt bằng được bàn giao và tiến hành thi công từ tháng 7 thì cũng phải sang năm 2025 mới bàn giao được. Trường hợp không bàn giao mặt bằng được thì xin Bộ giảm quy mô dự án” - ông Hoàng Văn Châu, Giám đốc Điều hành dự án, Ban quản lý Dự án 4 nhận định.

Nghệ An: Bàn giải pháp phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đến thời điểm hiện tại, Nghệ An đã có 567 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, vươn lên đứng thứ 2 cả nước chỉ sau Hà Nội. Đây là cơ hội để nâng tầm giá trị nông sản nhưng cũng nhiều thách thức trong vấn đề cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường hiện nay.