Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những quy định thu phí của nhà trường đầu năm học mới

07:15 16/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo duc & Đào tạo các tỉnh, thành phố đã có nhiều văn bản quy định các khoản thu, cũng như có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh việc lạm thu… nhưng tình trạng này vẫn là vấn đề nhức nhối, là nỗi lo của nhiều phụ huynh nhất là ở vùng nông thôn. Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà - Giảng viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã có những trao đổi về vấn đề này.
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Tà Ghênh, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Việc thực hiện xã hội hóa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện để thầy và trò có điều kiện giảng dạy và học tập tốt là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên chủ trương tốt đẹp này đã bị không ít cơ sở giáo dục biến tướng dẫn đến lạm thu, khiến cho phụ huynh băn khoăn, thậm chí bức xúc. Với hàng chục khoản đóng góp đầu năm học từ học phí, sách vở,  …đến các khoản “tự nguyện” như quỹ lớp, quỹ phụ huynh, vệ sinh trường lớp, ủng hộ cơ sở vật chất, hỗ trợ các cuộc thi, tiền mua sách bổ trợ…đang đè nặng lên đôi vai của phụ huynh - nhất là những gia đình ở nông thôn mà nguồn thu chỉ trông vào cây lúa, con lợn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu đầu năm học nhưng đến hẹn lại lên tình trạng lạm thu vẫn tái diễn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là những quy định về việc thu chưa đến được với phụ huynh. Có nơi nhà trường gợi ý; nơi “khéo” hơn thông qua Ban Đại diện cha mẹ học sinh để thu theo kiểu “tự nguyện” mà không khác gì bắt buộc. Nhiều phụ huynh ấm ức nhưng không dám nói ra sợ con mình ở trường bị bài xích, cô lập,… đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Và thực tế cho thấy, không ít cơ sở giáo dục còn biến Ban Đại diện cha mẹ học sinh thành “Ban thu tiền”.

Tiến sĩ có thể cho biết các khoản nhà trường không được thu của học sinh?

Theo khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, Ban Đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học những khoản tiền sau:

- Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

- Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh:

+ Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường;

+ Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;

+ Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;

+ Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;

+ Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;

+ Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;

+ Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Như vậy,Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT đã quy định về 8 khoản tiền nhà trường không được thu của học sinh thông qua việc quyên góp của người học hoặc gia đình người học như trên.

Vậy khoản nào nhà trường được phép thu của học sinh?

Quy định về các khoản nhà trường được phép thu của học sinh nằm ở nhiều văn bản khác nhau. Theo quy định hiện hành thì nhà trường được phép thu của học sinh một số khoản sau:

- Học phí (theo quy định tại Nghị định số  81/2021/NĐ-CP);

 - Tiền bảo hiểm y tế ( theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP;  

- Tiền quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu (theo quy định tại Thông tư  26/2009/TT-BGDĐT);

- Tiền dạy thêm trong nhà trường (theo quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT); thu tiền học 2 buổi/ngày;

- Tiền viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng (theo quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT ) và một số khoản thu phục vụ bán trú, nước uống theo thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường.

Bên cạnh những văn bản trên, đầu năm học Sở Giáo dục &Đào tạo ở một số địa phương cũng có văn bản chỉ đạo việc thu chi, ví dụ như TP. HCM quy định 26 khoản thu, thuộc 4 nhóm chính và quy định mức trần cho từng nhóm để phụ huynh nắm bắt, giám sát, tránh lạm thu; Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu cũng liệt kê chi tiết các khoản thu sẽ được quy định mức thấp nhất và cao nhất…

Theo quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh được cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục. Nhưng một số phụ huynh phản ánh thì không ít nơi Ban này chủ yếu thực hiện việc huy động đóng góp theo gợi ý của nhà trường. Vậy pháp luật quy định thế nào về nhiệm vụ và quyền của Ban Đại diện cha mẹ học sinh?

Nhiêm vụ và quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được quy định rất rõ tại Điều 6, Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh (ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT). Theo đó, nhiệm vụ chủ yếu của Ban đại diện cha mẹ học sinh là phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục.

- Điểm đáng lưu ý là tại Khoản 1, Điều 10, Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh (ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT) quy định:  “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác”. Điều này có nghĩa: Kinh phí mà Ban đại diện cha mẹ học sinh có được đều phải có nguồn gốc “từ sự ủng hộ tự nguyện” hoặc “nguồn tài trợ hợp pháp”.

Tuy nhiên, rất đáng tiếc không ít Ban Đại diện cha mẹ học sinh lại thực hiện theo kiểu áp đặt, phân bổ chỉ tiêu trên đầu người, danh nghĩa là tự nguyện nhưng thực chất là bắt buộc.

 Để khắc phục tình trạng lạm thu của nhà trường đầu năm học, theo Tiến sĩ phải làm gì?

Như đã nói trên, không phải năm học này, mà từ nhiều năm học trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã thấy được tình trạng lạm thu của nhà trường đầu năm học nên đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quy định việc thu nhưng tình trạng này vẫn chưa chấm dứt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nhiều, trong đó có nguyên nhân: Chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định việc thu của nhà trường rõ ràng, có hiệu lực pháp lý cao; công tác truyên truyền về quy định các khoản thu chưa sâu rộng; bản thân các phụ huynh cũng chưa thực sự “dũng cảm” đấu tranh…

Để khắc phục tình trạng trên, theo tôi cần có một Nghị định quy định việc thu, chi trong nhà trường; trong đó quy định rõ nhà trường được phép thu những khoản gì (hay nói cách khác học sinh phải đóng góp những khoản gì), Ban Đại diện cha mẹ học  sinh được phép thu khoản gì, phải làm rõ nội hàm “ủng hộ tự nguyện” nhằm đảm bảo tính minh bạch … Đồng thời, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, cần thông tin sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về các khoản tiền học sinh cần thiết phải đóng góp cho nhà trường. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của hệ thống truyền thanh cấp cơ sở, giúp người dân không chỉ biết mà còn nắm vững các quy định của pháp luật hiện hành về các khoản thu, chi nhà trường được phép và không được phép huy động từ cha mẹ học sinh.

Cần phải có hình thức xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó các thành viên Ban Đại diện cha mẹ học sinh phải được tập huấn để nâng cao năng lực hoạt động. Thành viên  Ban Đại diện cha mẹ học sinh bên cạnh lòng nhiệt tình còn phải là người có năng lực và “dũng khí”. Phụ huynh cũng cần phải tìm hiểu và dũng cảm đấu tranh với những yêu cầu bất hợp lý…có như vậy thì mới hạn chế được thấp nhất tình trạng lạm thu.

Cảm ơn Tiến sĩ!

Lê Chiên (thực hiện)

* THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ